Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ngày 6/7 thông báo Iran có ý định làm giàu kim loại urani lên mức 20%. Đây được coi là dấu hiệu mới nhất cho thấy các cuộc đàm phán ở Vienna (Áo) nhằm khôi phục Thỏa thuận hạt nhân Iran, còn được gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), được ký giữa Tehran và các cường quốc vào năm 2015, có khả năng sẽ bị đình trệ.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) vừa thông báo Iran có ý định làm giàu kim loại urani lên mức 20%. |
Tuyên bố của IAEA nêu rõ, Iran đã thông báo kế hoạch gửi các thanh urani đã được làm giàu ở mức trên tới phòng thí nhiệm và phát triển ở nhà máy sản xuất nhiên liệu ở Esfahan, với mục đích làm nhiên liệu cho một lò phản ứng nghiên cứu.
Ngày 6/7, Mỹ và các cường quốc châu Âu cùng bày tỏ lo ngại trước động thái mới nhất của Iran. Giới chức Mỹ và các nước châu Âu cũng chỉ trích quyết định tăng tốc làm giàu uranium của Tehran sẽ làm phức tạp, và có thể cản trở quá trình đàm phán gián tiếp Mỹ - Iran nhằm đưa cả hai quốc gia quay trở lại tuân thủ JCPOA, vốn đã bị cựu Tổng thống Donald Trump rút khỏi từ năm 2018.
Tuyên bố của ngoại trưởng 3 cường quốc châu Âu, gồm Anh, Pháp và Đức, bày tỏ "quan ngại sâu sắc," cho rằng đây là động thái gây nguy hiểm cho các cuộc đàm phán tại Vienna. Các cường quốc cũng yêu cầu quốc gia Hồi giáo chấm dứt mọi hoạt động vi phạm JCPOA ngay lập tức và quay trở lại bàn thương lượng.
"Iran không có nhu cầu dân sự về việc nghiên cứu - phát triển, và sản xuất kim loại uranium, vốn là bước quan trọng trong quá trình phát triển vũ khí hạt nhân", tuyên bố chung của 3 cường quốc châu Âu nêu rõ.
Trong khi đó, Mỹ cho rằng quyết định của Iran là "bước thụt lùi đáng tiếc," dù vẫn nhận định cánh cửa ngoại giao cho cả 2 bên khôi phục thỏa thuận hạt nhân đa phương vẫn còn để ngỏ.
Phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố: “Thật đáng lo ngại khi Iran chọn leo thang việc không thực hiện các cam kết theo thỏa thuận hạt nhân, đặc biệt là với các thí nghiệm có giá trị nghiên cứu vũ khí nguyên tử. Đó là một bước lùi đáng tiếc khác đối với Iran, đặc biệt khi về phần mình, chúng tôi đã thể hiện thiện chí và sự sẵn sàng quay trở lại JCPOA”.
Kể từ khi chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi JCPOA vào tháng 5/2018, Iran đã dần từ bỏ tuân thủ những giới hạn trong thỏa thuận nhằm gây sức ép, buộc các cường quốc ký kết còn lại, gồm Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc, phải có giải pháp hạn chế thiệt hại từ các lệnh trừng phạt của Washington đối với Tehran.
JCPOA quy định Iran làm giàu urani ở mức độ 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% có thể tạo ra vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, hiện Iran đã làm giàu urani lên tới độ tinh khiết 60%.
Sau khi nhậm chức tháng 1 năm nay, Tổng thống Joe Biden đã cam kết Mỹ tham gia trở lại thỏa thuận JCPOA và Washington cho rằng Tehran cũng muốn như vậy.
Kể từ khi nối lại đàm phán nhằm cứu vãn JCPOA vào tháng 4 vừa qua tại Vienna, Iran và các bên còn lại tham gia thỏa thuận này đã tiến hành 6 vòng đàm phán.
Theo một số nguồn tin, các bên hiện còn bất đồng về những vấn đề trọng tâm, như các bước Tehran cần thực hiện để trở lại tuân thủ thỏa thuận, cũng như các bước nới lỏng trừng phạt mà Washington có thể thực hiện đối với Tehran và hành động cụ thể phải thực hiện nếu đạt được thỏa thuận.