Ban Bí thư, Chính phủ chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch nCoV, tránh để dịch lây lan trong cộng đồng. Các bộ, ngành, UBND các địa phương cũng rốt ráo, chung tay cùng ngành y tế trong công cuộc chiến đầy cam go này. Tất cả các tuyến y tế chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng nhân lực, vật lực, các bệnh viện dã chiến… nhằm phòng, chống dịch ở mức cao nhất.
Cách ly ngay từ đầu vào
Tại các địa phương có đường biên giới giáp với Trung Quốc ở tất cả các cửa khẩu đã ngày đêm thực hiện các biện pháp kiểm dịch, kiểm tra xuất nhập cảnh, đặc biệt các cửa lớn như: Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), Cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), Cửa khẩu Hà Khẩu (Lào Cai)… đã thành lập các phòng cách ly tại trận.
Khu vực cách ly nhằm theo dõi, điều trị các bệnh nhân nghi nhiễm và các bệnh nhân dương tính với virus corona tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2. Ảnh: Phạm Hùng |
Tỉnh Lạng Sơn đã chuẩn bị 3 khu vực cách ly đón công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc. 3 khu này sẽ thực hiện thu dung đối với 100% người Việt Nam trở về từ Trung Quốc để cách ly, theo dõi sức khỏe trong 14 ngày, bảo đảm tốt cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Dự kiến 3 khu vực có khả năng tiếp nhận khoảng 900 người để thực hiện cách ly; trong đó, Trung đoàn 123 tiếp nhận được 450 người, Tiểu đoàn Bộ binh 1 bố trí tiếp nhận được 420 - 450 người, Bệnh xá quân - dân y 24 thực hiện khám sàng lọc, cách ly.
Tỉnh Lào Cai cũng đã chuẩn bị các điều kiện, cơ sở vật chất và máy móc để kiểm tra y tế, tiếp nhận công dân Việt Nam từ Trung Quốc trở về qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Trong quá trình kiểm tra y tế, nếu công dân nào có dấu hiệu sốt hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV sẽ được đưa về Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh, BV sản nhi tỉnh và khu vực tại trụ sở cũ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS (phường Bình Minh, TP Lào Cai). Trường Quân sự tỉnh, nơi được sử dụng để cách ly công dân, hiện có 246 giường để ở ngay và có khả năng bố trí bổ sung giường vào các khu nhà lên đến 1.050 giường.
Thượng tướng Trần Đơn - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, quân đội sẽ làm hết sức mình, với tinh thần tất cả vì sức khỏe của đồng bào. Hiện toàn quân đã chuẩn bị sẵn sàng hàng vạn chỗ ở trong doanh trại, khi bà con từ vùng dịch về nước sẽ được tiếp đón chu đáo. Đồng thời, quân đội sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành y tế và các cơ quan liên quan để theo dõi, chăm sóc sức khỏe, tiến hành khám sàng lọc nhằm sớm phát hiện những người mắc bệnh để tổ chức điều trị theo quy định, còn những người không mắc bệnh thì sớm được về với gia đình.
Hệ thống điều trị đã sẵn sàng
Còn tại Hà Nội, công tác chuẩn bị nếu phải “đón” bệnh nhân nCoV cũng chưa bao giờ khẩn trương, tích cực đến vậy.
BV Bệnh nhiệt đới T.Ư có khả năng điều trị 1.000 người, trong đó 600 người giám sát, 400 ca điều trị và khoảng 50 giường điều trị tích cực và sẵn sàng cho BV dã chiến khi cần huy động. TS Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết, BV huy động tất cả cán bộ y tế tham gia công tác chống dịch nCoV, trong đó có 60 cán bộ trực tiếp chăm sóc, điều trị người dương tính và theo dõi giám sát người nghi ngờ. BV thành lập 2 đội cấp cứu cơ động sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới.
BV Phổi T.Ư - đơn vị đầu ngành về bệnh phổi đã triển khai mọi mặt để ứng phó với dịch bệnh nCoV. BV đã thành lập 2 đội cơ động thường trực sẵn sàng phản ứng nhanh với tình hình dịch bệnh, trang bị đầy đủ trang thiết bị để hỗ trợ ngoại tuyến khi có điều động.
