Phòng ngừa, cấm các hành vi tra tấn

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định cụ thể về 35 chức danh có thẩm quyền quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính và nơi tạm giữ người theo thủ tục hành chính...

Để phòng ngừa hành vi tra tấn, Việt Nam thực hiện các biện pháp lập pháp như sau: Quy định quyền không bị tra tấn trong Hiến pháp (Điều 20 Hiến pháp năm 2013); Thực hiện cụ thể hóa quy định về cấm tra tấn tại Điều 20 Hiến pháp năm 2013 và nội luật hóa nội dung của Công ước chống tra tấn vào hệ thống pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, thi hành án hình sự, tổ chức điều tra hình sự, hành chính... và các văn bản pháp luật về bảo vệ quyền con người; Tiếp tục nghiên cứu, tham gia các điều ước khác về quyền con người và Quy định nhiều biện pháp mới nhằm phòng ngừa hành vi phạm tội của nhân viên công vụ, trong đó có hành vi tra tấn.

Quá trình hoàn thiện các quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, thi hành án hình sự, tổ chức điều tra hình sự, hành chính... Quốc hội đã bổ sung nhiều quy định mới để phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật của nhân viên công vụ như:

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can (Điều 183) và có thể ghi âm, ghi hình có âm thanh khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (Điều 146), lấy lời khai (các điều 187, 188, 442), đối chất (Điều 189), xét xử (Điều 258);

Quy định về quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội (các Điều 58, 59, 60, 61, 435);

Quy định người bào chữa có quyền tham gia từ thời điểm người bị bắt, có mặt trong các hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, đề nghị tiến hành các hoạt động tố tụng theo luật định (các điều 73, 80).

Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định cụ thể về 35 chức danh có thẩm quyền quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính và nơi tạm giữ người theo thủ tục hành chính.

Triển khai thi hành Công ước được thực hiện đồng thời với việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp và đẩy mạnh cải cách hành chính ở Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm loại bỏ các điều kiện để cán bộ có thể lạm dụng công vụ gây bất lợi cho người dân.

Ví dụ như thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia công khai các thủ tục hành chính, thiết lập hệ thống phản ánh kiến nghị qua đường dây nóng, ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch trực tuyến tránh tình trạng người dân tiếp xúc trực tiếp với cán bộ...

Các bộ, ban, ngành đều ban hành quy định về quy tắc đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm của cán bộ, công chức, những điều cán bộ, công chức không được làm để nâng cao tinh thần trách nhiệm, xây dựng các chuẩn mực đạo đức của những người đại diện cho công quyền.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần