Tự chủ đại học là một quá trình chuyển đổi
Với vụ việc tại trường Đại học Tôn Đức Thắng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Tự chủ đại học không có nghĩa là không có quản lý", và cho biết, Chính phủ, Thủ tướng rất cẩn trọng với yêu cầu phải theo đúng các quy định của pháp luật. Tinh thần là Chính phủ, Thủ tướng sẽ rất công minh và ủng hộ tự chủ đại học, tạo điều kiện cho trường phát triển.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Đoàn tỉnh Phú Yên), đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn TP Hà Nội) về vấn đề tự chủ đại học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết chúng ta đã thực hiện tự chủ đại học nhưng mới được một số bước, vừa qua đã có kết quả rất tốt nhưng còn phải thực hiện tiếp tục. Đây là một quá trình.
Phó Thủ tướng cho biết, đối với tự chủ đại học có 5 điểm mang tính nguyên tắc trên toàn thế giới và một điểm cũng có tính nguyên tắc cho Việt Nam và một số nước có hoàn cảnh tương tự, chúng ta phải quán triệt, hiểu thông suốt và phải luật hóa, thực hiện trong chỉ đạo, điều hành.
Thứ nhất, đại học không chỉ là nơi làm ra tri thức mà là nơi làm việc, sinh hoạt của trí thức có mặt bằng nhận thức xã hội cao hơn mức bình thường. Cả thế giới coi đại học phải xây dựng mô hình quản trị tiên tiến, từ đó lan tỏa ra toàn xã hội, đảm bảo tính dân chủ, tính sáng tạo, tính khoa học.
Thứ hai, đại học đã tự chủ luôn gắn với trách nhiệm giải trình. Mọi hoạt động của cơ sở giáo dục đại học phải được thực hiện theo pháp luật, theo những quy chế công khai cho toàn xã hội giám sát rất chi tiết.
Thứ ba, tự chủ đại học không có nghĩa là nhà nước không đầu tư tiền nữa. Ở tất cả các nước, các trường đại học tự chủ nhà nước vẫn phải tiếp tục đầu tư không chỉ đặt hàng đào tạo, cấp học bổng mà còn xây dựng cơ sở vật chất.
Thứ tư, tự chủ đại học không có nghĩa là không có quản lý mà phải quản lý theo pháp luật, không chỉ riêng về lĩnh vực giáo dục.
Thứ năm, thực hiện tự chủ nhưng phải có cơ chế để đảm bảo các đối tượng như người nghèo, khuyết tật, hay một số đối tượng đặc thù không bị giảm bớt cơ hội tiếp cận giáo dục đại hộc, nhất là đại học chất lượng cao. Việt này Việt Nam chú trọng hơn các nước.
Thứ sáu, đối với những nước có nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam thì khái niệm chủ sở hữu của đại học cũng thay đổi vì đóng góp vào trường đại học không chỉ là tiền, cơ sở vật chất mà còn là trí tuệ, đóng góp học phí của người dân và vì thế về lâu dài khái niệm chủ sở hữu trường đại học không đơn thuần của một cơ quan, tổ chức nào mà của toàn xã hội.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Minh Ánh về có nên bỏ cơ quan chủ quản trường đại học không, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết thực ra trong luật pháp của nước ta không có khái niệm cơ quan chủ quản mà chỉ còn khái niệm cơ quan quản lý và cơ quan chủ sở hữu. Hiện nay cơ quan quản lý chủ yếu sẽ quản lý về công tác cán bộ, và theo các quy định của Đảng.
