Cuộc chiến chống dịch lần này sẽ đối mặt với nhiều cam go, gian khổ. Giải pháp cấp bách hiện nay là vừa phòng ngự, vừa tấn công, thần tốc truy vết, khoanh vùng dập dịch bên trong và chặn dịch từ bên ngoài.
Điều đáng lo ngại, bệnh nhân, người nhà người bệnh đều đã tỏa đi khắp các tỉnh, thành, hiện các địa phương đang điều tra, truy vết. Theo báo cáo ban đầu của 15 tỉnh, thành đã ghi nhận những ca bệnh liên quan đến ổ dịch này như Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hòa Bình, Hải Dương… Dự báo, số ca nhiễm trong cộng đồng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Hiện các địa phương đang tăng cường truy vết F1, F2 để xét nghiệm và thực hiện cách ly.
Không chỉ riêng ổ dịch tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, mà trong những ngày gần đây, nhiều ca bệnh trong cộng đồng được ghi nhận tại các địa phương cũng chưa rõ nguồn lây. Theo ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc CDC Hà Nội, việc không tìm được nguồn lây, công tác truy vết sẽ gặp vô cùng khó khăn. Các ca bệnh có thể rải rác trong cộng đồng, khiến dịch lây lan, khó kiểm soát.
Đặc biệt, hiện nay, dịch sẽ khó lường hơn do xuất hiện biến chủng của Ấn Độ. Các chuyên gia y tế cho rằng, biến chủng SARS-CoV-2 xuất hiện tại Việt Nam là tất yếu song tình hình dịch sẽ chuyển biến phức tạp hơn. Cụ thể, mới đây, kết quả giải trình tự gene của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho thấy, tất cả chuyên gia Ấn Độ, một lễ tân tại Khách sạn Như Nguyệt 2 (Yên Bái), nhóm nhân viên quán bar Sunny (Vĩnh Phúc) nhiễm biến chủng B.1.617.2.
Ngoài ra, các chuyên gia còn lấy 6 mẫu ở Hà Nam, 2 mẫu ở Hưng Yên, 2 mẫu ở Hà Tĩnh (bệnh nhân mắc Covid-19 từ Lào sang Việt Nam qua đường bộ) đều cho kết quả thuộc chủng B.1.1.7 - biến chủng của Anh.
Theo các chuyên gia dịch tễ, tương tự các loại virus gây bệnh truyền nhiễm, do bản năng sinh tồn, SARS-CoV-2 biến chủng và thay đổi liên tục để thích nghi. Sau hơn 1 năm xuất hiện, virus lây lan khắp thế giới và biến chủng liên tục. Hiện chưa có nhiều bằng chứng cho thấy biến chủng này khiến tỷ lệ tử vong tại Ấn Độ tăng cao nhưng không thể chủ quan. Trước mắt, các biến chủng virus được ghi nhận đều có tốc độ lây lan rất nhanh, gây bùng phát dịch nếu không có biện pháp ngăn chặn tốt.
PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, bài học từ thảm kịch ở Ấn Độ buộc chúng ta không được chủ quan trước dịch Covid-19 và biến chủng B.1.617.2. Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong việc phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị Covid-19. Nhưng nếu dịch bùng phát trên toàn quốc, ngành y tế dễ bị vỡ trận.
Thần tốc truy vết, khoanh vùng, dập dịchTrước tình trạng rất khẩn cấp hiện nay, ngày 6/5, Sở Y tế Hà Nội đã có công văn khẩn gửi Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã đề nghị khẩn trương rà soát lập danh sách toàn bộ những người đã đến BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 từ ngày 14/4 - 5/5 để lấy mẫu xét nghiệm. Tất cả những trường hợp này phải cách ly tại nhà đủ 21 ngày kể từ ngày cuối cùng đến ở BV, sau đó tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú thêm 7 ngày. Đối với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở hoặc có các triệu chứng nghi nghờ nhiễm Covid-19 thì phải được chuyển ngay đến các cơ sở y tế để được cách ly, điều trị kịp thời.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai mở rộng điều tra dịch tễ, lập danh sách tất cả những người tiếp xúc gần và có liên quan với bệnh nhân, thực hiện thần tốc truy vết, cách ly y tế. Đồng thời, các địa phương tiến hành ngay việc xử lý, phun khử trùng triệt để môi trường tại nơi bệnh nhân thường trú; các địa điểm bệnh nhân đã từng đến, ở; các phương tiện vận chuyển và các khu vực có liên quan khác theo đúng quy định tại hướng dẫn giám sát và phòng, chống dịch Covid-19.
Hiện các địa phương đang khẩn trương chuẩn bị, bố trí khu cách ly tập trung để sẵn sàng sử dụng. Với các tỉnh, thành phố có hành khách đi trên các phương tiện, chuyến bay, các địa điểm có liên quan đến bệnh nhân hiện đều đang thần tốc truy vết, tiến hành cách ly tập trung ngay tất cả các trường hợp tiếp xúc gần (Fl) và xét nghiệm virus SARS-CoV-2.
Chủ động, quyết liệt nhưng không hoang mangPGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, cho tới thời điểm này, con đường của SARS-CoV-2 vẫn chủ yếu được ghi nhận qua hô hấp. Do đó, dù là biến chủng nào, khi phát tán trong cộng đồng, giải pháp phòng tránh vẫn không thay đổi. Biện pháp bảo vệ đơn giản và hiệu quả nhất là đeo khẩu trang, rửa tay và hạn chế tiếp xúc gần, không tập trung đông người và tiêm vaccine càng bao phủ càng tốt. "Mong mọi người đừng quá hoang mang và cũng không chủ quan khi có thông tin về biến chủng mới ở Việt Nam. Hiện ổ dịch tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương chưa giải trình tự gene để xác định chủng virus, tuy nhiên dịch đã lây nhiều địa phương trên cả nước. Ngay lúc này, ý thức của mỗi người rất quan trọng. Chủ động khai báo y tế, ghi lại lịch trình di chuyển và tuân thủ tuyệt đối thông điệp 5K” - PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên quá lo lắng về tình hình dịch Covid-19 bởi ngay lúc này, mọi biện pháp phòng, chống Covid-19 được triển khai đồng bộ, quyết liệt với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Song, người dân cần có ý thức bảo vệ chính mình, cũng là bảo vệ cho người thân và cộng đồng. Hãy thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2021, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì ngày 5/5, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta phải có cách tiếp cận mới, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo mới, tạo cơ sở cho tổ chức thực hiện với tinh thần "chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công". Cùng với việc quán triệt nghiêm các chỉ đạo, Thủ tướng cho rằng phải chống 2 khuynh hướng, một là lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và hai là hoảng sợ, hoang mang, dao động, hoặc cực đoan. Vì vậy, phải tỉnh táo, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành, xử lý tình huống dựa trên thực tiễn.