Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phổ biến pháp luật cho phạm nhân, đối tượng cai nghiện: Mô hình thiết thực

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, việc triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho những người đang chấp hành hình phạt tù, đối tượng cai nghiện được quan tâm, chú trọng. Đây là mô hình thiết thực, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền cho đối tượng đặc thù.

Một cuộc thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống ma túy cho học viên cai nghiện tại cơ sở cai nghiện số 5 (quận Nam Từ Liêm). Ảnh: Thái San
Luật PBGDPL năm 2012 xác định 6 nhóm đối tượng đặc thù, trong đó có người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện… Thực hiện Luật, trong những năm qua, công tác PBGDPL cho các đối tượng này được các ngành, các cấp quan tâm đạt được kết quả bước đầu, với nhiều mô hình đa dạng, hình thức phong phú như: Tư vấn, phổ biến pháp luật trực tiếp; tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật; lồng ghép phổ biến pháp luật trong các hoạt động giáo dục...
Trong năm 2019, trong công tác thi hành án phạt tù đã tổ chức 2.702 lớp giáo dục pháp luật; 3.358 lớp giáo dục công dân; 262 lớp dạy văn hóa và xóa mù chữ cho 3.599 phạm nhân; 695 lớp tuyên truyền phòng, chống tác hại của ma túy, lây nhiễm HIV/AIDS.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long
Tại Hà Nội, trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy trong các trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội, các cơ sở cai nghiện đã được TP Hà Nội quan tâm triển khai. Nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống ma túy đã được Sở Tư pháp phối hợp với Sở LĐTB&XH, các cơ sở cai nghiện, các trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội triển khai.
Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Hồ Xuân Hương - Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP, công tác phổ biến những kiến thức pháp luật về phòng, chống ma túy nhằm nâng cao nhận thức của học viên tại các cơ sở cai nghiện về hậu quả, tác hại của ma túy, hạn chế tái nghiện khi trở về cộng đồng và góp phần giảm thiểu tệ nạn này trên địa bàn TP. Để công tác phòng, chống ma túy đạt hiệu quả, cần có sự chung tay của các cấp, ngành, cộng đồng xã hội, trong đó có công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP cũng đã tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho các đối tượng này.
Tại quận Hoàn Kiếm, từ tháng 4/2019, UBND quận đã ra mắt “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy” tại cộng đồng - mô hình thí điểm đầu tiên tại Hà Nội. Đây là hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện nâng cao nhận thức, cung cấp dịch vụ toàn diện cho người nghiện ma túy tham gia điều trị và phòng chống tái nghiện. Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy nhằm giúp đỡ người nghiện tiếp cận với các dịch vụ tư vấn sức khỏe, tư vấn pháp luật, giới thiệu việc làm, dạy nghề, học nghề.
Đồng thời, tham gia kết nối chuyển gửi người nghiện ma túy đến các cơ sở cai nghiện ma túy của TP, bệnh viện tâm thần để thực hiện các biện pháp y tế nhằm giúp phục hồi sức khỏe, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng và ngăn ngừa các hậu quả do tệ nạn ma túy gây ra. Mô hình đã gắn kết trách nhiệm của đoàn thể, gia đình, cá nhân trong việc quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người cai nghiện và sau cai tái hòa nhập cộng đồng.