Với 6 điểm mang tính nguyên tắc trên, việc thực hiện tự chủ đại học vẫn còn những bất cập. Cí dụ, về kinh tế vẫn còn vướng mắc rất nhiều như việc thu tiền tài trợ, học phí và chi học phí vẫn bị coi như ngân sách nhà nước, thủ tục còn vướng mắc. Hay câu chuyện tuổi giữ chức vụ của cán bộ trong trường đại học cũng liên quan đến các quy định pháp luật, các quy định của Đảng. Hay về mặt quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT còn câu chuyện khi trường đại học mở ngành mới vẫn còn các quy định ràng buộc về tỷ lệ giáo viên, tiến sỹ, giáo sư. Những điểm này dần dần chúng ta phải điều chỉnh.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trước mắt có hai việc rất quan trọng để thực hiện tự chủ đại học đúng hướng và đúng quy luật. Tất cả các trường đại học phải kiện toàn, thành lập mới hội đồng trường với tư cách là cơ quan thực quyền chứ không phải có tính hình thức. Tất cả các trường đại học đều phải xây dựng quy chế điều hành, tổ chức, hoạt động nội bộ, tài chính nội bộ tỉ mỉ, chi tiết theo quy định của pháp luật, công khai cho toàn dân biết và giám sát.
“Tự chủ đại học là một quá trình chuyển đổi, có nhiều điểm chưa có tiền lệ thì khi xử lý chúng ta hết sức bình tĩnh và xu hướng phải ủng hộ”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Về vấn đề của Trường đại học Tôn Đức Thắng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết đã trao đổi thẳng thắn với Bộ Tư pháp nhiều lần và khi chưa rõ ràng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn luôn hết sức trách nhiệm, không hề lơ là nhưng phải rất cẩn trọng, đúng quy định. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lập một đoàn công tác, có sự tham gia của Bộ Tư pháp, vào xem xét, phân tích, báo cáo về Trường đại học Tôn Đức Thắng. Tinh thần là Chính phủ rất công minh, ủng hộ tự chủ, tạo điều kiện cho trường phát triển.
Khoảng 600.000 người nghỉ hưu trước năm 1993
Trả lời câu hỏi đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn TP Hồ Chí Minh) về lương hưu cho những người nghỉ hưu trước năm 1993, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ hết sức đồng cảm về mặt tình cảm và hết sức quyết tâm. Do phân công công tác, trước đây Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam không tham gia Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) và ưu đãi người có công, nhưng theo dõi ngành lao động nhiều năm thì vấn đề này được nhiều đại biểu Quốc hội, nhân dân, các cán bộ lão thành nêu.
Tháng 2/2020 có sự thay đổi phân công trong thường trực Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham gia vào ban chỉ đạo và được Thủ tướng giao nhiệm vụ làm Phó Trưởng ban thường trực giúp Thủ tướng. Tại phiên họp sau đó 1 tháng, Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công đã đưa ra nhiều nội dung, trong đó có nội dung về lương hưu cho những người nghỉ hưu trước năm 1993.
Chúng ta có khoảng 600.000 người nghỉ hưu trước năm 1993, và còn 400.000 người nghỉ hưu ở những thời điểm khác nhau nhưng lương rất thấp, dưới 3 triệu đồng/tháng, trong đó có những trường hợp như công nhân cao su chỉ 1 triệu đồng/tháng.
Bộ LĐTBXH đã tính toán phương án làm sao để có khoản bù thêm, theo quy định do ngân sách nhà nước đảm bảo chứ không phải do BHXH và đã tính ra trong 400.000 đối tượng với mức bù khoảng 500.000 đồng/người/tháng thì mất khoảng 2.400 tỷ đồng/năm, tuy nhiên, việc này phải tính trong đồng bộ.
Sau đó do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ảnh hưởng đến nguồn thu cho nên các cơ quan có thẩm quyền cấp trên đã quyết định lùi thời ddiemr thực hiện chính sách cải cách lương đi kèm với nó là BHXH, chính sách người có công và kể cả áp dụng tiêu chuẩn nghèo mới đa chiều thay vì đầu năm 2021 sang 1/7/2022. Riêng đối với những người nghỉ hưu trước năm 1993, thu nhập thấp, Bộ LĐTBXH sẽ báo cáo với Thủ tướng và sẽ bàn.
