Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phạt thôi chưa đủ!

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện mất cân bằng giới tính khi sinh và bài học của các quốc gia khác đã được cảnh báo từ nhiều năm nay nhưng tỷ lệ mất cân bằng này tại Việt Nam vẫn rất đáng báo động.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo số liệu từ Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, tỷ số giới tính khi sinh của dân số Việt Nam năm 2023 là 112 bé trai/100 bé gái. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam tuy xuất hiện muộn hơn một số nước, nhưng tăng nhanh và lan rộng, xảy ra ở cả thành thị và nông thôn.

Xét ở phạm vi vùng kinh tế - xã hội, vào năm 2006 chỉ mới có 3/6 vùng mất cân bằng giới tính khi sinh, đến nay, cả 6/6 vùng đều bị mất cân bằng giới tính ở cả thành thị và nông thôn. Theo tính toán, đến năm 2050, Việt Nam có 2,3 - 4,3 triệu nam thanh niên ít có cơ hội lấy được vợ trong nước, gây hệ lụy cho sự phát triển bền vững.

Đặc biệt, Việt Nam là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới có sự chênh lệch giới tính khi sinh ngay từ đứa con đầu tiên, tức là các cặp vợ chồng lựa chọn giới tính ngay ở lần sinh đầu tiên.

Nguyên nhân chính vẫn là tâm lý ưa thích con trai, tư tưởng "trọng nam, khinh nữ" đã tồn tại từ bao đời nay ở Việt Nam. Nguyên nhân thứ hai lạm dụng khoa học - công nghệ.

Có thể nói, trước áp lực của gia đình, dòng họ, nhiều phụ nữ phải tìm đủ mọi cách để đẻ được con trai. Thậm chí, nhiều người khi thai khi đã lớn, phát hiện là con gái vẫn “chối bỏ” quyền được sống của con bằng cách lạm dụng sự can thiệp của khoa học hiện đại.

Điều đó dẫn đến tình trạng thừa nam thiếu nữ, làm biến đổi chỉ số nhân khẩu học và cụ thể là tăng áp lực kết hôn sớm đối với phụ nữ, tăng nhu cầu dịch vụ tình dục, gia tăng buôn bán phụ nữ, kéo theo bạo lực tình dục đối với phụ nữ, làm ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe sinh sản, đến an ninh, an toàn xã hội.

Mặc dù các chính sách, chiến lược, chương trình của Việt Nam đã đề ra 3 nhóm giải pháp can thiệp nhằm kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh như: đẩy mạnh tuyên truyền; nghiêm cấm sử dụng công nghệ trong xác định giới tính thai nhi; cải thiện vấn đề bình đẳng giới và nâng cao vị thế phụ nữ, trẻ em gái, từng bước khắc phục tư tưởng "trọng nam, khinh nữ".

Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chủ yếu triển khai ở nhóm can thiệp thứ nhất, nhưng cũng chưa được đầy đủ, sâu rộng, chưa tới được tất cả các đối tượng.

Trong khi đó, các chế tài, quy định pháp luật không được thực hiện nghiêm túc, chưa được giám sát, kiểm tra chặt chẽ. Bất kỳ ai muốn biết cũng đều có thể biết được giới tính thai nhi của con mình, bất kỳ ai muốn phá thai đều có dịch vụ đáp ứng, muốn sinh con trai hay con gái cũng được can thiệp dễ dàng.

Chính vì vậy, tại Dự án Luật Dân số đang được xây dựng, lấy ý kiến, Bộ Y tế đề nghị bổ sung quy định cấm lựa chọn giới tính thai nhi và tăng chế tài xử phạt với hành vi này.

Theo đó, cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân lạm dụng công nghệ, kỹ thuật để lựa chọn giới tính khi sinh. Tuy nhiên, chỉ phạt thôi chưa đủ, mà vấn đề là phải thay đổi nhận thức, thay đổi định kiến giới về tâm lý ưa thích con trai hơn con gái.

Đây mới là khó khăn, thách thức trong công tác dân số hiện nay, không chỉ đối với Việt Nam mà nhiều quốc gia khác trên thế giới. Chỉ khi thay đổi được nhận thức với mỗi người dân, mỗi gia đình, cộng đồng, bỏ được tư tưởng "trọng nam, khinh nữ" thì vấn đề mất cân bằng giới tính mới được giải quyết.