Thu hút tăng trưởng, nâng tầm vị thế Thủ đô
Sau mở rộng địa giới năm 2008, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1259/QĐ – TTg ngày 26/7/2011. Trong đó đã xác định phát triển Thủ đô theo mô hình chùm đô thị với 5 đô thị vệ tinh là: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sóc Sơn. Đây là đột phá trong quy hoạch xây dựng Thủ đô, kết hợp từ truyền thống văn hóa - kinh tế - xã hội và chọn lọc bài học kinh nghiệm của các TP trên thế giới như Seoul (Hàn Quốc), Thượng Hải (Trung Quốc), Washington (Mỹ), London (Anh)… Nhờ đô thị vệ tinh đã giảm áp lực vào đô thị trung tâm, tổ chức đô thị vệ tinh để thu hút tăng trưởng nhằm mục tiêu nâng tầm vị thế Thủ đô.Trong 5 đô thị vệ tinh thì đô thị Hòa Lạc lớn nhất, có chức năng về khoa học công nghệ đào tạo, sinh thái và nghỉ dưỡng, diện tích đất nội thị khoảng 7.450ha, dân số đến 2030 khoảng 600.000 người. Đô thị vệ tinh Sơn Tây là đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng có diện tích đất khoảng 4.000ha, dân số đến 2030 khoảng 180.000 người. Đô thị vệ tinh Xuân Mai là đô thị dịch vụ công nghiệp hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp và hệ thống làng nghề đến 2030 đất xây dựng khoảng 4.500ha, dân số khoảng 220.000 người. Đô thị vệ tinh Phú Xuyên là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa, đến năm 2030 diện tích xây dựng khoảng 3.000ha, dân số khoảng 130.000 người. Đô thị vệ tinh Sóc Sơn là đô thị công nghiệp và dịch vụ hàng không, nghỉ dưỡng, sinh thái, đến 2030 có diện tích xây dựng đô thị khoảng 5.500ha, dân số 250.000 người. Ngoài 5 đô thị vệ tinh còn các thị trấn là trung tâm kinh tế - xã hội của các huyện, đầu mối hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công cộng đến 2030 có dân số khoảng 250.000 người, đất xây dựng là 4.300ha.Hà Nội triển khai xây dựng đồng bộ 5 đô thị vệ tinh sẽ có khả năng dung nạp khoảng gần 1,4 triệu người (chiếm 15% tổng dân số Thủ đô 9,2 triệu vào 2030), giảm áp lực dân số và hạ tầng kỹ thuật vào đô thị trung tâm nhất là nội đô lịch sử. Quỹ đất có khả năng khai thác gần 25.000ha (xấp xỉ 70% diện tích tự nhiên nội đô lịch sử), tạo điều kiện đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới cơ cấu đầu tư thuận lợi cho khởi nghiệp, sáng tạo. Hơn thế nữa, khi thực hiện các đô thị vệ tinh còn góp phần thúc đẩy vai trò liên kết của Hà Nội với các tỉnh trong vùng, khu vực, tạo thuận lợi cho thực hiện chức năng đô thị đặc biệt là Thủ đô, là động lực phát triển vùng. Bên cạnh đó, phát triển đô thị vệ tinh góp phần tạo nền tảng để phát triển kinh tế nhanh và bền vững như nghiên cứu khoa học, công nghệ, phát triển kinh tế trí thức (với Hòa Lạc), phát triển du lịch, tạo sản phẩm du lịch mới, sáng tạo, đẳng cấp mang bản sắc Thủ đô (với Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc…). Đồng thời tạo thuận lợi về giao thông, trung chuyển hàng hóa của Hà Nội với vùng và ngược lại (với Phú Xuyên). Phát triển đô thị vệ tinh còn tác động đến tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới chất lượng cao. Với quỹ đất, dân số theo định hướng phát triển sẽ là điểm đến hấp dẫn để thu hút các nguồn lực đầu tư cả trong nước và ngoài nước, nhất là khởi nghiệp sáng tạo.
Quy hoạch khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc. Ảnh: Công Hùng |