Phân loại rác tại nguồn: Chỉ là khâu đầu tiên

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần đây, người Hà Nội đang tỏ ra thích thú với một hoạt động mới, đổi rác lấy quà. Chương trình đổi rác tái chế lấy quà vào thứ Bảy hằng tuần là một trong những biện pháp nhằm góp phần nâng cao nhận thức và hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn cho người dân Hà Nội, nằm trong khuôn khổ Chương trình hợp tác dài hạn giữa Unilever và URENCO: “Phân loại rác tại nguồn gắn liền với thu gom và tái chế rác thải nhựa” từ năm 2020 - 2025.

Từ giữa tháng 8, cứ sáng thứ Bảy hàng tuần, công nhân Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) lại tổ chức tiếp nhận rác tái chế tại 7 điểm ở các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa. Tại các điểm thu gom, rác tái chế sẽ đổi được những món quà nhỏ, sản phẩm của Công ty Unilever như nước rửa chén và nước lau sàn Sunlight, bột giặt OMO, xà phòng Lifebuoy, dầu gội đầu Clear, kem đánh răng, bàn chải P/S và nhiều sản phẩm tiêu dùng khác… Người dân cũng có thể cài đặt ứng dụng điện thoại, liên hệ với nhân viên môi trường để đặt lịch thu gom rác tái chế tại nhà.

Như kỳ vọng của các đơn vị tổ chức, hoạt động này sẽ góp phần nâng cao nhận thức và hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn cho người dân Hà Nội. Nhân câu chuyện này lại nhớ 14 năm trước, Hà Nội từng thực hiện Đề án phân loại rác thải tại nguồn 3R theo ba nhóm: Rác hữu cơ, vô cơ, tái chế do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Tuy nhiên, dự án này chỉ kéo dài 3 năm, đến năm 2009 thì tạm dừng, do công nghệ xử lý rác sau phân loại chưa phù hợp.

Công bằng mà nói, đề án nói trên ít nhiều cũng tạo được thói quen phân loại rác tại nguồn cho không ít người Hà Nội. Trên địa bàn thành phố hiện còn rất nhiều trường học, cơ quan công sở, tổ chức… thực hiện việc phân loại rác, tái sử dụng lại những sản phẩm hữu cơ, tạo thành phân bón cho những vườn hoa, cây xanh, góp phần giảm khá nhiều lượng rác thải ra môi trường mỗi ngày.

Tuy nhiên, có một thực tế là việc phân loại rác tại nguồn của người dân hầu như không có tác dụng. Được tuyên truyền, vận động, nhiều cá nhân, tập thể, gia đình… đã thực hiện phân loại rác ngay tại nguồn. Song họ nhận thấy việc làm của mình không hiệu quả, rác sau phân loại vẫn đổ chung vào một xe. Cũng chính vì thế mà nhiều người không tiếp tục việc phân loại rác.

Một vấn đề khác, quan trọng không kém, đó là việc xử lý, tái chế sau khi phân loại. Cho đến nay, dù nhiều địa phương, doanh nghiệp đã xây dựng những cơ sở xử lý, xong nhiều khi chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Như vậy, có thể nói rằng việc phân loại rác tại nguồn đã và đang được người dân hưởng ứng, vấn đề là tổ chức ra sao. Có lẽ cũng chính vì vậy mà Chương trình “Phân loại rác tại nguồn gắn liền với thu gom và tái chế rác thải nhựa” do Unilever và URENCO phối hợp thực hiện đã được cộng đồng quan tâm, ủng hộ. Đây cũng có thể coi là một hành động kịp thời thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg, ngày 20/8 mới đây của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý nhựa đã qua sử dụng, giảm thiểu phát thải chất thải nhựa ra môi trường.

Mặc dù vậy, nhân nhắc tới câu chuyện đổi rác lấy quà cũng như từ thực tế việc phân loại rác thải tại nguồn và xử lý rác thải nhiều năm qua, thấy có vài điều cần chú ý.

Một là, việc đổi rác lấy quà, tuy hữu ích, nhưng phải thấy đó mới chỉ có thể coi là biện pháp mang tính tình thế. Muốn việc phân rác tại nguồn được thực hiện lâu dài và phát huy tác dụng thực sự, cần phải làm sao để người dân ý thức được đó là trách nhiệm, quyền lợi của họ mà tự giác, vô tư thực hiện. Thậm chí, như ý kiến của một số chuyên gia, cần luật hóa việc này.

Thứ hai, cần thấy việc phân loại rác tại nguồn chỉ là khâu đầu tiên, rất cần thiết nhưng chưa đủ. Còn rất nhiều khâu tiếp theo cần thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và khoa học như việc thu gom rác thải của công nhân vệ sinh môi trường, và quan trọng hơn là việc xử lý những từng loại rác đã phân chia tại nguồn một cách phù hợp, hữu ích.

Chỉ như vậy, việc phân rác tại nguồn mới thực sự phát huy tác dụng góp phần giải quyết bài toán về rác thải sinh hoạt đô thị nói chung và của Hà Nội nói riêng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần