Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

PGS. TS Nguyễn Văn Huy: Quản lý di sản đang bộc lộ nhiều yếu kém

Lại Tấn thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước sự việc đình Lương Xá (thôn Lương Xá, xã Liên Bạt, Ứng Hòa, Hà Nội) bị bê tông hóa, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có buổi phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản để tìm hiểu về thực trạng bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa hiện nay ở nước ta.

 Đình Lương Xá đang bị bê tông hóa. Ảnh: Thanh Loan
Tu bổ di tích lịch sử, văn hóa từ nguồn vốn xã hội hóa đã có từ lâu. Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng nguồn vốn xã hội hóa đang bị “thả nổi”. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?
- Việc trùng tu, sửa chữa, bảo tồn các di tích từ nguồn vốn xã hội hóa là cần thiết. Theo kinh nghiệm các nước trên thế giới, vốn xã hội hóa dùng để trùng tu, sửa chữa di tích sẽ được đưa vào trong một quỹ hoạt động văn hóa. Trên cơ sở đó, tổ chức quản lý số tiền sẽ tài trợ cho các di tích theo đúng quy định, nguyên tắc của quỹ đó không phải theo yêu cầu từ nhà tài trợ.
Tuy nhiên ở Việt Nam đang đi theo một xu thế khác với thế giới. Nhà tài trợ sẽ đóng góp trực tiếp cho công trình, rất ít khi đưa vào các quỹ văn hóa. Hiện nay, chúng ta thấy rõ nhiều ngôi đình, chùa bị sự chi phối của những nhà tài trợ, thậm chí hoành phi, câu đối là được làm theo ý nhà tài trợ. Rất nhiều bài học tu bổ của các di tích chứng minh “mạnh thường quân” có vai trò quyết định cách thức tu bổ, thậm chí còn làm thay đổi cả hình thái kiến trúc truyền thống của di sản.

Trường hợp của đình Lương Xá ở Ứng Hòa là di tích có giá trị nhưng chưa được xếp hạng. Rất may là nằm trong danh mục kiểm kê và được bảo vệ bởi Luật Di sản. Theo ông, quy trình công nhận di tích văn hóa hiện nay có thể hiện nhiều bất cập?

- Từ sự việc ở đình Lương Xá, chúng ta có thể thấy Hà Nội còn chậm trong việc công nhận các di tích lịch sử văn hóa. Gần 6.000 di tích được kiểm kê nhưng chỉ non nửa được xếp hạng, số lượng xếp hạng mỗi năm lại nhỏ giọt. Thủ tục cũng còn nhiều rườm rà. Trong khi đó, chúng ta phải khẳng định xếp hạng di sản không phải thăng hạng cho di tích mà đưa những giá trị văn hóa vào vòng bảo vệ chính thức của các quy định pháp luật. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu cắt giảm thủ tục cho các DN đi 50% nhưng ở lĩnh vực văn hóa không ai nói đến việc này, văn hóa cũng nên đi theo xu hướng chung để đẩy nhanh số lượng di tích được xếp hạng.
 PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản
Bên cạnh đó, chúng ta cần có giải pháp để người dân, lãnh đạo địa phương hiểu và nhận thức được quy định pháp luật. Đồng thời, chúng ta cần giúp người dân hiểu và nhận thức được di sản văn hóa đã được công nhận hay chưa được công nhận đều là tài sản của xã hội, là niềm tự hào của cộng đồng. Qua sự việc tại Đình Lương Xá, người làm về di sản rất tiếc. Theo tôi những hiện vật cổ nên chuyển cho Bảo tàng Hà Nội để những người có chuyên môn phục dựng 1 đình Lương Xá trong bảo tàng.

Qua sự việc tại đình Lương Xá, ông đánh giá như thế nào về trách nhiệm trong công tác quản lý của chính quyền địa phương?

- Theo tôi, công tác quản lý của chính quyền địa phương còn yếu kém. Trước những sự việc trên, chính quyền cần phải có thông tin xử lý nhanh nhạy ở tất cả các cấp. Có thể nhận định rằng trong công tác bảo tồn, trùng tu di sản có lỗ hổng thông tin rất lớn. Vụ việc Đình Lương Xá, báo chí vào cuộc thì chính quyền các cấp mới giật mình, truyền thông không phát hiện và đưa thông tin thì vụ việc coi như xong, vi phạm bị bỏ lọt.

Xin cảm ơn ông!