BHYT không thể thanh toán tất cả các loại thuốc
Về câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (tỉnh Kiên Giang), Phó Thủ tướng Vũ Đam cho rằng đúng là có rất nhiều ý kiến phản ánh các bệnh nhân chữa bằng bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng vẫn phải ra hiệu thuốc mua theo đơn của bác sĩ điều trị.
Để khắc phục triệt để tình trạng này cần phải nhìn nhận đúng nguyên nhân, và theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, nhiều ý kiến, kể cả các bác sĩ, nói rằng chính sách thanh toán của BHYT không phù hợp. Điều đó đúng sự thực nhưng có căn nguyên. Hiện nay, mệnh giá một người đóng trung bình BHYT, có tăng lên nhưng mới đạt 1,1 triệu đồng/người/năm, so với các nước trong khu vực như Philippines chúng ta chỉ bằng 1/3, so với Thái Lan chỉ bằng 1/4.
Trong khi giá thuốc, chúng ta sản xuất được nhiều thuốc nhưng hơn 90% nguyên liệu vẫn phải nhập từ nước ngoài nên giá thuốc theo mặt bằng quốc tế. Chúng ta đã cố gắng giảm giá thuốc rẻ hơn các nước trong ASEAN nhưng cũng chỉ rẻ hơn 10-15%, vì vậy, BHYT không thể thanh toán tất cả các loại thuốc, mà thường xu thế chỉ thanh toán những loại thuốc tạm gọi là thông thuồng, còn những loại thuốc đắt tiền, thuốc phát minh (thường gọi là biệt dược gốc), nhiều loại người bệnh phải bỏ tiền túi. Hiện nay, hàng năm chúng ta chỉ phí khoảng 120.000 tỷ đồng tiền thuốc thì BHYT thanh toán khoảng 36-37%.
"Để khắc phục vấn đề này, chúng ta phải duy trì, tăng tỷ lệ bao phủ BHYT, hiện là 90,7%, và phải tăng mệnh giá. Muốn vậy, thu nhập người dân phải tăng lên, phần ngân sách nhà nước hỗ trợ cũng phải có nguồn thu nhiều hơn. Đây là một quá trình dài hơi, liên tục, chúng ta phải tiếp tục cố gắng." - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Nguyên nhân thứ hai, rất nhiều bệnh nhân phản ánh và đánh giá rằng do có tiêu cực, sự móc nối giữa bác sĩ điều trị và các trình dược viên, các công ty thuốc, nhà thuốc, kê đơn ra để ăn hoa hồng. Việc này trong nhiều năm ngành y tế đã chỉ đạo rất quyết liệt và có thể nói rằng có hiện tượng đó nhưng không phải là tất cả. Để khắc phục nguyên nhân nầy chỉ cso một cách là công khai, minh bạch hết bằng công nghệ thông tin. Chúng ta có đến hơn 20.000 loại thuốc và dịch vụ, hành triệu lượt khám, chữa bệnh một năm thì không thể nào kiểm soát được nếu không tin học hóa. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế, những năm vừa rồi đã làm rất tốt.
Trong thời gian được phân công trực tiếp điều hành Bộ Y tế, cùng với việc chỉ đạo chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo Bộ Y tế cũng đã tập trung quyết liệt thực hiện tin học hóa để đẩy nhanh hơn tiến độ rất nhiều lần. Một số việc đã hoàn thành như cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp 4, nền tảng khám chữa bệnh từ xa, từng bước công bố tất cả những thông tin liên quan đến quản lý ngành y tế,… Tới đây Bộ Y tế sẽ kết nối toàn bộ hệ thống quản lý của các cơ sở y tế, nhà thuốc, làm hóa đơn điện tử, bệnh án điện tử thì mới kiểm soát tốt. Chúng ta cũng phải đẩy mạnh liên thông xét nghiệm để giảm lãng phí.