Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển kinh tế xanh ở Ứng Hòa

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm trong vành đai xanh của Thủ đô, để phát triển bứt phá, huyện Ứng Hòa tập trung chuyển đổi các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, bền vững.

Đồng thời quy hoạch lại các tổ hợp cụm, điểm công nghiệp, khu dịch vụ đô thị bảo đảm tiêu chí xanh, sạch, đồng bộ.

Giá trị, sản lượng tăng

Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng cho biết, kinh tế của huyện chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, diện tích gieo trồng lúa đạt trên dưới 8.000ha/vụ.

So với năm 2021, huyện Ứng Hòa đã có sự chuyển dịch tăng diện tích gieo trồng các cây hoa màu mang lại năng suất, sản lượng tốt và giảm diện tích gieo trồng các giống cây mang lại hiệu quả trung bình. Đáng chú ý, diện tích trồng lúa chất lượng cao tiếp tục được duy trì và tăng trưởng.

Chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ gạo Khu Cháy chất lượng cao hoạt động hiệu quả. Ảnh: Lại Tấn
Chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ gạo Khu Cháy chất lượng cao hoạt động hiệu quả. Ảnh: Lại Tấn

Đơn cử, tỷ lệ lúa chất lượng cao vẫn duy trì ở mức khá đạt 5.664ha (lúa nếp, lúa thơm, J02), chiếm 67,9% diện tích gieo trồng lúa (tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước). Năng suất lúa vụ Xuân đạt 64,8 tạ/ha, sản lượng đạt 54.140 tấn (tăng 51 tấn so với cùng kỳ năm trước). Tổng giá trị sản xuất 9 tháng năm 2022 (giá so sánh 2010) ước đạt 9.061 tỷ đồng, đạt 65,7% kế hoạch (tăng 7,66% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 3.025 tỷ đồng, đạt 64,79% kế hoạch năm (tăng 5,8% so cùng kỳ năm trước).

Để tăng diện tích gieo trồng cây hoa màu có hiệu quả kinh tế cao, huyện Ứng Hòa đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa theo Đề án 3534 của UBND huyện về “Phát triển sản xuất nông nghiệp huyện Ứng Hòa theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả bền vững giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Triển khai hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo Quyết định 1270/QĐ-UBND ngày 9/4/2021 của UBND huyện, đến nay, huyện Ứng Hòa đã phối hợp với Trung tâm Phát triển nông nghiệp TP thực hiện các mô hình nuôi trồng thủy sản năm 2022 tại các xã Phù Lưu, Phương Tú, Tảo Dương Văn, Đồng Tiến, Minh Đức, Đại Hùng và mô hình chăn nuôi tại các xã Cao Thành, Phù Lưu và Đội Bình.

Huyện cũng chỉ đạo các xã vận động nông dân xây dựng thêm các mô hình nhà lưới, nhà màng trồng rau, quả an toàn; định hướng các loại cây trồng cho phù hợp với thổ nhưỡng, tập quán canh tác, có giá trị kinh tế cao. Đến nay, huyện đã thực hiện được 9 mô hình với tổng diện tích 30.984m2, trong đó vùng được cấp Giấy chứng nhận sản xuất theo VietGAP đạt 15,5ha tại Hợp tác xã nông nghiệp thôn Vĩnh Thượng, xã Sơn Công.

Huyện cũng phối hợp với Sở KH&CN đề xuất xây dựng và bảo vệ nhãn hiệu: Thịt lợn an toàn Ứng Hòa, bưởi ngọt Đồng Tiến và thủy sản an toàn Trầm Lộng trong năm 2022 - 2023. Đến nay, huyện đã được công nhận nhãn hiệu tập thể gạo chất lượng Khu Cháy, vịt Vân Đình; nhãn hiệu hàng hóa trứng vịt Đông Lỗ.

Với chăn nuôi, thủy sản, huyện Ứng Hòa phát triển các vùng sản xuất tập trung, trang trại quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tại các xã Phương Tú, Hòa Lâm, Vạn Thái, Liên Bạt và Hồng Quang.

Khuyến khích, tuyên truyền các hộ chăn nuôi tận dụng cơ sở vật chất hiện có, chuyển đổi hình thức sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị canh tác như mô hình chăn nuôi vịt sàn, chăn nuôi lợn áp dụng hệ thống cho ăn tự động, mô hình thủy sản “sông trong ao”...

Khai thác hiệu quả các nguồn lực

Mặc dù đã có nhiều đổi mới trong sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế huyện, nâng cao đời sống Nhân dân, nhưng theo UBND huyện Ứng Hòa, địa phương vẫn có một số khó khăn, hạn chế. Trong cuộc làm việc với Đoàn công tác của TP Hà Nội về các lĩnh vực phát triển kinh tế ngành trên địa bàn huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng cho hay, Ứng Hòa nằm trong hành lang bảo vệ nông nghiệp TP Hà Nội, nền kinh tế huyện chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên khó thu hút các DN đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện phần lớn là các DN có quy mô nhỏ và tự phát.

"Những năm gần đây, mặc dù được TP rất quan tâm, song hệ thống giao thông vẫn còn khó khăn chưa thúc đẩy tiềm năng của huyện. Giao thông nội đồng phục vụ các khu sản xuất nông nghiệp, thủy sản, các mô hình sản xuất chất lượng cao còn thiếu và yếu chưa được đầu tư" - ông Ngô Tiến Hoàng bày tỏ.

Thêm vào đó, nguồn thu ngân sách của huyện còn hạn hẹp, chỉ đáp ứng được phần rất nhỏ nhu cầu chi. Nguồn thu chủ yếu dựa vào thu đấu giá quyền sử dụng đất nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế - xã hội còn phải dựa vào ngân sách cấp trên và các quận hỗ trợ. Lực lượng lao động trên địa bàn huyện đa số là người dân lao động nông nghiệp nên trình độ văn hóa còn hạn chế, chưa đáp ứng được các công việc yêu cầu kỹ thuật của DN có quy mô vừa và lớn để có thu nhập cao hơn.

Mặt khác, việc triển khai thực hiện Quyết định 3534/QĐ-UBND và Quyết định 1270/QĐ-UBND ngày 9/4/2022 về việc ban hành quy định cơ chế hỗ trợ khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả bền vững trên địa bàn huyện Ứng Hòa giai đoạn 2021 - 2025 còn hạn chế, hiệu quả chưa cao, có ít mô hình được thực hiện và hỗ trợ.

Trước thực tế trên, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh: Huyện Ứng Hòa tiếp tục là vành đai xanh của Thủ đô nhưng không có nghĩa là chỉ có cấy lúa, nuôi trồng thủy sản mà cần quy hoạch lại các tổ hợp cụm, điểm công nghiệp, khu dịch vụ đô thị bảo đảm tiêu chí xanh, sạch, đồng bộ. Qua đó khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững.

Phó Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị huyện Ứng Hòa cần siết chặt kỷ cương, kỷ luật, kiện toàn lại bộ máy cán bộ, thích ứng sự thay đổi của cơ chế chính sách và chỉ đạo mới của TP. Đồng thời huyện cần làm tốt hơn nữa thủ tục đầu tư các dự án, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ. TP sẽ nghiên cứu để sớm có cơ chế đặc thù cho các huyện khó khăn khu vực phía Nam, trong đó có Ứng Hòa thêm nguồn lực phát triển.

 

"Để dần tự chủ trong phát triển, hạn chế phụ thuộc nguồn lực đầu tư của TP, Ứng Hòa cần khai thác tiềm năng, thế mạnh từ dịch vụ, du lịch, công nghiệp, đô thị xanh bền vững. Đối với vấn đề quy hoạch và xây dựng nông thôn mới, các sở, ngành cùng Sở NN&PTNT sớm rà soát các tiêu chí để đưa vào kế hoạch năm 2023." - Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền