Theo sắc lệnh mới này, chính quyền Tổng thống Trump tái cho phép các hạn chế kinh tế chống lại Triều Tiên trong khi tuyên bố nước này vẫn còn là một “mối đe dọa bất thường” đối với Mỹ.
Tuyên bố trên được đưa ra chỉ 9 ngày sau khi Tổng thống Trump đăng trên Twitter rằng đã không còn mối đe dọa hạt nhân nào từ Triều Tiên, kể từ hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên tại Singapore.
Trong tuyên bố, ông Trump nêu rõ: "Sự tồn tại và nguy cơ làm giàu nguyên liệu có thể tách ra dùng cho vũ khí trên bán đảo Triều Tiên, cũng như hành động và chính sách của chính phủ Triều Tiên tiếp tục gây ra mối đe dọa bất thường và đặc biệt cho an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế Mỹ".
Ông nói vì lý do trên, 6 sắc lệnh hành pháp áp đặt cấm vận với Triều Tiên mà chính quyền của ông cũng như các chính quyền Mỹ trước đây đã ban hành phải được tiếp tục duy trì sau ngày 27/6. "Tôi sẽ tiếp tục (áp dụng) tình trạng khẩn cấp quốc gia về Triều Tiên thêm một năm nữa", ông Trump viết.
Tình trạng khẩn cấp quốc gia Mỹ được bắt đầu từ ngày từ ngày 26/6/2008 ,dưới thời cựu tổng thống George W. Bush và là dấu hiệu căng thẳng kéo dài giữa Mỹ - Triều khi Triều Tiên tiến gần đến hoàn thiện đầu đạn hạt nhân có thể vươn tới Mỹ. Nhưng trong cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên ngày 12/6, ông Kim Jong Un đã đồng ý “hoàn toàn phi hạt nhân hóa” bán đảo Triều Tiên.
Tại cuộc gặp giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un ở Singapore hôm 12/6, hai bên đã ký tuyên bố chung "hướng đến việc phi hạt nhân hóa toàn diện bán đảo Triều Tiên".
Hai bên dù vậy vẫn sẽ phải đàm phán về các điều khoản để Triều Tiên từ bỏ vũ khí và được dỡ bỏ cấm vận – điều chính phủ Mỹ vẫn chưa làm được trong gần 25 năm qua.
Trước đó, Tổng thống Mỹ phát biểu trong cuộc họp nội các ngày 21/6 rằng quá trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên đã bắt đầu.