Bước đi đột phá
Ngày 26/3, tại TP Hội An, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức hội thảo “Quảng Nam phát triển du lịch xanh - Gìn giữ giá trị bản địa” và “Lễ công bố Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình Năm Du lịch quốc gia 2022.
Phát triển du lịch xanh là xu hướng tất yếu trong chiến lược phát triển bền vững, đã và đang được triển khai ở nhiều nước trên thế giới. Quảng Nam là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch, và trên thực tế đã trở thành điểm đến hấp dẫn của đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 là hồi chuông cảnh tỉnh cho chặng đường du lịch đã đi qua. Để tạo hướng đi bền vững, ngành du lịch Quảng Nam đã chuyển biến nhận thức trong phát triển du lịch xanh, hướng tới xây dựng thương hiệu điểm đến xanh vào năm 2025.
“Du lịch xanh là bước đi đột phá, sáng tạo, hướng tới ý nghĩa nhân văn, chia sẻ lợi ích, bảo vệ môi trường, gìn giữ giá trị văn hóa, di sản và tài nguyên thiên nhiên”, ông Phan Xuân Thanh nói.
Để phát triển bền vững du lịch xanh, ông Phan Xuân Thanh kiến nghị quản lý nhà nước về du lịch cần hướng đến chiều sâu; cần có chính sách khuyến khích du lịch nông nghiệp; thúc đẩy du lịch tái tạo thông qua chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tái chế, tái tạo cũng là mô hình của nền kinh tế tuần hoàn; chuyển dịch cơ cấu lao động và đào tạo lại lao động ngành du lịch; thiết lập chính sách ưu tiên và kiểm soát phát triển đô thị xanh mà vẫn giữ cân bằng với vấn đề bảo vệ môi trường, tái tạo tài nguyên.
Trong khi đó, TS Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, du lịch là ngành công nghiệp không khói, mang lại lợi ích kinh tế lâu dài và giá trị gia tăng cao, đóng góp tích cực cho công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường.
“Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là phương thức quan trọng để phát triển du lịch bền vững, đã được định hướng trong các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đã có nhiều văn bản và các hoạt động liên quan đến du lịch xanh và phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh được thực hiện” - TS Nguyễn Anh Tuấn nói.
TS Nguyễn Anh Tuấn nhận định, phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh được xác định là phương thức, con đường của sự phát triển du lịch bền vững, có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ tài nguyên, môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững quốc gia.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân cho biết, hội thảo “Quảng Nam phát triển du lịch xanh - Gìn giữ giá trị bản địa” là hành động thiết thực mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, là cơ hội để chúng ta khẳng định vai trò, ý nghĩa và bàn thảo các nhiệm vụ, giải pháp du lịch xanh, thúc đẩy phục hồi, phát triển du lịch, đẩy mạnh quá trình cơ cấu thị trường du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, du lịch xanh, kích cầu du lịch với mục tiêu phát triển du lịch bền vững.
6 bộ tiêu chí du lịch xanh
Cùng ngày, UBND tỉnh Quảng Nam đã công bố Bộ tiêu chí du lịch xanh.
Theo đó, có 6 bộ tiêu chí du lịch xanh dành cho các loại hình: Khách sạn (9 chủ đề), homestay (10 chủ đề), khu nghỉ dưỡng (10 chủ đề), doanh nghiệp lữ hành (5 chủ đề), điểm du lịch dựa vào cộng đồng (9 chủ đề) và điểm tham quan (11 chủ đề).
Mỗi bộ tiêu chí chia thành các chủ đề bền vững, bao gồm một số tiêu chí được chỉ định, đi cùng với các chỉ số để đo lường, định lượng.
Tùy theo loại hình, các chủ đề trong bộ tiêu chí này có thể gồm: Quản lý môi trường chung, quản lý điện năng, quản lý nước, quản lý nước thải, quản lý chất thải rắn, quản lý chất lượng không khí và kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn, hỗ trợ cộng đồng địa phương, an toàn, hỗ trợ kinh tế địa phương, phát triển mối quan hệ với điểm đến, xây dựng và quản lý sản phẩm du lịch bền vững...
Các đơn vị du lịch tự đánh giá mức độ bền vững của hoạt động và kinh doanh du lịch hiện tại, dựa trên các tiêu chí và chỉ số du lịch xanh bằng cách truy cập bảng hỏi tự đánh giá được bên đánh giá cung cấp, để trả lời các câu hỏi theo các tiêu chí và chỉ số dành cho các bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam.
Việc đánh giá sẽ được Hiệp hội Du lịch Quảng Nam phối hợp với các sở, ngành và địa phương thành lập đoàn thực hiện.