70 năm giải phóng Thủ đô

Pháp sẵn sàng đồng hành cùng Hà Nội phát triển "giao thông xanh"

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, tuyến đường sắt đô thị số 3 Nhổn - ga Hà Nội (đoạn trên cao) đã đi vào vận hành thương mại và nhận được sự ủng hộ tích cực của người dân Thủ đô, với kỳ vọng đảm bảo môi trường và giảm ùn tắc cho thành phố. 

Pháp – đối tác trong xây dựng công trình này khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành trong những dự án hợp tác vì giao thông xanh khác của Hà Nội nói riêng và các đô thị của Việt Nam nói chung.

Biểu tượng giao thông phi carbon Việt - Pháp

Theo Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet, Việt Nam là một trong số những đối tác chiến lược của Pháp trong ứng phó biến đổi khí hậu.

Họp báo ngày 11/9/2024 tại Đại sứ quán Pháp nhân dịp khánh thành tuyến đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội (đoạn trên cao). Ảnh: Cẩm Anh
Họp báo ngày 11/9/2024 tại Đại sứ quán Pháp nhân dịp khánh thành tuyến đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội (đoạn trên cao). Ảnh: Cẩm Anh

Việc khánh thành đoạn trên cao của tuyến đường sắt đô thị số 3 thành phố Hà Nội – tuyến thứ hai của Việt Nam đi vào vận hành, cũng cho thấy sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước trong việc triển khai các dự án hạ tầng đầy tham vọng của lĩnh vực vận tải đường sắt.

Điều này cũng thể hiện cam kết của Pháp đồng hành cùng Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi hướng tới nền kinh tế phi carbon, đặc biệt thông qua việc cung cấp các giải pháp kĩ thuật đạt tiêu chuẩn quốc tế cao nhất.

Các thể chế, cơ quan và doanh nghiệp Pháp tham gia hết sức tích cực vào dự án, đặc biệt là Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), với nguồn tài chính xấp xỉ 500 triệu Euro cho dự án này từ ngân sách công của Pháp, Đại sứ cho biết.

Việc hợp tác địa phương giữa Hà Nội và vùng Ile-de-france của Pháp thông qua Moov'Hanoi vừa qua góp phần tạo tính liên kết giữa các hình thức giao thông khác nhau cũng cho thấy tinh thần đó, Đại sứ thông tin. 

Nhấn mạnh đây là một trong số những công trình biểu tượng cho hợp tác Việt Nam và Pháp, Đại sứ Olivier Brochet cũng khẳng định, trong quá trình triển khai hệ thống metro đã quan tâm đảm bảo cuộc sống người dân lân cận công trình xây dựng và phối hợp thấu hiểu giữa các cơ quan hai nước. 

Mở ra những hợp tác mới

Dự án được triển khai với các công nghệ và kinh nghiệm của các công ty Pháp hàng đầu trong lĩnh vực như Alstom, Thales và Colas Rail với việc cung cấp đầu máy toa xe, hệ thống thông tin tín hiệu, đường ray và các thiết bị cơ điện tại các nhà ga. Bên cạnh đó, RATP Smart Systems cung cấp hệ thống thẻ vé.

Về mặt tư vấn, công ty Systra hỗ trợ Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) quản lý dự án với tư cách là đơn vị tư vấn chung trong khi Bureau Veritas, APAVE và Certifer tham gia công tác chứng nhận an toàn hệ thống.

Phó Trưởng ban Quản lý Đường sắt đô thị (BQL ĐSĐT) Hà Nội Nguyễn Bá Sơn khẳng định, từ các chuyên gia đến đội ngũ thi công tại công trường, sự cống hiến và chuyên nghiệp của các công ty Pháp đã giúp dự án vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành những hạng mục quan trọng.

“Các bạn không chỉ mang đến những giải pháp kĩ thuật tiên tiến, hiện đại, mà còn chia sẻ với chúng tôi những kinh nghiệm quý báu, giúp Dự án đạt tiêu chuẩn cao về chất lượng và an toàn”, theo ông Sơn.

Lãnh đạo BQL ĐSĐT Hà Nội cũng thông tin, người dân Thủ đô đón nhận phương tiện mới với phản hồi rất tích cực. Thống kê cho thấy sau 15 ngày đầu tiên đưa vào khai thác miễn phí, tuyến phục vụ gần 750.000 lượt hành khách đi tàu, có thời điểm đón kỷ lục hơn 100.000 lượt khách/ngày.

Dự kiến, tuyến ĐSĐT số 3 sẽ được kéo dài, tiếp tục đi ngầm dưới phố Trần Hưng Đạo và xuống phía nam của thành phố Hà Nội tới Hoàng Mai, thêm 8 km ngầm. Đoạn tuyến ngầm (4 ga tiếp theo đến Ga Hà Nội) sẽ được vận hành vào cuối năm 2027.

 “AFD cũng như liên minh Châu Âu xem xét tài trợ tuyến metro 3.2 này”, Đại sứ Olivier cho biết.

Với hệ thống metro từ những năm 1900, Pháp có truyền thống lâu đời trong việc xây dựng giao thông công cộng. Hệ thống này được phát triển dày đặc và liên tục được cải tiến, hướng tới tương lai, đáp ứng nhu cầu của mọi thế hệ người dân. 

Với nền tảng đó, Pháp sẵn sàng đồng hành với các đô thị của Việt Nam phát triển metro, cũng như những hợp tác đa phương thức trong công cộng, phát triển các hình thức giao thông đô thị đa dạng và xanh khác, đặc biệt là xe đạp, hay tàu hỏa cao tốc, một lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu, theo Đại sứ.