Phòng khám sàng lọc và buồng bệnh cách ly cũng được thiết lập với đầy đủ các trang thiết bị cần thiết. Công tác phân loại được phân công hướng dẫn giao việc chi tiết, người bệnh có nghi ngờ viêm phổi cấp do virus nCoV diễn biến nặng hoặc đã xác định dương tính với nCoV sẽ được chuyển đến BV Nhiệt đới T.Ư theo quy định.
BV Nhi T.Ư cũng đã lên phương án về trang thiết bị, cơ số thuốc phù hợp với từng tình huống dịch bệnh cụ thể. Lãnh đạo BV quán triệt các khoa, phòng liên quan phải tuân thủ tuyệt đối việc phân luồng, cách ly và điều trị, trong đó đặc biệt là chống lây nhiễm chéo, để hạn chế thấp nhất lây lan dịch bệnh.
Bên cạnh đó, BV Nhi T.Ư đã thành lập 2 đội chống dịch cơ động, mỗi đội 8 người (nhiều hơn so với hướng dẫn của Bộ Y tế), gồm 3 bác sĩ về cấp cứu, hồi sức và truyền nhiễm và 3 diều dưỡng, 1 lái xe, 1 chuyên gia về kiểm soát nhiễm khuẩn.
Tại Hà Nội, trong thời gian tới có thể sẽ có hai tình huống tiếp theo với bệnh dịch này. Đó là tình huống tiếp tục xuất hiện các trường hợp bệnh xâm nhập vào TP, tình huống còn lại là khi dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Với nguy cơ này, TP sẽ phải đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời và triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lan rộng trong cộng đồng, hạn chế tử vong. Khi bệnh dịch nCoV trên địa bàn Hà Nội ở cấp độ 4 - lan rộng trong cộng đồng với 1.000 người bị lây nhiễm (cấp độ cao nhất theo kế hoạch phòng, chống dịch nCoV của Hà Nội) sẽ tổ chức bệnh viện truyền nhiễm dã chiến để cách ly người về từ vùng có dịch.
Đáp ứng chuẩn xét nghiệm
Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư hiện sẵn sàng ứng phó, đáp ứng xét nghiệm nCoV với 28 tỉnh phía Bắc. Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp do nCoV các tỉnh khu vực phía Bắc sẽ gửi mẫu bệnh phẩm tới Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư.
TS.BS. Hoàng Vũ Mai Phương - Trưởng khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, các phòng xét nghiệm của Viện đầy đủ trang thiết bị hiện đại về sinh học phân tử, máy móc, con người, chuyên gia… để tiếp nhận sớm các mẫu bệnh phẩm nghi ngờ để xét nghiệm chẩn đoán sớm bệnh.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh viêm đường hô hấp do nCoV, Viện đã gấp rút liên hệ với trung tâm nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford và phòng thí nghiệm của Berlin để có được bộ mồi chẩn đoán chuẩn. Mồi chẩn đoán là bản đồ gen một phần của virus đặc hiệu để bắt cặp với vật liệu di truyền virus để xác nhận được bệnh.
Đến nay, Việt Nam đã có mồi đặc hiệu được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thẩm định, sau đó áp dụng kỹ thuật Realtime RT – PCR (kỹ thuật phân học phân tử) cho kết quả rất chính xác và nhanh chóng, rút ngắn được thời gian xét nghiệm xuống 24 giờ thay vì 7-10 ngày như trước đây.
Hiện nay, mỗi ngày Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư tiếp nhận rất nhiều các mẫu bệnh phẩm, có ngày lên tới 70 mẫu bệnh phẩm/ngày. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo Viện cũng đã huy động toàn bộ lực lượng của Viện luôn sẵn sàng đáp ứng về công tác xét nghiệm, bảo đảm kết quả xét nghiệm sớm nhất có thể.
Phía Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, đã yêu cầu Giám đốc các BV trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, TP và Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành tiếp tục thực hiện việc lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển bệnh phẩm theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời sử dụng các loại sinh phẩm xét nghiệm bằng kỹ thuật real-time RT PCR để sẵn sàng thực hiện xét nghiệm nCoV tùy theo diễn biến của dịch bệnh.
Tại Hà Nội, trong thời gian tới có thể sẽ có hai tình huống tiếp theo với bệnh dịch này. Đó là tình huống tiếp tục xuất hiện các trường hợp bệnh xâm nhập vào TP, tình huống còn lại là khi dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Với nguy cơ này, TP sẽ phải đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời và triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lan rộng trong cộng đồng, hạn chế tử vong. |