Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phim truyền hình Việt: Vết thương cũ trên cơ thể bệnh tật

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Vết thương cũ trên cơ thể nhiều bệnh tật của phim truyền hình Việt lại bộc phát, nhờ bàn tay của những lang băm làng phim vụng về.

KTĐT - Vết thương cũ trên cơ thể nhiều bệnh tật của phim truyền hình Việt lại bộc phát, nhờ bàn tay của những lang băm làng phim vụng về.

Xem thường khán giả và coi rẻ chính mình, một bộ phận những nhà làm phim truyền hình Việt đang dần dốc cạn thiện cảm và lòng tin.

Vết thương từ những lang băm làng phim

Đài truyền hình đổ lỗi nhà sản xuất thiếu năng lực, nhà làm phim nói do đạo diễn, diễn viên yếu, vua phim trường cho rằng kịch bản kém, biên kịch thì tố ngược lại, diễn viên đổ lỗi cho nhau, tất cả lại quy trách nhiệm về nhà đài, trước câu hỏi ai đã gây nên cơn thảm họa phim truyền hình Việt thời gian gần đây.

Những bộ phim dở mà dân trong nghề mỉa mai "chuối cả nải, chuối toàn tập" kiểu như "Anh chàng vượt thời gian" phải ngưng phát sóng vừa qua, không phải là ung nhọt mới. Đó là vết thương cũ trên cơ thể nhiều bệnh tật của phim truyền hình, chỉ thỉnh thoảng mới bộc phát, nhờ bàn tay của những lang băm làng phim vụng về.

Các yếu tố để làm nên bộ phim truyền hình kia được tung hô, cũng chính là những nguyên nhân đẩy bộ phim nọ xuống dưới ngưỡng chịu đựng. Chẳng còn một tác nhân nào khác, ngoài hoặc đạo diễn tồi, hoặc kịch bản kém, hoặc diễn viên dở, hoặc nhà sản xuất thiếu năng lực, hoặc tệ hơn, tất cả đều yếu như nhau.

Không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan, càng không thể nói bừa rằng khán giả không hiểu, do công chúng có nhiều giai tầng khác nhau. Chỉ còn cách không nhận phần lỗi về mình, như một loại phản xạ tự vệ thường tình của những người thiếu bản lĩnh. Chỉ e rằng họ không biết mình dở, "chắc nó chừa mình ra", lại lao vào đục khoét thêm những vết thương thì thật đáng sợ.

Nữ diễn viên Kim Phượng, tố: "Tôi từng được mời vào vai với lời đề nghị khiếm nhã từ một đạo diễn "làm phim một tập/ngày" rằng phim có cảnh sexy nên cần xem người, dù tôi đã có chồng". "Liệu những người bất chấp tất cả để nổi tiếng, họ có nhận vai kiểu này chăng?", Kim Phượng hoang mang.

Ăn món "tào lao" nhưng không thể kiện

Ngoài những hot girl, chân dài diễu qua màn ảnh và ra rả "xem phim ảnh là một cuộc dạo chơi", thì mặt bằng làng phim không thiếu những diễn viên có năng lực diễn xuất tốt. Chỉ thiếu kịch bản hay, đạo diễn biết khơi dậy tiềm năng trong họ. Nhưng đạo diễn giỏi quá ít, kịch bản tốt chẳng bao nhiêu, không bõ cho những con tàu há mồm phải tiêu hóa cái hạn ngạch 30% thời lượng phát sóng phim Việt.

Hàng nghìn tập phim cung ứng mỗi năm cho các đơn vị mạnh sóng như VTV, HTV, hoặc mặn mà với phim truyền hình như đài Vĩnh Long, Bình Dương, Đồng Nai..., lấy từ đâu ra? Trong cơn khát lắm khi bấn loạn đó (nguy cơ thủng sóng), chuyện nhà sản xuất nước tinh khiết lấy nguồn từ ao hồ, đến chuyện đại lý bất cẩn mua nhầm nước đục, cũng không có gì lạ.

Chỉ có người tiêu thụ lãnh đủ. Nói như nhà biên kịch Ngô Ngọc Ngũ Long rằng nhiều nhà đầu tư đem phim quăng đại lên sóng, "khán giả xem không thích thì tắt ti vi", chứ không có cách nào kiện cáo như khi mua nhầm phải những sản phẩm kém chất lượng. Đến người tham gia rất nhiều phim truyền hình như NSƯT Kim Xuân, cũng giật mình nhìn lại: "Tôi thấy hình như chúng ta đang cho khán giả ăn nhiều món ăn bị nhiễm độc!".

Món nhiễm độc ấy được các đầu bếp cẩu thả, thiếu lương tâm chế biến từ những màn sản xuất chụp giật. Nhà đầu tư không dám từ chối và chưa đủ năng lực thẩm định một kịch bản tồi, bà biên kịch đẻ kịch bản nhiều, nhạt như gà siêu trứng, ông đạo diễn kém tài nhưng thừa khả năng cố đấm ăn xôi, nhiều vị diễn viên vì sinh kế lẫn hư danh mà lê bước khắp các phim trường. Tất cả cùng nấu lên một món, thập cẩm và "tào lao" (chữ dùng của một nhà biên kịch).

Ảnh minh họa
Cảnh phim "Xin thề anh nói thật"

Thẩm định kém, quản lý dở, phim lọt sóng

Ở thời buổi mà hàng ngày giữa TP.HCM dễ có đến chục đoàn phim tỏa đi khắp nơi để ghi hình ào ạt kịp lấp sóng, thì ở đó cũng dễ đẻ ra những thợ làm phim, thợ diễn xuất. Trên cái mặt bằng làm phim đã thấp lại còn nhấp nhô không đồng bộ, không khó để hình thành những tổ hợp sản xuất phim trong tay chẳng có gì nhiều hơn sự liều mạng coi chế tác phim như gia công đôi dép bán ra thị trường.

Quay lại chuyện "đá bóng" lòng vòng ở đầu bài, lỗi của các thành phần chế tác đã nặng, trách nhiệm của các nhà đài còn nặng nề hơn. Một nghệ sĩ ví von, ở hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, không có chuyện một mặt hàng kém phẩm chất lọt vào được, do có cơ chế sàng lọc gắt gao. Thế nên, việc phim dở chui tọt qua cổng đài truyền hình để tra tấn hàng triệu khán giả, có trách nhiệm của những người "gác cổng".

"Trách nhiệm trước tiên thuộc về lãnh đạo các đài truyền hình nếu phim dở lọt lên sóng, không đổ lỗi cho thành phần chế tác", ông Hữu Vinh, đại diện Cục quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử tại TP.HCM, khẳng định, "Cần nâng cao trách nhiệm thẩm định của các đài lên một bước, thẩm định kém, quản lý dở nên mới có chuyện phim dở lên sóng. Sau đó mới bàn đến chuyện bếp núc làm phim".

Phim truyền hình Việt Nam từng một thời được khán giả đón nhận, chờ đợi cả tuần để xem như Văn nghệ chủ nhật trên sóng VTV3, Tạp chí văn nghệ trên sóng HTV7. Những sản phẩm phim truyền hình thời xã hội hóa gần đây cũng đã tạo ra một số dấu ấn. Nhưng đến giờ này, với những dễ dãi trong sản xuất và phát sóng, xem thường khán giả và coi rẻ chính mình, một bộ phận những nhà làm phim truyền hình Việt đang dần dốc cạn thiện cảm và lòng tin.