Xu hướng chuyển đổi số:

Phát triển kinh tế số trên thế giới - lộ trình và "quả ngọt"

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh tế số giúp nền kinh tế tối ưu hoá nguồn lực, giá trị và cơ hội mang lại. Trong tiến trình chuyển đổi số nói chung ở các quốc gia, đây là lĩnh vực được coi trọng hàng đầu.

Trung Quốc là một trong những quốc gia sớm triển khai lộ trình xây dựng kinh tế số, với vai trò chính trong điều phối các sáng kiến thuộc về Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin. 

Các chính sách của Trung Quốc tập trung vào thúc đẩy nhanh quá trình phát triển và đưa vào sử dụng nền tảng số. Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin thực hiện điều phối, đồng thời đưa ra các đề xuất giao công việc cho các doanh nghiệp quốc doanh để xây dựng và triển khai thử nghiệm nền tảng số trong các ngành và lĩnh vực riêng biệt. 

Theo đó, một số doanh nghiệp công nghệ truyền thống đã thành công trong việc xây dựng nền tảng số nhân rộng việc sử dụng trên toàn quốc, đồng thời còn có thể xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. 

Ngành công nghiệp dữ liệu được xác lập tại Trung Quốc. 
Ngành công nghiệp dữ liệu được xác lập tại Trung Quốc. 

Trong tiến trình đó, Trung Quốc coi dữ liệu là yếu tố đầu vào quan trọng, bắt buộc của nền kinh tế số. Cụ thể, nước này thành lập Cục Dữ liệu quốc gia trực thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia để phát triển và khai thác tiềm năng dữ liệu. 

Bắc Kinh cũng ban hành quy định coi dữ liệu như một mặt hàng đặc biệt, được định giá và được thông thương, trao đổi trên các sàn giao dịch dữ liệu. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng hình thành ngành công nghiệp dữ liệu.

Ngành công nghiệp này cho đến nay đã tạo thêm nhiều công việc cũng như vị trí việc làm mới so với trước đây, điển hình là nghề phân loại dữ liệu. Kể từ tháng 4/2020, Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội Trung Quốc đã chính thức công nhận “Phân loại dữ liệu” là một nghề và được đưa vào danh mục phân loại nghề quốc gia. 

Với việc giá trị hóa dữ liệu, động thái này đã đem lại một nguồn lực mới để chính phủ Trung Quốc hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Xây hệ sinh thái phát triển kinh tế số

Trong lộ trình xây dựng kinh tế số tại Pháp, Chính phủ đặt việc đầu tư cho nền tảng số là ưu tiên hàng đầu.

Cụ thể, nước này đã đưa ra một số sáng kiến ​​dựa trên công nghệ, như: “Cuộc đua kỹ thuật số của Pháp” ;“Kỹ thuật số của Pháp”; và gần đây nhất là “Kế hoạch tốc độ cao của Pháp", theo đó cải thiện vùng phủ sóng kết nối tốc độ cao, tăng tốc độ triển khai của mạng cáp quang và kết nối các hộ gia đình với tốc độ 30 Mbps (trở lên) kể từ năm 2022. Chương trình này chính thức được triển khai từ năm 2013 và đến nay đã được rót ước tính tổng cộng xấp xỉ 20 tỷ Euro.

Bên cạnh đó,  các nhà hoạch định chính sách Pháp cũng ưu tiên tích hợp việc phát triển nguồn nhân lực cho nền kinh tế số trong cấu trúc ngành, mà mục tiêu hỗ trợ những doanh nghiệp là nền tảng cốt lõi.

Một trong những sáng kiến đáng chú ý là dự án “Công nghệ Pháp”được thực hiện từ năm 2013 nhằm tập hợp các hệ sinh thái kỹ thuật số nổi bật nhất trên khắp nước Pháp. 

Doanh nghiệp, cá nhân có đóng góp vào môi trường sinh thái số ở Pháp được tạo điều kiện cấp phép cư trú, làm ăn. 
Doanh nghiệp, cá nhân có đóng góp vào môi trường sinh thái số ở Pháp được tạo điều kiện cấp phép cư trú, làm ăn. 

Hồi tháng 5/2015, Chính phủ Pháp và thủ đô Paris đưa ra chính sách "Thẻ công nghệ" thu hút những người nước ngoài muốn xây dựng công ty khởi nghiệp tại Paris, theo đó, ngoài các khoản hỗ trợ đào tạo, những đối tượng này cũng được tạo điều kiện để giành được giấy phép cư trú tại Pháp. Năm 2019, Pháp đưa ra khung khổ quốc gia về năng lực kỹ thuật số dựa trên khung năng lực kỹ thuật số của châu Âu, bao gồm các cấp học từ tiểu học đến đại học.

