Thêm một lần nữa, hội thảo khoa học “Khơi nguồn sức mạnh” khẳng định tầm quan trọng, ý nghĩa của các phong trào thi đua yêu nước. Chính các phong trào thi đua yêu nước đã tạo nên sức mạnh cho mỗi cơ quan, đơn vị, TP và đất nước.
Khơi dậy, phát huy cái tốt trong mỗi con người
Phác thảo bức tranh Hà Nội là nơi nghiêm túc, chủ động, sáng tạo và đi đầu trong việc thực hiện nhiều phong trào thi đua yêu nước có hiệu quả, TS Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội cho biết, từ năm 1992 đến nay, phong trào “Người tốt, việc tốt” của Thủ đô ngày càng phát triển sâu rộng trong đời sống xã hội. 25 năm qua, đã có 24.000 gương “người tốt, việc tốt” được thành phố biểu dương, khen thưởng; hơn 32 vạn “Người tốt, việc tốt” được các địa phương và đơn vị TP khen thưởng.
Những tấm gương sáng trong phong trào “Người tốt, việc tốt” được các cấp, các ngành TP biểu dương, đã có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, có sức lan tỏa, tác động đến người dân. Cái tốt, cái đẹp, việc tử tế của mỗi con người được khơi dậy, phát huy, “như ánh sáng xua tan bóng tối”: Ông Lương Văn Tăng (chủ nhiệm thư viện - Chi hội trường Chi hội khuyến học thôn Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín) từ năm 1999 đã sáng lập tủ sách đặt tại đình làng để phục vụ miễn phí bạn đọc (đến nay thư viện có khoảng một vạn cuốn sách, 5 tờ báo hằng ngày và trên 2000 cuốn tạp chí); ông Nguyễn Khánh Toàn (cựu chiến binh thị trấn Phú Xuyên, huyện Phủ Xuyên) 82 tuổi, nhưng hằng ngày vẫn tận tâm trông quản nghĩa trang liệt sĩ của thị trấn; Trung tá Phạm Văn Tuyến (đội phó Đội Cảnh sát giao thông số 14 - Công an Hà Nội), nhiều lần đã dũng cảm ngăn chặn những hành vi buôn bán thực phẩm bẩn, giúp người tham gia giao thông, cứu người có hành vi tự vẫn,...
Góp ý cho phong trào thi đua yêu nước của TP, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho rằng, để nhân lên giá trị của các phong trào thi đua yêu nước, TP cần chú trọng khắc phục “bệnh hình thức”; từ đánh giá, xếp loại đến khen thưởng, kỷ luật đều phải bảo đảm thực chất. Cùng với đó, TP phải gắn các phong trào thi đua yêu nước với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; huy động sự tham gia tích cực hơn nữa của báo chí vào các phong trào thi đua, đầu tư nhiều hơn để cuộc thi viết về gương người tốt, việc tốt của TP ngày càng chất lượng.
Động lực phát triển của mỗi cơ quan, đơn vị
Gần 30 năm lãnh đạo doanh nghiệp, trực tiếp triển khai các phong trào thi đua yêu nước, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Thăng chia sẻ: Với yêu cầu mới, phải xây dựng đội ngũ con người chuyên nghiệp, từ năm 2016, phong trào “thi đua làm theo lời Bác Hồ dạy ” được chuyển thành “Thi đua làm theo lời Bác trong mọi công việc thường xuyên hằng ngày của tất cả mọi người ” mà nội dung thiết thực là các hành động cụ thể thực hiện hai bộ công cụ quản trị hiện đại là bộ công cụ quản trị chiến lược và bộ công cụ cải thiện và nâng cao năng suất - chất lượng với hệ thống các chỉ tiêu BSC/KPI được hoạch định cho từng bộ phận, từng người từng năm, quý, tháng, tuần của toàn bộ hệ thống. Tính cao trào, phong trào được chuyển thành tính chuyên nghiệp “trong mọi công việc thường xuyên hằng ngày của tất cả mọi người ”, kết hợp kỹ trị phương Tây với nhân trị phương Đông, kết hợp truyền thống với hiện đại. Nhờ đó, hai năm qua, 2016, 2017 Rạng Đông vẫn giữ được đà tăng trưởng 8 - 10% hằng năm. 28 năm qua, năm nào doanh thu, lợi nhuận, ngân sách, thu nhập đều tăng; trong đó, cổ tức từ 16% tăng lên gân 50%, 2017 tăng 11% so với 2016. Riêng 4 tháng đầu năm 2018 tăng 8% so với cùng kỳ 2017.
Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Thăng chia sẻ tại hội thảo. |
Từ thực tiễn doanh nghiệp cho thấy, muốn khơi dậy và duy trì tốt phong trào thi đua nhất định phải gắn với lợi ích của người lao động; cán bộ, đảng viên phải nêu gương và hình thức tổ chức phải đổi mới.
Nhằm hiện thực hóa phong trào thi đua yêu nước, nhiệm kỳ qua, đã có 24.179 hội viên cựu chiến binh hiến 952.621 m2 đất để xây dựng các công trình phúc lợi, toàn Thành hội đã đóng góp 78,162 tỷ đồng, 272.401 ngày công làm mới và nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng. Nhiều hội viên gương mẫu dồn điền đổi thửa và vận động Nhân dân thực hiện chủ trương này được các cấp ủy, chính quyền ghi nhận đánh giá cao.
Theo Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội Đào Văn Quân, để khơi được nguồn sức mạnh thì thi đua phải thực chất, khen thưởng phải đúng người, đúng việc. Hiện nay, trong thi đua - khen thưởng còn có “văn hóa” nhường nhịn. Có nơi khi chấm điểm thì thấp nhưng nhờ được nhường nhịn nên vẫn được khen. Khen thưởng không đúng người, đúng việc sẽ làm mất đi khí thế thi đua, cần phải khắc phục bằng được hạn chế này. Đồng thời, phải tăng hơn nữa tỷ lệ cán bộ cơ sở, người trực tiếp lao động được khen thưởng, giảm tối thiểu việc khen cán bộ có chức vụ.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước là một chủ đề rộng và có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc. Với tinh thần ấy, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, ngày càng thấm sâu, lan tỏa, thiết thực, hiệu quả, thực sự là động lực để khơi nguồn sức mạnh của toàn xã hội, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay.