Sụ kiện nhằm kỷ niệm dấu mốc Hà Nội là thành phố đầu tiên của châu Á - Thái Bình Dương vinh dự được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” cách đây 25 năm (ngày 16/7/1999).
Hà Nội truyền cảm hứng vì hòa bình
Tại Tọa đàm, thông qua các tham luận cùng các ý kiến, trao đổi đóng góp từ các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia nghiên cứu lịch sử, các vị Đại sứ, đại diện cho bạn bè quốc tế và các tầng lớp Nhân dân, sự kiện đã đưa ra tiếng nói của những người yêu Hà Nội.
Theo bà Jane Runkat, Đại biện lâm thời ĐSQ Indonesia, di sản lịch sử phong phú của Hà Nội đã góp phần củng cố vị thế Thủ đô trở thành một thành phố vì hòa bình. Mặt khác, Hà Nội đã biến những khó khăn trong lịch sử trở thành khả năng cạnh tranh của ngày hôm nay, trở thành một trung tâm giáo dục, khoa học, công nghệ và văn hóa trong khu vực. Những nỗ lực về phát triển bền vững của Hà Nội cũng minh chứng Thủ đô rất xứng đáng với danh hiệu, với nhiều sáng kiến giải quyết các thách thức vì môi trường.
“Việc công nhận Hà Nội là thành phố vì hòa bình của UNESCO có thể truyền cảm hứng cho các thành phố khác theo đuổi con đường vì hòa bình và phát triển,” bà Jane Runkat nói.
Trong khi đó, ông Đào Quyền Trưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao nhận định, việc sở hữu danh hiệu của UNESCO không chỉ là sự công nhận về giá trị văn hóa, lịch sử và tự nhiên của một địa phương hay quốc gia, mà còn là cấu phần quan trọng hình thành nên thương hiệu mỗi quốc gia, địa phương, có sự đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội thông qua thu hút khách du lịch, chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế, thúc đẩy mô hình tăng trưởng xanh, bền vững.
Để đạt được mục tiêu đó, Ủy ban Quốc gia UNESCO sẽ tiếp tục đồng hành với Hà Nội tập trung vào 3 giải pháp thiết thực, đó là: Tăng cường hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, Chú trọng kết nối di sản với phát triển du lịch và Thúc đẩy huy động nguồn lực.
Phát huy giá trị danh hiệu hòa bình
Là một người gắn bó với công tác đối ngoại của Thủ đô, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Hà Nội Trần Nghĩa Hòa chia sẻ, việc Hà Nội là TP đầu tiên của khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhận danh hiệu này (16/7/1999) là một “kỷ niệm khó quên” đối với ông.
Sau 25 năm, việc tiếp tục phát huy hệ giá trị hòa bình và danh hiệu này với nhiều nội dung và hoạt động sâu sắc hơn nữa là rất quan trọng. Theo ông Trần Nghĩa Hòa, các hoạt động tôn vinh danh hiệu Thành phố vì Hòa bình thời gian tới cần có sự tiếp nối, gắn kết và đổi mới, góp phần định vị thương hiệu, danh hiệu Thủ đô là điểm đến an toàn, hòa bình, là nơi ký kết, hòa giải, kết nối khu vực và toàn cầu. Bên cạnh đó cần gia tăng kết nối chia sẻ giữa các tầng lớp Nhân dân Thủ đô bằng các hoạt động giao lưu hữu nghị quốc tế, các hoạt động cộng đồng bền vững, hoạt động bảo vệ môi trường sống…
Thông qua 12 bài tham luận và ý kiến tại Tọa đàm, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Kỳ khái quát, trong suốt thời gian qua, Hà Nội đã nỗ lực trong việc duy trì các tiêu chí theo yêu cầu của UNESCO về Bình đẳng trong cộng đồng; về quản lý phát triển đô thị bền vững; về bảo vệ môi trường sống; về thúc đẩy phát triển văn hóa giáo dục, chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ.
Lãnh đạo Liên hiệp cũng cho rằng, đã đến lúc Hà Nội cần có một chương trình hành động nhằm phát huy giá trị danh hiệu Thành phố vì Hòa bình, nhằm tập trung sự chỉ đạo lãnh đạo và đổi mới nội dung và phương thức đối ngoại Nhân dân Thủ đô, thúc đẩy việc xây dựng hình ảnh Thành phố hòa bình, Thành phố sáng tạo, Thành phố văn hóa, văn hiến, điểm đến an toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn có trọng tâm, trọng điểm và tính kết nối hệ thống hơn.
Thời gian tới, cùng với sự chỉ đạo của lãnh đạo TP, trên cơ sở nền tảng lý luận vững chắc này, ông Nguyễn Ngọc Kỳ cho biết, các hoạt động của Liên hiệp Hà Nội sẽ tiếp tục hướng tới nâng tầm đối ngoại và xứng tầm Thủ đô hơn nữa.