Đề xuất doanh thu 150 triệu đồng/năm mới phải đóng thuế
Tại Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT của cá nhân và hộ kinh doanh có doanh thu trên 150 triệu đồng/năm mới phải đóng thuế. Điều này có nghĩa, hộ và cá nhân kinh doanh có doanh thu bán hàng trên 150 triệu đồng/năm mới phải chịu thuế GTGT. Ngưỡng chịu thuế này cao hơn quy định hiện hành 50 triệu đồng.
Lý giải về đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết, kể từ khi Luật Thuế GTGT sửa đổi năm 2013, sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế GTGT 2008 có hiệu lực (từ 1/1/2014) cho đến nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng nhiều. Vì vậy, việc điều chỉnh mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh cho phù hợp với mức biến động của giá cả là cần thiết.
Lâu nay ngưỡng chịu thuế 100 triệu đồng/năm được đánh giá là thấp, thậm chí là tận thu với cá nhân kinh doanh. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân sâu xa khiến nhiều người kinh doanh tìm mọi cách trốn tránh nghĩa vụ thuế, từ không đăng ký kinh doanh đến không kê khai đúng doanh thu thực tế trong bối cảnh cơ chế kiểm soát còn hạn chế, thói quen sử dụng tiền mặt phổ biến.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh
Là một hộ kinh doanh tạp hóa trên địa bàn xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức), chị Nguyễn Thị Phượng tỏ ra phấn khởi trước đề xuất này của Bộ Tài chính. Theo chị Phượng, trung bình mỗi tháng cửa hàng của chị có doanh thu khoảng 10 triệu đồng, nên thuộc đối tượng phải đóng thuế GTGT. Tuy nhiên, hàng hóa bán ở vùng nông thôn nên lợi nhuận không cao, trong khi giá cả thị trường tăng mạnh qua các năm. Nếu so sánh mức lợi nhuận với quy định doanh thu chịu thuế, thì cá nhân và hộ kinh doanh thiệt thòi nhiều so với mức thu ròng lương của người làm công ăn lương. Vì vậy, việc nâng ngưỡng doanh thu phải nộp thuế GTGT bảo đảm công bằng, đồng thời sẽ giúp các hộ kinh doanh có quy mô nhỏ lẻ bớt được một khoản thuế phí hằng năm, nâng mức sống của gia đình và có điều kiện mở rộng kinh doanh sản xuất.
Đại diện cho cộng đồng DN nhỏ và vừa Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh cho rằng: “Việc nâng ngưỡng đóng thuế GTGT là rất cần thiết, vì với mức biến động của giá cả hiện nay, đề xuất này phù hợp với tình hình kinh doanh hiện nay. Việc tăng theo mức đề xuất của Bộ Tài chính cũng không làm phát sinh chi phí của người nộp thuế, nên hoàn toàn phù hợp và nên áp dụng. Điều này cũng sẽ hỗ trợ được nhiều hơn cho các cá nhân và hộ kinh doanh”.
Nhìn nhận ở góc độ chuyên gia tài chính, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) chỉ ra, do sự tăng trưởng của nền kinh tế nên mức thu nhập bình quân đầu người tăng lên, chỉ tiêu của các cá nhân và hộ gia đình cũng tăng lên. Do đó, mức doanh thu 100 triệu đồng đối với hộ kinh doanh được quy định từ năm 2014 đến nay là 6 năm đã quá lạc hậu so với diễn biến giá cả thị trường. Vì vậy, để bảo đảm công bằng cho các hộ kinh doanh, phù hợp với thực tế, cần phải tính lại mức doanh thu như thế nào cho hợp lý, để người kinh doanh khi nộp thuế sẵn sàng chấp nhận và đặc biệt, để chống tiêu cực, chính sách thuế đối với hộ kinh doanh cần phải minh bạch, rõ ràng.
