Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình gặp gỡ ngư dân Quảng Bình

D. Tiêu (TH)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Bài học lớn của chúng ta là không vì sự phát triển nóng mà hy sinh môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định tại buổi gặp gỡ với bà con ngư dân tại Quảng Bình.

Chiều 30/10, đồng chí Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và đoàn công tác đã tiếp xúc, gặp gỡ với bà con ngư dân tại xã Cảnh Dương, giáo xứ Xuân Hoà và một số gia đình ngư dân tại huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Xã Cảnh Dương là địa phương vùng biển thuần ngư với 2.130 hộ, 8.650 nhân khẩu, trong đó có trên 80% người dân chủ yếu sống bằng nghề khai thác, đánh bắt thủy hải sản. Hiện nay, toàn xã có 744 tàu thuyền, trong đó có 120 tàu thuyền tham gia khai thác tại vùng biển xa và 243 tàu thuyền đánh bắt xa bờ, số còn lại đánh bắt thủy sản gần bờ.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình gặp gỡ người dân xã Cảnh Dương. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Nhờ biết phát huy tiềm năng, thế mạnh của kinh tế biển nên Cảnh Dương là một trong những địa phương có đời sống ổn định với thu nhập bình quân năm 2015 đạt trên 24,5 triệu đồng/người/năm và đây cũng là một trong những địa phương dẫn đầu trong toàn tỉnh trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên sự cố môi trường biển đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đời sống, vật chất, tinh thần của người dân.
Để kịp thời ổn định tình hình đời sống và sản xuất của nhân dân ngay sau khi có hướng dẫn kê khai xác định thiệt hại do sự cố môi trường biển của cấp trên và thực hiện Quyết định 1880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ xã Cảnh Dương đã tiến hành trình tự các bước theo đúng quy định, hướng dẫn. Quá trình triển khai thực hiện Quyết định 1880 của Thủ tướng Chính phủ, người dân xã Cảnh Dương đã có những đề xuất, kiến nghị cụ thể như: Mức bồi thường thiệt hại đối với nhóm tàu có công suất từ 90 CV đến dưới 250 CV chênh lệch quá thấp so với tàu lắp máy có công suất từ 50 đến dưới 90 CV.
Về vấn đề này, người dân kiến nghị được hưởng mức đền bù chứ không phải là hỗ trợ giá đối với tàu cá có công suất từ 90 CV đến dưới 400 CV. Riêng đối với tàu có công suất dưới 90 CV thì việc bồi thường thiệt hại ở một mức như nhau.
Bên cạnh đó, nhân dân xã Cảnh Dương cũng đã phản ánh những bất cập trong việc áp giá bồi thường thiệt hại đối với tàu thuyền lắp máy khai thác hải sản vùng lộng ven bờ; đối với nhóm nghề được kê khai về lao động mất việc làm trực tiếp và gián tiếp; nhóm đối tượng gián tiếp dịch vụ hậu cần nghề cá; dịch vụ du lịch, thương mại ven biển; chính sách ngân hàng và một số đề xuất, kiến nghị khác.
au khi lắng nghe ý kiến của bà con ngư dân và lãnh đạo các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình chia sẻ với những ý kiến, nguyện vọng của bà con đối với sự cố môi trường biển vừa qua. Sau sự cố, cả hệ thống chính trị vào cuộc chăm lo, hỗ trợ cuộc sống cho bà con từng bước vượt qua khó khăn, ổn định đời sống.
Khi phát hiện sự cố, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học quyết liệt vào cuộc tìm nguyên nhân, thu thập đầy đủ dữ liệu, trưng cầu giám định và mời các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia phân tích kỹ lưỡng. Sau khi có kết luận rõ ràng Công ty Formosa đã thừa nhận, xin lỗi, bồi thường và cam kết không tái phạm.
“Chúng ta kiểm soát chặt chẽ hoạt động của Formosa trong quá trình sản xuất, nếu vi phạm sẽ khởi tố, và đình chỉ hoạt động nếu Formosa vẫn tái phạm. Bài học lớn của chúng ta là không vì sự phát triển nóng mà hy sinh môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Về những ý kiến của ngư dân đối với việc bồi thường, hỗ trợ chưa thoả đáng, chưa công bằng và hợp lý, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành sẽ tiếp thu nghiêm túc, nghiên cứu và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cho đúng đối tượng. Qua đó, bà con tiếp tục vươn khơi để đánh bắt hải sản cũng như bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.