Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát huy hiệu quả tuyến y tế cơ sở

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 15 năm qua, nhiều kỹ thuật cao, công nghệ tiên tiến được các bệnh viện (BV) trên địa bàn Thủ đô ứng dụng trong khám chữa bệnh (KCB). Đặc biệt, từ BV tuyến dưới đến trạm y tế (TYT) cũng “thay da, đổi thịt”, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các tuyến y tế.

Y tế cơ sở “thay da, đổi thịt” từng ngày

15 năm qua kể từ ngày Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, ngành Y tế Thủ đô đã nỗ lực xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB); năng lực hệ thống y tế dự phòng tuyến y tế cơ sở, hệ thống bác sĩ gia đình, bảo đảm chăm sóc toàn diện sức khỏe Nhân dân. Đồng thời huy động các nguồn lực xã hội xây dựng mạng lưới cơ sở KCB chất lượng cao, hiện đại; nghiên cứu và chuyển giao công nghệ y dược của tư nhân và đầu tư nước ngoài…

Sau khi mở rộng thế giới hành chính, Hà Nội có 579 TYT xã, phường, thị trấn. Hiện có 100% TYT có bác sĩ công tác tại trạm. Trong đó có 86,3% TYT có bác sĩ biên chế tại trạm, các trạm chưa có bác sĩ biên chế tại trạm thì có bác sĩ tăng cường từ trung tâm y tế và bệnh viện huyện. Có 516/579 TYT xã, phường, thị trấn; 2 nhà hộ sinh, 54 phòng khám đa khoa đã thực hiện KCB BHYT. Tuyến y tế bao phủ rộng khắp đã và đang phát huy vai trò trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân cũng như trong phòng dịch bệnh, giảm tải cho tuyến trên.

Khám cho người dân tại trạm y tế xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Phạm Hùng
Khám cho người dân tại trạm y tế xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Phạm Hùng

Tuyến y tế bao phủ rộng khắp đã và đang phát huy vai trò trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, trong phòng dịch bệnh, giảm vượt tuyến, giải quyết được bài toán quá tải cho BV tuyến trên.

Đến TYT xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng vào một chiều Hè tháng 7, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi nơi đây đổi thay rõ nét. Cầm cuốn sổ khám bệnh trên tay, bà Bùi Thị Lậm (73 tuổi) ở xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng cho biết, mấy ngày qua, bà có triệu chứng sốt không rõ nguyên nhân, nay bà đến TYT xã khám và được cấp phát thuốc. Từ khi TYT xã được đầu tư, nâng cấp, dịch vụ KCB, bà thường xuyên ra đây kiểm tra sức khỏe, không phải đi xa, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí đi lại.

Bác sĩ Nguyễn Thị Vượng – Trạm trưởng TYT xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng cho biết, từ năm 2008, TYT xã Hạ Mỗ được đầu tư xây mới một dãy nhà làm việc 2 tầng kiên cố và được đầu tư sửa chữa cơ sở hạ tầng vào năm 2019. Ngoài ra, năm 2017, TYT được đầu tư xây mới thêm một dãy nhà và gần đây nhất là bếp ăn của TYT. Tính đến nay, TYT có 19 phòng chức năng phục vụ công tác KCB.

 

Thời gian qua, ngành Y tế Thủ đô thường xuyên đổi mới những nội dung, hình thức và phương pháp tổ chức các phong trào thi đua theo hướng thiết thực, trọng tâm, hiệu quả, hướng về cơ sở. Từ những thành tích điển hình của ngành Y tế trong thời gian qua có thể thấy, việc mở rộng địa giới hành chính vừa bảo đảm không gian cho Hà Nội phát triển bền vững trong giai đoạn trước mắt cũng như trong tương lai lâu dài vừa tạo điều kiện cho Y tế Hà Nội phát triển toàn diện, xứng đáng là trung tâm đa chức năng.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội
Trần Thị Nhị Hà

