Nhiều ý kiến cho rằng đây là một biện pháp khả thi, có thể mang lại hiệu quả cao hơn cho công tác đảm bảo trật tự, ATGT và văn minh đô thị.
Khắc phục những hạn chếNhiều năm qua, Hà Nội đã rất nỗ lực xử lý các vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, đậu đỗ xe, gây cản trở giao thông, mất trật tự, văn minh đô thị. Tuy nhiên, như Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện nhận định, hiệu quả của công tác xử lý vẫn còn nhiều hạn chế, vi phạm vẫn tiếp tục tái diễn phức tạp. Ông Viện cho rằng, lực lượng chức năng đang gặp một số khó khăn nhất định như nếu ra quân rầm rộ, cưỡng chế thẳng thừng các vi phạm thì dễ xảy ra giằng co, va chạm với người dân, gây phản cảm và bức xúc. “Hoặc như việc xử lý xe dừng đỗ sai quy định, thường không tìm được chủ xe để nhanh chóng nhắc nhở, giải tỏa. Còn nếu cẩu kéo tất cả về tạm giữ thì lại không đủ lực lượng, phương tiện trang thiết bị” - ông Viện cho hay.
|
Lực lượng chức năng xử lý việc lấn chiếm vỉa hè trên phố Tràng Thi. Ảnh: Công Hùng |
Từ thực tế đó, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất trang bị camera cho lực lượng chức năng như CSGT, Thanh tra GTVT, CSTT địa phương… để ghi lại hình ảnh vi phạm. “Trước tiên là để làm căn cứ nhắc nhở, giáo dục, tuyên truyền cho người dân, sau đó là để xử phạt nguội các hành vi cố tình tái phạm nhiều lần” - ông Viện nhấn mạnh.
Trước đề xuất nêu trên, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Lê Xuân Tiến cho rằng, nếu được trang bị thêm camera, công tác tuần tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. “Chỉ cần căn cứ vào hình ảnh, lập biên bản mời lên xử phạt hoặc gửi thông báo về gia đình, cơ quan sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian, tránh những va chạm không đáng có giữa lực lượng chức năng với người vi phạm” - ông Tiến nhìn nhận.
Đồng quan điểm, TS Đặng Minh Tân (Đại học GTVT) cho rằng: “Camera ghi hình phạt nguội giống như một lực lượng kiểm tra chuyên trách, chia sẻ bớt công việc nặng nề cho Công an, Thanh tra GTVT… Nó vừa có thể ghi hình người vi phạm phục vụ công tác xử lý, vừa có tác dụng theo dõi khiến người vi phạm không dám ngang nhiên tái diễn lấn chiếm hè đường”.
Sử dụng cả camera di động lẫn cố địnhTheo đề xuất của Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện, trước hết có thể trang bị camera di động cho lực lượng CSTT, Thanh tra GTVT, mỗi Đội từ 2 - 3 chiếc. “Nguồn kinh phí đầu tư cho các thiết bị này sẽ không quá lớn, có thể thực hiện được ngay. Quan trọng là các cấp chính quyền TP phải thống nhất được chủ trương” - ông Viện nhận định. Bên cạnh đó, vị lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng cho rằng cần phải xây dựng quy chế, quy định cụ thể về việc phân công sử dụng camera trong công tác tuần tra, xử phạt vi phạm lấn chiếm hè đường. Có thể thí điểm trước trên địa bàn một số phường nội thành, nơi vi phạm diễn ra phổ biến và lực lượng chức năng đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế. “Sau khi thí điểm sẽ tổng kết lại để rút kinh nghiệm, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và áp dụng rộng rãi trên toàn TP” - ông Viện đề xuất.
Rất ủng hộ chủ trương trang bị camera di động cho lực lượng thực thi công vụ nhưng đại diện Đội CSGT - Trật tự - Phản ứng nhanh quận Nam Từ Liêm cũng đề xuất, cần có thêm hệ thống camera gắn cứng trên đường phố. “Các camera này cần được kết nối, truyền tín hiệu về trụ sở CSTT các phường, quận để lực lượng chủ động, kịp thời nhắc nhở, giải tỏa vi phạm” - vị này nhấn mạnh. TS Đặng Minh Tân cũng cho rằng, camera di động có tác dụng tốt đối với công tác tuần tra, xử phạt nhưng lại chưa đáp ứng được các mục tiêu phát hiện sớm vi phạm; theo dõi, cảnh báo để không tái diễn. Theo ông Tân, việc đầu tư hệ thống camera gắn cứng trên tất cả các tuyến đường phố sẽ đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khá lớn, phải làm dần dần. Bởi vậy, trước mắt có thể trang bị camera di động cho lực lượng chức năng, hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát, xử phạt vi phạm lấn chiếm hè đường.