AP hôm nay (27/6) dẫn lời các nguồn thạo tin cho biết, 2 phi công thử nghiệm của chính phủ dùng thử phần mềm cập nhật cho dòng MAX của Boeing trong một chuyến bay giả lập hồi tuần trước đã tìm thấy một lỗ hổng mới, có thể khiến mũi máy bay đâm xuống. Trong cả 2 tai nạn gần đây của Boeing MAX8, phần mềm điều khiển chuyến bay của máy bay đã đẩy mũi xuống dựa trên các phần đọc bị lỗi từ một cảm biến.
Các nguồn tin nói rằng việc khắc phục sự cố có thể được thực hiện thông qua thay đổi phần mềm hoặc bằng cách thay thế bộ vi xử lý trong hệ thống điều khiển bay của máy bay. 1 người trong số đó cho biết, thất bại mới nhất có khả năng trì hoãn việc trở lại phục vụ của dòng máy bay bán chạy nhất của Boeing thêm 1-3 tháng nữa.
Trước đó 1 ngày, 3 hãng hàng không lớn nhất của Mỹ là United Airlines, Southwest Airlines và American Airlines đã thông báo hoãn sự trở lại theo lịch trình của máy bay phản lực MAX trong đội bay của mình. Trong một tuyên bố, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) khẳng định sẽ chỉ cho Boeing MAX hoạt động trở lại một khi chắc chắn về độ an toàn của máy bay - hiện chưa có mốc thời gian cụ thể.
Các máy bay dòng Max bắt đầu thực hiện chở khách kể từ năm 2017 và là máy bay bán chạy nhất của Boeing tính đến thời điểm này - dù chưa đầy 400 chiếc đã được giao cho các hãng hàng không trên toàn thế giới. Một chiếc MAX8 của hãng Lion Air, Indonesia đã bị rơi vào tháng 10 và một máy bay tương tự của Ethiopian Airlines cũng đã bị rơi vào 5 tháng sau đó, khiến tổng cộng 346 người chết. Vài ngày sau vụ tai nạn thứ 2, các cơ quan quản lý hàng không trên toàn thế giới đã đình chỉ hoàn toàn dòng máy bay này của Boeing.
Boeing đang tăng cường sức mạnh của phần mềm điều khiển chuyến bay, có tên là MCAS - được cho là công cụ tự động hạ mũi máy bay một khi cảm biến nhận ra vấn đề bất ổn. Hiện vẫn chưa rõ cách thức phi công sẽ được huấn luyện để lái máy bay với phần mềm mới - mô phỏng trên máy tính hoặc trực tiếp trên máy bay.