Toàn huyện Đan Phượng hiện có 35 cơ sở Đoàn với hơn 16.000 đoàn viên; 36 cơ sở Đội với 28.000 đội viên. Tại buổi đối thoại, với tinh thần cởi mở, thẳng thắn và tâm huyết, hoài bão của tuổi trẻ trong việc xây dựng huyện, nhiều đoàn viên thanh niên đã đặt những câu hỏi hết sức thiết thực, ý nghĩa.
Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp
Một trong những nội dung được nhiều đoàn viên thanh niên quan tâm là chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Tại buổi đối thoại, Bí thư Đoàn xã Phương Đình Chu Tuấn Anh đặt câu hỏi huyện có chủ trương, giải pháp như thế nào trong việc triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)?
“Đây là một chương trình mà thanh niên đang rất quan tâm. Đặc biệt là các chủ trương, giải pháp hỗ trợ về khoa học công nghệ trong phát triển sản xuất nhằm tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên tham gia khởi nghiệp trong các lĩnh vực, chương trình đó?” - Bí thư Đoàn xã Phương Đình nêu ý kiến.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Nguyễn Anh Chiến – thanh niên làm kinh tế nông nghiệp xã Thọ An chia sẻ, phát triển kinh tế nông nghiệp sạch đang là xu thế và có nhiều cơ hội đầu tư. Hiện nay, một số thanh niên đã bước đầu lựa chọn khởi nghiệp bằng những mô hình trồng rau, trồng cây ăn quả với mô hình vừa và nhỏ.
“Vừa qua tôi cũng được tham gia khảo sát tình hình thanh niên làm kinh tế nông nghiệp do Huyện đoàn và Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức. Chúng tôi cũng đã nêu ra những khó khăn về: Vốn, quỹ đất, kỹ thuật canh tác, chăm sóc và đặc biệt là vấn đề đầu ra cho sản phẩm. Xin hỏi trong thời gian tới huyện có những giải pháp gì để hỗ trợ và thu hút thanh niên tham gia khởi nghiệp, lập nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương?” – Nguyễn Anh Chiến đặt câu hỏi.
Liên quan đến những vấn đề này, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt cho biết, huyện đặc biệt quan tâm đến công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Về Chương trình OCCOP, những năm qua, huyện Đan Phượng tích cực triển khai gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, phát triển nông sản sạch. Đến nay, huyện đã có 97 sản phẩm OCCOP với 26 chủ thể.
“Huyện có chính sách hỗ trợ các chủ thể trong thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm. Cùng với đó phát triển nhiều sản phẩm OCCOP tiềm năng khác, thúc đẩy sản xuất, tạo nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân, trong đó có thanh niên” - Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt nói.
Về phát triển nông nghiệp sạch, theo ông Nguyễn Viết Đạt, thời gian qua, huyện cũng quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hợp tác xã, tổ chức, cá nhân tham gia tập huấn, tham quan, học tập các mô hình sản xuất tiêu biểu. Hiện nay, Đan Phượng đang trong tiến trình phát triển lên quận, diện tích sản xuất nông nghiệp giảm dần. Do đó, huyện chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái, đô thị, ứng dụng công nghệ cao, khai thác tiềm năng vùng đất bãi ven sông Hồng và sông Đáy.
“Huyện luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho thanh niên khởi nghiệp, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nhất là hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi” - Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt cho biết.
Thanh niên phải có ý chí, trách nhiệm, khát vọng vươn lên
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong tất cả các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội. Huyện ủy Đan Phượng đã có Nghị quyết số 28-NQ/HU về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị đến năm 2025 và những năm tiếp theo. UBND huyện Đan Phượng xây dựng Kế hoạch số 216/KH-UBND về xây dựng mô hình thôn, cụm dân cư, tổ dân phố thông minh.
Tại buổi đối thoại, Bí thư Đoàn xã Song Phượng Nguyễn Văn Nhật nêu vấn đề, thời gian qua, Đoàn Thanh niên cũng tham gia tích cực, tiên phong trong hỗ trợ chuyển đổi số cộng đồng như thực hiện thôn thông minh, phối hợp hướng dẫn cài đặt mã định danh điện tử, số hóa di tích, tài liệu, hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến… Huyện có chính sách, giải pháp gì để thanh niên tham gia vào quá trình này hiệu quả hơn?
Theo Bí thư Huyện đoàn Đan Phượng Tạ Thị Ngọc Hân, thời gian qua, thanh niên huyện đã tích cực tiên phong tham gia quá trình chuyển đổi số tại địa phương. Cụ thể, triển khai ra quân hướng dẫn cài đặt sổ tay đảng viên điện tử, cài đặt mã định danh điện tử, số hóa di tích, tài liệu, hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến. Trong đó có trên 600 đoàn viên thanh niên tham gia các Tổ chuyển đổi số cộng đồng, xây dựng thôn thông minh; 13.700 đoàn viên hướng dẫn cài đặt định danh điện tử…
Đặc biệt, tại buổi đối thoại, nhiều đoàn viên cũng bày tỏ quan tâm về định hướng phát triển của huyện trong thời gian tới. Trả lời vấn đề này, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Thị Hiền cho biết, định hướng đến năm 2025, huyện Đan Phượng sẽ phát triển thành quận của Thủ đô Hà Nội.
Để hoàn thành được mục tiêu này, huyện tập trung vào 3 khâu đột phá gồm: Công tác giải phóng mặt bằng, công tác cán bộ, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. “Trong công tác quy hoạch bao gồm cả quy hoạch cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ kế cận lẫn quy hoạch đất đai, quy hoạch đô thị…” - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Thị Hiền cho biết.
Tại hội nghị, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải và lãnh đạo các phòng, ban, ngành của huyện đã giải đáp những câu hỏi, kiến nghị, đề xuất của đoàn viên thanh niên liên quan đến các giải pháp để thực hiện việc cân đối thu chi ngân sách huyện, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu lên quận năm 2025; nguồn ngân sách chi hoạt động cho Đoàn Thanh niên; sắp xếp đầu ra cho cán bộ Đoàn khi quá tuổi; giải pháp nâng cao số lượng đoàn viên kết nạp vào Đảng; giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên…
Phát biểu kết thúc buổi đối thoại, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải đã định hướng cụ thể đối với đoàn viên, thanh niên trong lập thân, lập nghiệp. Trong đó nhấn mạnh, ngoài kiến thức được đào tạo, thanh niên cần phải có những kỹ năng, xây dựng động cơ đúng đắn, phát huy tinh thần tự lực, tự cường. Khuyến khích lực lượng thanh niên nông thôn suy nghĩ, sáng tạo, tích cực học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ vào lao động sản xuất…
“Đoàn viên thanh niên cần xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình với sự phát triển của huyện nói riêng, TP nói chung. Mong rằng, với ý chí, khát vọng của tuổi trẻ, đoàn viên, thanh niên huyện nhà sẽ phát huy nhiệt huyết và trí tuệ của mình, đi đầu trong các phong trào, tham gia đóng góp ý kiến, góp phần xây dựng huyện ngày càng phát triển” – ông Trần Đức Hải nhấn mạnh.