Tạo công bằng giữa các đối tượng nộp thuế
Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện cả nước có khoảng 5,5 triệu hộ kinh doanh, mỗi năm đóng góp 30% GDP. Việc tăng ngưỡng đóng thuế của các cá nhân, hộ kinh doanh, không làm phát sinh chi phí tuân thủ, thủ tục hành chính với người nộp thuế và minh bạch trong quản lý thuế. Nếu đề xuất của Bộ Tài chính được phê duyệt, những cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu dưới 150 triệu đồng/năm sẽ được miễn thuế GTGT.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, ngưỡng doanh thu 150 triệu đồng là hợp lý. Về mặt chủ trương chính sách, khi thu hẹp đối tượng nộp thuế sẽ làm giảm thu ngân sách. Tuy nhiên, khu vực hộ kinh doanh đóng góp cho ngân sách chiếm tỷ trọng không cao trong tổng thu ngân sách Nhà nước (khoảng 2%), trong khi số lượng hộ kinh doanh có doanh thu dưới 150 triệu đồng/năm không quá lớn, thì việc tác động đến thu ngân sách Nhà nước là không đáng kể. Mặt khác, khi thu hẹp đối tượng nộp thuế nhỏ lẻ sẽ làm đơn giản, gọn nhẹ mức độ quản lý. “Chúng ta nên thu những cái đáng thu, những cái quá bé, hộ kinh doanh nhỏ lẻ, mang hình thức kinh doanh cải thiện thì cần phải linh hoạt, nhân văn” – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.
Đồng tình với việc nâng ngưỡng chịu thuế GTGT với cá nhân và hộ kinh doanh, chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, đề xuất này của Bộ Tài chính là hợp tình, hợp lý, phù hợp với thực tế xã hội. Qua đó, thể hiện chính sách khoan sức dân của Chính phủ, bên cạnh đó còn làm giảm thủ tục hành chính.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Được, cần xem xét nâng ngưỡng chịu thuế lên cao hơn nữa để phù hợp chỉ tiêu chuẩn cận nghèo của nước ta năm 2023. Cụ thể, theo đề xuất của Bộ Tài chính, nếu doanh thu tương ứng với 150 triệu đồng/năm thì có giá trị tăng thêm (lợi nhuận tạm tính) là 15 triệu đồng, mức này thấp hơn so với mức cận nghèo vùng nông thôn là 18 triệu đồng/người/năm và thành thị là 24 triệu đồng/người/năm. “Quan điểm của tôi cần nâng lên mức đóng thuế là 180 triệu đồng đối với nông thôn, 240 triệu đồng ở thành thị. Bảo đảm khi tính thuế ở mức hộ cận nghèo không phải nộp thuế, phù hợp với chỉ tiêu cận nghèo của cả nước” – ông Nguyễn Văn Được kiến nghị.
Bên cạnh đó, ông Được cũng đề xuất không nên cào bằng ngưỡng đóng thuế giữa các nhóm ngành thương mại, dịch vụ, sản xuất… Bởi lợi nhuận giữa các nhóm ngành chênh lệch nhau quá lớn, do đó GTGT của các nhóm ngành cũng khác nhau. “Một số nhóm ngành dịch vụ như tư vấn có lợi nhuận có thể lên tới 40 - 50%, nhưng một số ngành bán lẻ lợi nhuận chỉ vài %. Do đó, để phản ánh đúng thực chất của thu nhập, bảo đảm công bằng, Bộ Tài chính nên xây dựng ngưỡng đóng thuế theo nhóm ngành nghề phù hợp” – ông Được dẫn chứng.
Cùng với đó, để quản lý, chống thất thu thuế, Bộ Tài chính cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh khi thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước; tăng cường chia sẻ dữ liệu dùng chung giữa các cơ quan Nhà nước theo nguyên tắc vừa bảo đảm yêu cầu quản lý; giảm thủ tục hành chính đối với DN, hộ cá nhân kinh doanh.
Thực hiện phương án nâng ngưỡng chịu thuế GTGT sẽ góp phần giảm nghĩa vụ thuế cho các cá nhân kinh doanh, giúp cá nhân kinh doanh có thêm nguồn lực để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Việc nâng mức miễn thuế cũng sẽ bảo đảm sự tương quan phù hợp về mức giảm trừ gia cảnh giữa cá nhân kinh doanh và các cá nhân có thu nhập chịu thuế khác.
Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh