Nội dung độc hại
Với sự phát triển của mạng xã hội, thời gian qua, nhiều video, clip được xây dựng kịch bản, dàn dựng công phu xuất hiện trên mạng xã hội như YouTube, TikTok, Facebook. Đơn cử, bộ phim “Bên hiếu bên tình” gồm 31 tập, phát sóng từ 30/1 đến nay thu hút hàng triệu lượt người xem (view).
Trên YouTube, phim “Bên hiếu bên tình” đã có hơn 130 triệu lượt xem, cùng nhiều bình luận. Đặc biệt, do đăng tải trên MXH, mỗi tập chỉ vỏn vẹn khoảng ba phút. Vì vậy khi xem phim, nhiều người đùa vui: "Lần đầu tiên xem phim mà không dám chớp mắt".
Đạo diễn Tôn Nguyễn - người đứng sau series phim “Bên hiếu bên tình” chia sẻ, cá nhân anh rất bất ngờ khi bộ phim nhận được sự quan tâm, lượt xem, chia sẻ vượt qua sự kỳ vọng của ê kíp cũng như đơn vị phát hành.
Tuy nhiên, những clip, video giống như phim ngắn “Bên hiếu bên tình” không nhiều. Thay vì phim khai thác những mặt tích cực, có giá trị cho xã hội thì hầu hết chúng thường mang nội dung phản cảm và vi phạm chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục. Và càng đáng nói hơn khi khán giả của loại phim ngắn này chủ yếu là trẻ em, trẻ vị thành niên, thanh niên.
Không khó để nhận thấy, những phim ngắn như: “Giang hồ chợ Mới”, “Thập tam muội”, “Vi cá tiền truyện”... thu hút hàng chục triệu lượt người xem tràn lan hình ảnh bạo lực, lời thoại thô tục. Gõ những từ khóa như “mẹ chồng nàng dâu”, “tiểu tam”… người tìm kiếm có xem hàng loạt video clip với nhiều phần, nhiều tựa đề khác nhau.
Hiện các sản phẩm này được phổ biến do phần lớn người dùng trẻ thường xuyên sử dụng mạng xã hội để giải trí. Vì thế, nhiều người lo ngại rằng, khi giới trẻ bị lôi cuốn bởi những phim ngắn có nội dung không lành mạnh, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, tạo nên những suy nghĩ lệch lạc. Thậm chí, nội dung đi ngược lại văn hóa tốt đẹp nếu lặp đi lặp lại với một người trưởng thành cũng có thể khiến họ cảm thấy quen thuộc với những điều xấu, những điều phản cảm, lâu dần sẽ coi đó là hiển nhiên.
Theo chuyên gia truyền thông văn hoá, đồng sáng lập Elite PR School Nguyễn Đình Thành, một số cá nhân, trong đó có nhiều ê kíp nghiệp dư cố gắng câu kéo lượng người xem, bất chấp việc đưa ra những nội dung vô cùng phản cảm và độc hại. Nếu người xem không tỉnh táo thì sẽ nghĩ rằng điều đó đang xảy ra ngoài đời sống và nên làm như vậy. Vô hình chung, các bộ phim đang lèo lái con người đến hành vi lệch lạc.
Xử lý nội dung độc hại
Mỗi ngày, những video, clip ngắn đang tiếp cận hàng triệu người dùng Internet. Theo các chuyên gia, việc không gắn mác giới hạn của những nội dung này cùng với những thuật toán đề xuất của mạng xã hội đang khiến cho những video, clip phản cảm có cơ hội đến với nhiều người dùng hơn. Biết là xấu nhưng rõ ràng việc tạo báo cáo, ẩn trang, hay bỏ theo dõi là chưa đủ.
Thời gian qua, một số cá nhân, đơn vị đã bị xử phạt khi đăng tải các nội dung không phù hợp. Đơn cử, cơ quan chức năng đã xử phạt trang web http://lifetv.vn đăng tải phim “Vụ thảm sát số 6” số tiền 25 triệu đồng và buộc gỡ bỏ; “Căn hộ số 69” vi phạm việc chiếu phim khi chưa được phép, bị phạt 10 triệu đồng... Tuy nhiên, rất hiếm cá nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành chia sẻ, trong bối cảnh mạng xã hội thống lĩnh đời sống tinh thần hiện nay, khó tránh khỏi việc nhà sản xuất chạy theo thị hiếu câu view tầm thường. Dung lượng ngắn, các nhà làm phim thường ngẫu hứng chọn đề tài nhạy cảm, nhiều trường hợp đi ngược giá trị văn hóa chuẩn mực, thuần phong mỹ tục, cổ súy lối sống thiếu lành mạnh… Trước thực trạng này, nhằm kiểm soát, hạn chế những tác động tiêu cực đến người xem, Cục Điện ảnh cũng đã thành lập Tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng để xử lý phim chiếu mạng có nội dung độc hại, phản cảm.
Mặt khác, theo các chuyên gia, để hạn chế sự ảnh hưởng của phim chiếu mạng độc hại, cũng như những sản phẩm văn hóa phản cảm, cần có sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành, đồng thời khuyến khích những sản phẩm sáng tạo có giá trị, nâng cao khả năng cảm thụ nghệ thuật cho công chúng.