Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Pháp: Đình công vẫn làm gián đoạn hoạt động

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đây là lần thứ chín trong vòng hai tháng qua, giới công đoàn Pháp phát động "Ngày hành động toàn quốc" để phản đối dự luật này, theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ tăng từ 60 lên 62 tuổi.

KTĐT - Đây là lần thứ chín trong vòng hai tháng qua, giới công đoàn Pháp phát động "Ngày hành động toàn quốc" để phản đối dự luật này, theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ tăng từ 60 lên 62 tuổi.

Ngày 28/10, hơn 560.000 người đã tham gia hàng trăm cuộc biểu tình tại nhiều thành phố trên toàn nước Pháp, để phản đối kế hoạch cải cách hệ thống hưu trí của chính phủ vừa được quốc hội nước này thông qua lần cuối cùng trước khi tổng thống ký ban hành thành luật.

Đây là lần thứ chín trong vòng hai tháng qua, giới công đoàn Pháp phát động "Ngày hành động toàn quốc" để phản đối dự luật này, theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ tăng từ 60 lên 62 tuổi.

Bộ Nội vụ Pháp cho biết các cuộc biểu tình đã làm gián đoạn nhiều hoạt động giao thông đường sắt và hàng không. Khoảng 50% số chuyến bay dự định khởi hành và đến Pháp tại một số sân bay trong nước đã bị hủy bỏ do cuộc đình công của nhân viên kiểm soát không lưu, một số dịch vụ đường sắt cũng bị ảnh hưởng do nhân viên nhà ga tham gia biểu tình.

Trong ngày 28/10, bốn nhà máy lọc dầu vẫn tiếp tục bị phong tỏa, khiến việc cung ứng nhiên liệu gặp khó khăn. Khoảng 20% trạm xăng dầu vẫn trong tình trạng thiếu nhiên liệu và chính phủ chưa thể nối lại việc cung ứng bình thường.

Theo ông Jean-Louis Schilansky, Chủ tịch Liên đoàn công nghiệp dầu lửa Pháp (Ufip), Pháp đã nhập 100.000 tấn xăng dầu/ngày kể từ đầu tuần này, tăng gấp bốn lần so với ở thời điểm bình thường.

Tuy nhiên, giới chức Pháp và cả đại diện Tổng liên đoàn lao động (CGT - tổ chức công đoàn lớn nhất ở Pháp), đều cho rằng các cuộc biểu tình hiện nay có quy mô giảm hơn nhiều so với các cuộc biểu tình trước đó.

Các nhà chức trách Pháp ước tính số người tham gia biểu tình đã giảm từ khoảng 1,1 triệu người ngày 19/10, xuống còn 560.000 người trong ngày 28/10, trong khi CGT cũng thừa nhận số người xuống đường đã giảm từ 3,5 triệu người xuống còn khoảng hai triệu người.

Kết quả thăm dò của Viện nghiên cứu xã hội Pháp (CSA), đăng trên tờ Người Paris ngày 28/10, cho biết có nhiều dấu hiệu cho thấy phong trào đình công, biểu tình đã "hạ nhiệt," song số người ủng hộ "Ngày hành động toàn quốc" vẫn ở mức cao (65%).

Giới công đoàn và các nhóm chính trị vẫn tiếp tục kêu gọi Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy không ký ban hành dự luật cải cách hưu trí vào giữa tháng 11 tới.

Đảng Xã hội Pháp (PS) tuyên bố sẽ theo kiện lên Hội đồng Hiến pháp, cho rằng các quy định của luật đi ngược lại mong muốn của đa số người dân. Giới công đoàn Pháp cho rằng "một giai đoạn mới" đang mở ra, và mọi vấn đề liên quan đến cải cách hưu trí vẫn chưa được giải quyết.