Sáng nay (20/10), UBND TP Hà Nội tổ chức Hội thảo “Cải cách hành chính qua các thời kỳ - Những giá trị cốt lõi và vận dụng sáng tạo trong cải các hành chính của TP Hà Nội”, do Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu chủ trì.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại Hội thảo |
Phát biểu tại đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu khẳng định: Liên tục 3 năm 2017-2019, công tác CCHC của TP Hà Nội nằm ở vị trí top đầu của cả nước; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã xếp thứ 9/63 tỉnh/TP, tăng 15 bậc; có chất lượng điều hành kinh tế ngày càng được nâng lên. 4 năm liền, Hà Nội tổ chức được Diễn đàn Đầu tư và Phát triển, kể cả trong tình hình Covid-19 tháng 6 vừa qua với sự có tham dự của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức, DN đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc TP (SIPAS) tiếp tục đạt trên 80% và hoàn thành sớm hơn 2 năm so với Nghị quyết của Chính phủ. Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong đã vận hành chính thức hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp, có tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 97%… Những kết quả đó vừa là sự động viên, khích lệ vừa là sự ghi nhận, đánh giá cao của Chính phủ cũng như các bộ ngành T.Ư, các cơ quan thuộc các bộ ngành đóng trên địa bàn TP về nền hành chính Thủ đô, nhất là trong giai đoạn ứng dụng CNTT vào quản lý nhà nước ngày càng được chú trọng, Chính phủ điện tử hướng tới xây dựng Chính phủ số và Thành phố thông minh.
“Hà Nội có 8,2 triệu dân nhưng thực tế có hơn 10 triệu người đang sinh sống, nên làm sao để điều hành, xây dựng một Thành phố thông minh, Thành phố sáng tạo là một mục tiêu mà để đạt được rất vất vả, khó khăn, cần rất nhiều điều kiện, trong đó yêu cầu của công cuộc CCHC đặt ra rất cấp thiết. Hội thảo này mong có sự đóng góp của đông đảo nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý điều hành thực tiễn, đại diện các ngành các cấp của TP, các bộ ban ngành, đơn vị T.Ư đóng trên địa bàn TP với những ý kiến quý báu xuất phát từ thực tiễn và rất khách quan, để làm sao công cuộc CCHC của Hà Nội sẽ phát triển tốt hơn”- ông Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Sở Nội vụ, với thành tựu đạt được trong công cuộc CCHC của đất nước nói chung, Hà Nội với vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, TP đã quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng; chương trình, kế hoạch của Chính phủ để cụ thể hóa và sáng tạo vào đặc thù Thủ đô thành các chủ trương, quyết sách của Hà Nội thực hiện CCHC có chất lượng, hiệu quả. CCHC được tiến hành từng bước, vững chắc, có trọng tâm, trọng điểm, chọn các khâu đột phá của từng giai đoạn trong quá trình đổi mới, và đã đạt được kết quả nổi bật. Trong đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của TP có nhiều đổi mới theo hướng “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả”, “một người, một việc, một đầu mối xuyên suốt”; các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền TP được cải thiện qua các năm và có chuyển biến rõ rệt: Chỉ số CCHC cấp tỉnh (PAR INDEX) liên tiếp xếp thứ hạng rất cao xếp thứ 2/63 tỉnh/TP (trong 3 năm 2017, 2018, 2019) so với năm 2015 xếp thứ 9/63; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018, 2019 xếp thứ 9/63 tỉnh/TP, tăng 15 bậc so với năm 2015, tăng 42 bậc so với năm 2012 (thuộc top 10 tỉnh/TP có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất). Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về Chỉ số phát triển công nghiệp CNTT, đứng đầu toàn quốc về số lượng hồ sơ giao dịch qua mạng. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc TP (SIPAS) tiếp tục đạt trên 80%, đạt mục tiêu Nghị quyết 30c-NQ/CP của Chính phủ đề ra.
Quang cảnh Hội thảo |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác CCHC còn có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của Thủ đô. Đó là Chỉ số Hiệu quả và quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của TP đang đứng ở vị trí thấp; Chỉ số SIPAS tuy đã đạt mục tiêu Nghị quyết 30c-NQ/CP đề ra (đạt trên 80%) nhưng còn thấp hơn so với mức trung bình chung cả nước. Chất lượng đội ngũ CBCC chưa đồng đều; một số CBCC vi phạm nội quy, quy chế, quy tắc ứng xử của CBCC; thiếu chuẩn mực trong giao tiếp, gây bức xúc cho Nhân dân. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tuy bước đầu có kết quả nhưng hiệu quả còn chưa cao. Cơ sở pháp lý cho việc xây dựng Chính quyền điện tử, Thành phố thông minh còn thiếu, đặc biệt là các quy định về cơ cấu tổ chức, quy chế hoạt động, vận hành của các cơ quan, đơn vị.
“Hội thảo này thu hút được sự quan tâm tham dự của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn và các cơ quan báo chí, là cơ hội để các cấp, ngành, các cơ quan, đơn vị của TP cùng với các nhà khoa học, chuyên gia về CCHC trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận các giải pháp để tiếp tục vận dụng linh hoạt, sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả công tác CCHC của Hà Nội trong thời gian tới. Ban Tổ chức mong muốn thông qua các tham luận tại đây để xây dựng được báo cáo, đưa ra những kiến nghị, định hướng và đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác CCHC báo cáo Thành ủy, HĐND, UBND TP để chỉ đạo, điều hành” - bà Vũ Thu Hà khẳng định.
Hội thảo đã nhận được sự tham luận đóng góp ý kiến sôi nổi của nhiều chuyên gia, nhà khoa học… đề xuất những giải pháp hay nhằm vận dụng sáng tạo vào thực tiễn công tác CCHC ở Thủ đô, giúp nâng cao hiệu quả trong thời gian tới, như: Quá trình thực hiện CCHC của TP Hà Nội; phân tích cụ thể những thành quả đã đạt được, sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào đặc thù Thủ đô thành các chủ trương, quyết sách, các mô hình thí điểm của TP; những tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện; định hướng công tác CCHC trong giai đoạn tới của TP…