Biết lỗi nhưng vẫn xây
Từ cuối năm 2018, các cơ quan chuyên ngành văn hóa cấp TP và cấp huyện đã nắm được hiện trạng chùa Bối Khê đang diễn ra các hoạt động xây dựng các cổng bên gác chuông di tích, hạng mục phụ trợ (nhà bếp, cổng phụ gác chuông, cổng phụ hậu đường và tường bao ngăn cách giữa nhà bia và sân nhà khách - nhà Tổ) trong khuôn viên di tích. Tất cả các công việc này diễn ra ở di tích xếp hạng cấp quốc gia nhưng lại không có hồ sơ xin phép tu bổ. Sở yêu cầu huyện báo cáo, huyện yêu cầu xã. Nhưng rồi sự việc rơi vào im lặng, không được giải quyết. Chưa dừng lại ở đó, trước Tết Kỷ Hợi, UBND huyện Thanh Oai lại giao cho Ban quản lý dự án huyện tiến hành lát đá xanh phủ kín mặt sân chùa (thuộc khu vực bảo vệ II di tích trước Ngũ môn quan), phá bỏ toàn bộ cảnh quan không gian và di dời cây lưu niên ra khỏi khuôn viên di tích.
Ngày 23/4, Thanh tra Bộ VHTT&DL kiểm tra việc xây dựng trái phép các hạng mục trong khu vực II di tích chùa Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai (Hà Nội). Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra ghi nhận hai cổng phụ cũ hai bên công trình gác chuông đã bị tháo dỡ để xây dựng mới, trong đó một bên cổng đã hoàn thiện, một bên cổng đang đình chỉ xây dựng; hạng mục sân đá trước ngũ môn được lát mới mà chưa có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền theo các quy định của pháp luật. Đáng lưu ý, trước khi phá cổng cũ, xây cổng mới tại chùa Bối Khê, sư Thích Đàm Khoa từng tự ý phá dỡ các hạng mục chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) để xây mới. Chùa Trăm Gian là di tích nổi tiếng của Hà Nội. Sau vụ tự ý phá chùa đó, các cơ quan chức năng đã mất rất nhiều công sức để phục hồi. |
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Lâm Biền chia sẻ:
“Đến thời buổi phương tiện truyền thông tràn ngập, mọi thông tin đều cập nhật nhanh chóng vẫn có đơn vị phá chùa cổ. Chưa kể, địa điểm chùa ngay gần Thủ đô, nơi mọi người đều dễ dàng tiếp cận với các quy định của pháp luật”. Còn nhớ, năm 2012, di tích chùa Trăm Gian từng tốn không biết bao giấy mực của báo chí để kêu cứu cho hành động tự ý phá bỏ các công trình cổ của vị sư trụ trì Thích Đàm Khoa. Hậu quả sau sự việc, TP tốn nhiều tiền, nhiều năm để khôi phục di sản trở về với nguyên trạng. Chưa hết, sau lần vi phạm khiến cả nước biết đến, sư trụ trì Thích Đàm Khoa vẫn tiếp tục tự ý tu sửa vườn Tổ, xây mới nhà ni… tại chính ngôi chùa được dựng lên từ đời vua Lý Cao Tông (1176 - 1210). Nhưng rồi chính quyền địa phương, cơ quan quản lý văn hóa cũng chỉ biết nhắc nhở, xử lý khi… thầy đã xây.
Sau mỗi lần vi phạm, cơ quan quản lý văn hóa và chính quyền địa phương về lập biên bản xử phạt, câu nói thường trực của sư thầy Thích Đàm Khoa là tôi không hiểu Luật nên cho xây dựng nhỏ, không nghĩ sự việc lại lỗi lớn như vậy. Hoặc, các hạng mục đó xuống cấp lắm rồi, xin thủ tục thì chờ mãi không được chấp thuận, tôi tu sửa để nơi thờ sư tổ được trang nghiêm… Trăm nghìn lý do được sư trụ trì chùa Thích Đàm Khoa đưa ra sau những vi phạm. Nhưng sự việc cứ lặp đi lặp lại mà không sửa đổi. Được biết, chùa Bối Khê và chùa Trăm Gian có liên quan vị trí sư trụ trì.Chính quyền im lặng để nhà chùa làm sai
Đến chùa Bối Khê, đến chùa Trăm Gian, du khách đều trầm trồ về vẻ đẹp của di sản cổ. Chính quyền địa phương, sư trụ trì sẽ phải tự hào về giá trị ngàn năm cha ông để lại để chung tay gìn giữ di sản cho con cháu mai sau. Tuy nhiên, cứ lần này hết lần khác di sản bị phá hỏng vì những hạng mục làm mới. Ở chùa Bối Khê hiện cổng mới bên trái gác chuông đã hoàn thành, cổng phía bên phải đang trong quá trình xây dựng dở dang. Chứng kiến cảnh tượng này, những người yêu quý di sản văn hóa của cha ông không khỏi xót xa, đau đớn. Hiện nay, Sở VH&TT Hà Nội, Bộ VHTT&DL đều đã có những văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng cho tạm dừng công tác thi công, báo cáo sự việc lên các cơ quan chuyên ngành.
Theo thông tin từ Sở VH&TT Hà Nội, khi các công trình xây dựng vi phạm diễn ra, ngày 14/12/2018, Sở đã có văn bản đề nghị UBND huyện Thanh Oai chỉ đạo các phòng chức năng của huyện phối hợp với UBND xã Tam Hưng kiểm tra và có biện pháp xử lý, gửi báo cáo về Sở trước ngày 18/12/2018. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, Sở vẫn chưa nhận được báo cáo của UBND huyện Thanh Oai. Cũng theo Sở VH&TT Hà Nội, trong khi chờ báo cáo của cấp huyện thì tại di tích chùa Bối Khê vẫn tiếp tục diễn ra việc xây dựng cổng bên phải và tổ chức lát đá xanh trước sân cổng ngũ môn, tập kết vật liệu xây dựng gây phản cảm và ảnh hưởng cảnh quan di tích, bức xúc xã hội.
Câu hỏi được đặt ra, vậy ai là người cho phép tùy tiện phá bỏ một phần di tích và xây dựng tại một di tích quốc gia trong suốt thời gian qua? Tại sao xã không báo cáo huyện, huyện biết sai vẫn tiếp tục chấp thuận cho Ban quản lý dự án thực hiện một số vi phạm tiếp theo? Nếu vi phạm tiếp tục được bỏ qua, danh sách chùa cổ bị phá hoại sẽ còn được nối dài.