Đặc biệt, lượng bệnh nhân đến KCB tại TYT ngày càng tăng. Cách đây 15 năm, TYT chỉ quản lý hơn 100 bệnh nhân nhưng nay TYT quản lý hơn 600 bệnh nhân. Trong đó, 504 bệnh nhân tăng huyết áp; 105 bệnh nhân tiểu đường. Hiện TYT đang lập hồ sơ bệnh án 329 bệnh nhân. Trung bình mỗi tháng, TYT khám điều trị cho khoảng hơn 200 bệnh nhân. Mỗi năm có khoảng 2.500 – 2.700 bệnh nhân, thậm chí có năm lên đến 3.000 bệnh nhân.

Thời gian qua, TYT cũng đã triển khai hiệu quả công tác chuyển đổi số, KCB từ xa. TYT thường xuyên, duy trì trao đổi với hàng nghìn bệnh nhân (chiếm trên 30% dân số của xã Hạ Mỗ) KCB từ xa qua mạng xã hội, Zalo… Đến nay, TYT có 8 cán bộ, nhân viên, thiếu 1 bác sĩ chuyên khoa. Các cán bộ tại TYT cũng được nâng cao tay nghề nhờ các bệnh viện tuyến T.Ư xuống hỗ trợ và chuyển giao chuyên môn kỹ thuật.

“Thời gian tới, tôi mong muốn Quốc hội sẽ có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi các bác sĩ đa khoa, chuyên khoa về công tác tại TYT xã để giúp TYT xã ngày càng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân” – bác sĩ Vượng chia sẻ.

Theo bác sĩ Lê Thị Lộc - Trạm trưởng TYT xã Minh Châu, huyện Ba Vì, nhờ mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, TYT xã được nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, được hỗ trợ thêm nhân lực.

Năm 2013, TYT xã Minh Châu được UBND TP đầu tư xây mới 1 dãy nhà làm việc 3 tầng kiên cố, với 20 phòng chức năng phục vụ công tác KCB. Tháng 8/2019, TYT xã được đầu tư sửa chữa cơ sở hạ tầng với tổng kinh phí 800 triệu đồng…

Từ khi áp dụng mô hình TYT điểm hoạt động theo nguyên lý y học gia đình năm 2018, người dân yên tâm hơn và tin tưởng tới khám bệnh tại TYT xã. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, trạm đã khám được 2.816 lượt, trong đó, khám dự phòng là 454 lượt; khám bệnh chung là 2.362 lượt.

Tỷ lệ bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị hợp lý đạt 90% trở lên. Không có sai sót về chuyên môn và tai biến trong điều trị. Đồng thời, trạm hiện đang quản lý và điều trị 56 bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường, khám và quản lý điều trị được 455 bệnh nhân tăng huyết áp, khám, cấp phát thuốc điều trị methadone cho 36 bệnh nhân…

Nhiều kỹ thuật hiện đại, giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí

15 năm qua, các BV của Hà Nội đã thực hiện được hầu hết kỹ thuật cao mà trước đây chỉ có thể tiến hành ở bệnh viện tuyến T.Ư. Nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu trong gây mê, hồi sức, chẩn đoán hình ảnh, ung bướu, nhi, ngoại khoa, sản phụ khoa được các BV: Thanh Nhàn, Đa khoa Đức Giang, Đa khoa Xanh Pôn, Phụ sản Hà Nội thực hiện hiệu quả, gắn nâng cao chất lượng KCB với công tác chuyển đổi số cải cách hành chính trong y tế. Điển hình, can thiệp bào thai là một trong những kỹ thuật cao nhất trong lĩnh vực sản khoa được triển khai tại BV Phụ sản Hà Nội.

Theo Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội Nguyễn Duy Ánh, mỗi năm, có hàng nghìn trẻ bị dị tật… làm cho không chỉ gia đình mà chính đứa trẻ đó khổ cả cuộc đời, trở thành gánh nặng của xã hội. Tuy nhiên, từ khi làm chủ kỹ thuật can thiệp bào thai, các bác sĩ tại BV Phụ sản Hà Nội bước đầu đã cứu chữa thành công, giúp hàng trăm trẻ nhỏ chào đời mạnh khỏe, mang lại niềm hạnh phúc cho hàng trăm gia đình và góp phần nâng cao chất lượng giống nòi.