Khoảng 300 triệu USD là con số ngân sách mà Paris rót vào các cơ quan công quyền, nhằm đưa kỹ thuật số vào thông qua các công cụ đơn giản hóa thủ tục hành chính. Trong giáo dục, Pháp cũng đổ 360 triệu USD cho lĩnh vực công nghệ, trong khi khoản chi tiêu công cho kết cấu hạ tầng cũng đã được tính đến, như bỏ thêm 290 triệu USD cho mạng cáp quang và 2 tỷ USD để hiện đại hóa hệ thống thông tin công cộng. 

Việc tích hợp công nghệ kỹ thuật số trong các doanh nghiệp cũng là vấn đề Pháp đi đầu trong khu vực. Doanh nghiệp Pháp sử dụng các giải pháp dữ liệu lớn, với 4% cao hơn so với mức trung bình của Liên minh châu Âu năm 2020. 

Chính phủ Pháp có những chương trình giảm 40% thuế đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào chuyển đổi kỹ thuật số và hỗ trợ tài chính để giúp họ triển khai công nghệ kỹ thuật số, chuyển đổi mô hình kinh doanh cũng như hiện đại hóa phương thức sản xuất.

Những “quả ngọt” từ kinh tế số

Theo dữ liệu mới công bố hôm 6/10, nền kinh tế số của Singapore đã đóng góp 17,3% vào tăng trưởng kinh tế và tạo ra hơn 200.000 việc làm công nghệ vào năm 2022.

Các số liệu – thước đo chính thức đầu tiên về quy mô nền kinh tế kỹ thuật số của Singapore – được công bố trong báo cáo của Cơ quan Phát triển Truyền thông Infocomm (IMDA) và Trường Chính sách Công Lee Kuan Yew.
Báo cáo cho thấy nền kinh tế kỹ thuật số của Singapore đã mở rộng trong khoảng thời gian 5 năm từ 2017 đến 2022. Đóng góp của nền kinh tế kỹ thuật số vào tăng trưởng GDP đã tăng từ 13% lên 17,3% - gần gấp đôi từ 42 tỷ USD lên 78 tỷ USD.

Lĩnh vực thông tin và truyền thông chiếm khoảng 1/3 nền kinh tế kỹ thuật số của Singapore, 2/3 còn lại đến từ số hóa ở những nơi khác. 
Lĩnh vực thông tin và truyền thông chiếm khoảng 1/3 nền kinh tế kỹ thuật số của Singapore, 2/3 còn lại đến từ số hóa ở những nơi khác. 

Nền kinh tế kỹ thuật số như được định nghĩa trong báo cáo bao gồm hai phần: Giá trị gia tăng từ lĩnh vực thông tin và truyền thông và giá trị gia tăng từ quá trình số hóa trên toàn bộ phần còn lại của nền kinh tế. Lĩnh vực thông tin và truyền thông chiếm khoảng 1/3 nền kinh tế kỹ thuật số, 2/3 còn lại đến từ số hóa ở những nơi khác.

Lĩnh vực này cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số như viễn thông, lập trình máy tính và tư vấn CNTT, điện toán đám mây, phát triển phần mềm, sản xuất và phân phối nội dung và phương tiện truyền thông. IMDA cho biết đây là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Singapore, chiếm 33 tỷ đô la Singapore hay 5,4% tổng GDP. Con số này tăng từ 19 tỷ đô la Singapore hay 4,3% GDP vào năm 2017.

Được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ của game giải trí, dịch vụ trực tuyến và thương mại điện tử, thông tin và truyền thông là lĩnh vực phát triển nhanh nhất ở Singapore từ năm 2017 đến năm 2022.

Báo cáo cho biết, sự tăng trưởng của ba tiểu lĩnh vực này được thúc đẩy bởi quá trình số hóa nhanh chóng và các xu hướng như chuyển đổi sang điện toán đám mây, đặc biệt là trong đại dịch Covid-19.

IMDA cho biết nhu cầu mạnh mẽ về nhân viên công nghệ mang lại lợi ích cho người lao động địa phương. Hơn 70% công việc trong lĩnh vực công nghệ do người Singapore và thường trú nhân nắm giữ và mức lương của họ rất cạnh tranh.

Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN. Chính phủ Việt Nam cũng đã thể hiện rõ quyết tâm, định hướng và nỗ lực hành động quyết đoán trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số. Văn kiện Đại hội XIII đã đặt mục tiêu, đến năm 2025 kinh tế số đạt tỷ trọng 20% GDP và đến năm 2030 lĩnh vực này chiếm khoảng 30% GDP.