Sáng 6/7, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo TP Hà Nội phòng, chống dịch Covid-19 và Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đồng chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến với Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác trên địa bàn thành phố.
Hà Nội ghi nhận biến chủng Omicron BA.5
Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, trong tuần (từ ngày 28/6 đến 4/7) có 1.538 ca mắc, không ghi nhận trường hợp tử vong; trung bình ghi nhận 220 ca bệnh/ngày, tăng 36,5% so với tuần trước. Công tác giám sát chủng virus SARS-CoV-2 trên địa bàn TP vẫn được tích cực triển khai, trong đó Omicron vẫn là chủng lưu hành chính. Tuy nhiên, Hà Nội đã ghi nhận sự lưu hành của biến chủng Omicron BA.5 (ghi nhận 3 ca được giải trình tự gen tại bệnh viện Bạch Mai; biến chủng này được dự báo có khả năng lây lan mạnh hơn so với chủng cũ), do đó trong thời gian tiếp theo có thể ghi nhận sự gia tăng số ca mắc bệnh, cần giám sát chặt chẽ.
Về công tác tiêm chủng, tính đến ngày 3/7, thành phố đã tiếp nhận, phân bổ 15.755.817 liều vaccine, trong đó đã sử dụng 15.747.907 liều. Cụ thể, đối với người từ 18 tuổi trở lên, mũi 1, mũi 2 đạt 99,9%; mũi bổ sung đạt 100%, mũi 3 đạt 96,5%; mũi nhắc lại lần 2 đạt 15,6%.
Đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã tiêm được mũi 1 là 246.373 mũi/1.023.623 số trẻ em trong độ tuổi mới đạt 20,07%, lý do với 1.023.623 số trẻ em trong độ tuổi có 44% trẻ thuộc diện hoãn tiêm do mắc Covid-19 trong vòng 3 tháng và 29,66% trẻ gia đình không đồng thuận tiêm chủng; mũi 2 tiêm được 81.637 mũi; Đến thời điểm hiện tại, trẻ hoãn tiêm do mắc Covid-19 cũng đã bắt đầu đủ thời gian sau 3 tháng để tiêm nên rất cần có sự đồng thuận của gia đình trẻ và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và toàn thể người dân để đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và Thành phố.
“Dịch đã được kiểm soát nên người dân có tâm lý chủ quan, lơ là, đánh giá thấp sự nguy hiểm của Covid-19. Việc vận động tuyên truyền người dân tham gia công tác tiêm chủng cho trẻ em và tiêm mũi 4 đối với người từ 18 tuổi trở lên còn hạn chế, chưa có sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, đoàn thể” - lãnh đạo Sở Y tế đưa ra một số nguyên nhân chính.
Tại cuộc họp, các địa phương cho biết, số ca mắc Covid-19 giảm dần trong tuần qua, không có bệnh nhân nặng và tử vong. Việc tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) đối với người từ 18 tuổi trở lên; mũi 2 đối với trẻ từ 5-12 tuổi ở một số quận, huyện còn thấp là do người dân còn tâm lý chủ quan; công tác tuyên truyền chưa sâu… Liên quan đến các dịch bệnh khác, đã xuất hiện một vài ổ dịch sốt xuất huyết, sốt phát ban. Trong khi đó, các quận, huyện tiếp tục tuyên truyền về tiêm vaccine phòng Covid-19; vận động người dân thực hiện tiêm phòng đúng theo quy định; đồng thời tăng cường phòng, chống các bệnh dịch mùa hè.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Lưu Hoa cho biết, công tác phòng, chống dịch tại 181 điểm thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được thực hiện nghiêm theo đúng chỉ đạo. Ngành đã phối hợp với các đơn vị triển khai các văn bản nhằm bảo đảm tổ chức kỳ thi an toàn và đúng quy chế. Tính đến nay, đã tổ chức 13 đoàn kiểm tra cơ sở vật chất tại các điểm thi. Đồng thời, hướng dẫn chi tiết đối với các điểm thi về bố trí phòng cách ly; phối hợp với các địa phương và điểm thi xử lý, ứng phó khi có tình huống xảy ra.
Về công tác tiêm vaccine phòng Covid-19, đặc biệt là việc tiêm cho trẻ từ 5-12 tuối, đại diện Sở GD&ĐT khẳng định sẵn sàng phối hợp với các địa phương, nhà trường, cha mẹ học sinh tổ chức tiêm khi có vaccine. Tuy nhiên, Sở cũng kiến nghị cần có kênh, hình thức và phát hành tài liệu tuyên truyền để tăng tỷ lệ cha mẹ học sinh đồng thuận cho trẻ tiêm phòng.
Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho rằng, dịch Covid-19 vẫn được ngành y tế quy định là bệnh truyền nhiễm nhóm A. Vì vậy, cần thực hiện đúng các quy định y tế đối với nhóm bệnh này. Mặc dù đã ghi nhận sự lưu hành của biến chủng Omicron BA.5 với tốc độ lây lan mạnh hơn, song chưa có bằng chứng khẳng định chủng mới gây bệnh nặng hơn. Hiện ngành tiếp tục giải trình tự gen để đánh giá dịch tễ trên từng địa bàn.
Về công tác tiêm chủng, lãnh đạo Sở Y tế đề nghị cần phân công trách nhiệm cụ thể đối với các ngành trong việc tiêm vaccine mũi 4 đối với cán bộ, người lao động ở từng đơn vị; các quận, huyện chủ động xây dựng kế hoạch tiêm chủng; đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine đủ mũi cho trẻ; tăng cường tuyên truyền tiêm vaccine mũi 4 qua các kênh thông tin…
Chủ động kiểm soát dịch bệnh trong mọi tình huống
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá, 6 tháng đầu năm 2022, nhờ những nỗ lực, quyết liệt của hệ thống chính trị và sự chung sức đồng lòng của người dân mà cuộc sống trên địa bàn Thủ đô đã trở lại bình thường, tạo điều kiện cho sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Với tốc độ tăng trưởng quý II-2022 của thành phố là 9,49%, Phó Bí thư Thành ủy cho rằng đây là sự nỗ lực cố gắng lớn của cả hệ thống chính trị để đạt được kết quả này, trong đó đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.
Tuy nhiên, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong lưu ý dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, nhất là khi có biến chủng mới tác động khó lường đến cả nước và Hà Nội. Trong khi đó, Hà Nội là địa phương có tỉ lệ tiêm mũi 4 cho người trên 18 tuổi, nhóm trẻ 5 đến dưới 12 tuổi thấp trong cả nước. Trong đó, công nhân - lực lượng nòng cốt phát triển kinh tế xã hội cũng có tỷ lệ tiêm thấp…
Nguyên nhân chính của tình trạng này, theo Phó Bí thư Thành ủy, là do còn tình trạng lơ là, buông lỏng chủ quan từ trong hệ thống chính trị đến xã hội, người dân, nhất là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của thành phố đến cơ sở có nơi, có lúc chưa thực sự sát sao, chưa bám sát tình hình. Nhiều nơi cho rằng người dân đã mắc Covid-19 nên chưa đến kỳ để tiêm. Tuy nhiên thời gian cao điểm mắc Covid-19 tại thành phố đã qua 3 tháng. “Đây là thời điểm chúng ta phải tập trung tiêm chủng cho người dân” - Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Nhắc lại quan điểm mục tiêu phương châm chống dịch của TP Hà Nội không thay đổi, Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh yêu cầu phải chủ động kiểm soát dịch Covid-19 trong mọi tình huống, nhất là thời điểm hiện nay xuất hiện nhiều dịch bệnh khác. Cho rằng sức khỏe của người dân là trên hết, trước hết, Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu trách nhiệm của hệ thống chính trị phải chăm lo tốt việc này. Cụ thể, kiểm soát dịch bệnh tốt mới có điều kiện phục hồi kinh tế - xã hội, đảm bảo người sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: Vẫn phải xác định nhiệm vụ phòng dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó ngành y tế là nòng cốt. Phó Bí thư Thành ủy đề nghị cần tăng cường phòng chống dịch với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiêm vaccine phòng Covid-19. Việc này gắn với trách nhiệm người đứng đầu các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể. Trong đó, cần đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 4 cho người 18 tuổi trở lên, nhất là đối với người trên 50 tuổi. Về việc nâng tỷ lệ tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu trách nhiệm của các ngành phải tuyên truyền vận động, thuyết phục phụ huynh đưa trẻ đi tiêm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị. Bởi đây vừa là nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm của mỗi người dân.
Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu ngành Giáo dục phải có trách nhiệm tuyên truyền vận động thuyết phục với cha mẹ học sinh, phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch cho giai đoạn mới về công tác tiêm chủng cho người dân căn cứ vào đó thành phố sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện ở cơ sở. Đồng thời lưu ý các ngành, địa phương cần đề xuất những chính sách để kịp thời quan tâm hơn nữa cả về vật chất, tinh thần cho cán bộ Y tế, giúp lực lượng nòng cốt yên tâm làm việc.