BV Phụ sản Hà Nội đã khai trương Đơn vị Can thiệp bào thai tháng 1/2022, hiện đang ứng dụng các kỹ thuật can thiệp bào thai như: sinh thiết gai rau, chọc ối, lấy máu cuống rốn để chẩn đoán trước sinh, đồng thời thực hiện điều trị truyền ối cho thai thiểu ối, phẫu thuật điều trị hội chứng truyền máu song, hội chứng song thai, thai không tim.

Trong 2023, BV mạnh dạn triển khai các kỹ thuật mới sửa chữa các tổn thương của bào thai như thoát vị hoành, tim bẩm sinh, Spina Bifida, truyền máu thai thiếu máu, dẫn lưu dịch màng phổi… BV cũng đã chuẩn bị cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị hiện đại để triển khai các kỹ thuật mới ngay tại Trung tâm Can thiệp bào thai, tăng cơ hội chữa bệnh cho thai nhi trong thời gian tới. Các kỹ thuật can thiệp bào thai đã và đang giúp cứu sống được nhiều trẻ em và mang lại những giá trị lớn lao cho xã hội.

Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, hệ thống y tế cơ sở Hà Nội ngày càng được đổi mới, chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân ngày càng cao. Cùng với việc triển khai những kỹ thuật mới, với phương châm “lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ”, ngành Y tế Thủ đô cũng đã thành lập mạng lưới KCB từ xa, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng KCB, còn là cầu nối giúp các y, bác sĩ trao đổi, học hỏi, nâng cao kiến thức chuyên môn. Quan trọng hơn cả là người dân Thủ đô đã được thụ hưởng những kỹ thuật điều trị mới nhất, hiện đại nhất, chẩn đoán kịp thời, tiết kiệm thời gian và chi phí chuyển tuyến.

Để phát huy hiệu quả của tuyến y tế cơ sở, hiện ngành Y tế Thủ đô đang tập trung triển khai quản lý sức khỏe toàn dân trên địa bàn từng quận, huyện, thị xã; bảo đảm vật tư, hóa chất cho công tác phòng chống dịch bệnh... Thời gian qua, việc triển khai đăng ký khám trực tuyến từng bước khẳng định công tác chuyển đổi số tại các bệnh viện. Trong đó có bệnh viện tuyến huyện đã ứng dụng tốt công nghệ thông tin, giúp người dân không phải xếp hàng, không phải chờ đợi lâu, tiết kiệm thời gian, công sức khi đến khám, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.

Để phát huy hiệu quả của tuyến y tế cơ sở, các đơn vị thuộc ngành Y tế Thủ đô đang tập trung trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện tại cơ sở để kịp thời tháo gỡ. Đặc biệt là trong triển khai quản lý sức khỏe toàn dân trên địa bàn từng quận, huyện, thị xã; bảo đảm vật tư, hóa chất cho công tác phòng, chống dịch bệnh…

 

Từ năm 2008, TYT xã Hạ Mỗ được tập trung đầu tư để thay đổi diện mạo, nâng cao chất lượng KCB, phòng chống dịch, chăm sóc sức khỏe ban đầu nhằm thu hút bệnh nhân đến khám và điều trị ngay tại tuyến y tế cơ sở. Trạm được trang bị đầy đủ các trang thiết bị sơ cấp cứu ban đầu và KCB thông thường như máy siêu âm, điện tim, máy xét nghiệm nước tiểu, châm cứu điện châm, máy hấp sấy dụng cụ y tế để bảo đảm công tác vô khuẩn, điều trị, KCB.
Bác sĩ Nguyễn Thị Vượng – Trạm trưởng TYT xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng