Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2020: Kiên quyết không để xảy ra bạo lực, xâm hại trẻ em

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ trường THCS Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung truyền đi thông điệp: Chúng ta kiên quyết không để xảy ra tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em.

Sáng 1/6, tại trường THCS Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội), Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 đã được phát động với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em”.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung truyền đi thông điệp: Chúng ta kiên quyết không để xảy ra tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em.  
Lễ phát động có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, đại biểu các bộ, ngành, tổ chức, một số cơ quan của TP Hà Nội, Sở LĐTB&XH Hà Nội, đặc biệt là sự hiện diện của 500 học sinh trường THCS Dịch Vọng và Làng trẻ em SOS Hà Nội.
Dù đã chuẩn bị bài phát biểu rất dài nhưng Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phá lệ, kiểm tra nhanh vài em học sinh về quyền của trẻ em, thông tin về Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111....
 Các đại biểu trò chuyện với học sinh trường THCS Dịch Vọng.
Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia về trẻ em Đào Ngọc Dung cũng khẳng định: “Nhà nước, Nhân dân, các bậc cha mẹ, thầy cô giáo luôn dành cho trẻ em những tình cảm, sự chăm lo và sự phát triển tốt nhất. Trẻ em Việt Nam sống trong môi trường an lành và phát triển.
Tuy nhiên, trong bầu trời chung đó vẫn có đám mây đen phảng phất; dù nó rất nhỏ nhưng nếu không cẩn thận sẽ che hết mặt trời, che mặt trăng. Vì thế, nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là làm sao xua tan đám mây đen đó.
 Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cùng các đại biểu và học sinh trường THCS Dịch Vọng.
Tuy còn rất ít đám mây đen nhưng nó là những lời cảnh báo; và nhiệm vụ của chúng ta là ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới là không còn nó”.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Chỉ thị 23 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rất rõ trách nhiệm của từng ngành, thầy cô giáo, cha mẹ học sinh, học sinh...
 Học sinh trường THCS Dịch Vọng hào hứng trao đổi kiến thức về quyền trẻ em tại buổi lễ phát động.
Ông cũng đã có gợi ý với Hội đồng đội T.Ư tổ chức các cuộc thi, diễn đàn để trang bị kiến thức về các quyền của trẻ em. Và, chỉ ra có rất nhiều cơ quan, đơn vị làm nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ trẻ em nhưng đang mờ nhạt. “Chung tay” ở đây là tất cả cơ quan, mọi người, cộng đồng xã hội vì các em, bắt đầu từ các em, chăm lo cho các em. Thứ nhất, chăm lo từ việc hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật.
 Tiết mục văn nghệ do các học sinh trường THCS Dịch Vọng biểu diễn tại lễ phát động.
Thứ hai là đổi mới căn bản công tác tuyên truyền, từ truyền thông chính thống đến cách tiếp cận đến chính các em để biết, phòng ngừa và lên án. Thứ ba, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về tất cả các hành vi xâm hại, bạo lực thân thể trẻ em.
Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia về trẻ em mong có 3 cái nhất: Phát hiện nhanh nhất; bất cứ ở đâu, nơi nào nếu để xảy ra hoặc có biểu hiện bạo lực, xâm hại thì các em bấm số máy 111; xử lý nhanh nhất, nghiêm minh nhất; can thiệp nhanh nhất và tốt nhất cho các em.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung kiểm tra nhanh kiến thức về quyền của trẻ em của học sinh trường THCS Dịch Vọng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn, mọi người lớn, anh chị phụ trách, các cơ quan làm tròn trách nhiệm của mình, nói ít nhưng làm nhiều. Các cháu thiếu nhi sẽ biết tự mình tìm hiểu về Luật Trẻ em, thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng xâm hại bạo lực trẻ em...
Vinh dự được thay mặt cho trẻ em cả nước phát biểu hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2020, bạn Đặng Thùy Linh - Học sinh lớp 8A2, trường THCS Dịch Vọng bày tỏ mong muốn được sống trong một thế giới hòa bình, tôn trọng và yêu thương. "Mong các bác lãnh đạo tiếp tục dành nhiều sự quan tâm hơn nữa đến công tác bảo vệ trẻ em, có nhiều chính sách và hành động thiết thực để ngăn chặn tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại, giúp các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn có điều điện học tập và sinh hoạt tốt hơn.
Kính mong các ban ngành, đoàn thể và nhà trường sẽ tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động ngoại khóa bổ ích và hấp dẫn giúp trẻ em nâng cao nhận thức về quyền lợi của mình, cũng như có thêm các kĩ năng tự bảo vệ bản thân và bảo vệ các bạn bè xung quanh.
 Em Đặng Thùy Linh - Học sinh lớp 8A2, trường THCS Dịch Vọng thay mặt trẻ em trên cả nước bày tỏ mong muốn được sống trong một thế giới hòa bình, tôn trọng và yêu thương.
Đặc biệt, chúng cháu cần nhiều hơn nữa sự yêu thương, tôn trọng và thấu hiểu của cha mẹ, thầy cô. Xin hãy dành nhiều thời gian hơn để lắng nghe chúng cháu nói, hãy tin tưởng và tôn trọng những suy nghĩ và cảm xúc của chúng cháu. Trên con hành trình trưởng thành, chúng cháu cần sự đồng hành của cha mẹ, thầy cô với những lời động viên, khích lệ, những lời khuyên nhủ chân thành, những hành động hỗ trợ kịp thời chứ không phải những áp lực thành tích, những kì vọng quá lớn lao, những áp đặt từ cách nhìn và cách nghĩ của người lớn, những hình phạt, đòn roi và lời mắng mỏ. Chúng cháu hiểu rằng, tuổi thơ là giai đoạn đẹp đẽ nhất của cuộc đời. Và sẽ tuyệt vời biết bao nếu tất cả trẻ em đều được được bảo vệ, chăm sóc và yêu thương đúng cách, để có một tuổi thơ đúng nghĩa, tràn ngập mơ ước và niềm vui" - Đặng Thùy Linh mong muốn.
 Toàn cảnh lễ phát động.
Đặng Thùy Linh cũng chia sẻ rằng niềm hạnh phúc của trẻ em không chỉ phụ thuộc vào sự quan tâm của người lớn, rằng chính trẻ em cũng cần thay đổi nhận thức và hành động để mang lại cuộc sống an toàn và cơ hội phát triển lành mạnh cho chính mình. "Bởi vậy, cháu cũng muốn gửi lời nhắn nhủ tới tất cả các bạn học sinh trên mọi miền Tổ quốc. Chúng ta hãy cùng nhau nỗ lực học tập và rèn luyện, tham gia tích cực các hoạt động tập thể để có đủ năng lực vữngbước tới tương lai.Đặc biệt, chúng ta cần tự trang bị các kiến thức, kĩ năng để tự bảo vệ bản thân, cũng như bảo vệ các trẻ em khác khỏi các nguy cơ bị xâm hại. Chúng ta hãy dũng cảm lên tiếng tố cáo, lên án để chặn đứng các hành vi làm tổn hại đến chính mình và các bạn bè xung quanh để có một cuộc sống an toàn và hạnh phúc.Hãy gọi đến Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để được bảo vệ và trợ giúp." - Thùy Linh nói.