Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phụ huynh vẫn lúng túng trong giám sát bữa ăn bán trú

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Vụ 662 ca ngộ độc bữa ăn tại trường iSchool Nha Trang khiến dư luận bất an về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong trường học. Tại công văn gửi các cơ sở giáo dục mới đây, Bộ GD&ĐT đặc biệt đề cao vai trò giám sát công tác ATTP của ban phụ huynh (BPH).

Mỗi trường một kiểu

Không phải chỉ sau vụ việc ngộ độc lớn xảy ra tại trường iSchool Nha Trang, vai trò của BPH trong giám sát bữa ăn bán trú mới được nhắc đến. Thực tế, phụ huynh tham gia giám sát, kiểm tra bếp ăn, nước uống, nguồn thực phẩm tại một số nhà trường được thực hiện khá tốt từ nhiều năm nay.

Công tác giám sát, kiểm tra bếp ăn bán trú tại một số nhà trường được thực hiện khá tốt từ nhiều năm nay
Công tác giám sát, kiểm tra bếp ăn bán trú tại một số nhà trường được thực hiện khá tốt từ nhiều năm nay

Trường tiểu học và THCS Newton 5 (KĐT Thanh Hà, Thanh Oai), giám sát bữa ăn là một trong những hoạt động quan trọng, thường xuyên của BPH trường. BPH thành lập “Ban ATTP và chế độ dinh dưỡng” theo cơ chế mỗi khối một đại diện phụ huynh tham gia. Ban này có trách nhiệm kiểm tra định kỳ, đột xuất các nội dung liên quan đến vệ sinh ATTP và chế độ dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày của học sinh tại nhà trường.

 

Hà Nội hiện có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2.840 trường học, hơn 2,2 triệu học sinh mầm non và phổ thông; trong đó có gần 1.800 trường học tổ chức bán trú. Hàng ngày, các nhà trường trên địa bàn TP phục vụ trung bình gần 1 triệu học sinh ăn bán trú.

Anh Trịnh Công Nhất, Trưởng BPH trường tiểu học và THCS Newton 5 cho biết: “Trong tháng 11, Ban ATTP và chế độ dinh dưỡng đã 4 lần đến trường kiểm tra các khâu bếp ăn bán trú của nhà trường, trong đó một lần định kỳ và ba lần đột xuất. Ban chia làm các tổ và kiểm tra nội dung: Thực phẩm (nguồn gốc, hạn sử dụng, khu sơ chế), dụng cụ làm bếp, khu chế biến, quy trình nấu nướng, đối chiếu thực đơn của nhà trường, giấy khám sức khỏe nhân viên bếp, khu bày đồ ăn, bàn ăn, khu đổ rác, nguồn nước, tủ bảo quản thực phẩm, tủ lưu mẫu…; trong các tổ này, có tổ phải có mặt ở trường lúc 5 giờ 45 để kiểm tra nguyên liệu đầu vào.

Sau mỗi lần kiểm tra, Ban sẽ có báo cáo, ghi nhận thực tế, chuyển tải đến nhóm phụ huynh từng lớp để nắm tình hình; đồng thời, trao đổi, đối thoại với nhà trường. Nhìn chung, công tác giảm sát bếp ăn BPH thực hiện khá tốt và chặt chẽ”.

Bên cạnh việc hoạt động hiệu quả trong giám sát bếp ăn, tại một số cơ sở giáo dục khác, việc BPH tham gia kiểm tra, giám sát bếp ăn còn manh mún, tự phát, lúng túng và chưa thường xuyên; thậm chí có phụ huynh còn chưa nghe đến hoạt động “giám sát bếp ăn” bao giờ và không biết, liệu phụ huynh có được giám sát bếp ăn không và nếu được thì giám sát những nội dung gì.

“Con tôi học lớp 5, tôi không tham gia BPH và chưa nghe đến việc giám sát bữa ăn bao giờ. Cũng có thể BPH có đi giám sát nhưng không về trao đổi lại với phụ huynh lớp hoặc bằng một hình thức nào đó, họ có biết về hoạt động bếp ăn của trường nhưng là kiểu tự tìm hiểu, tự biết"- Chị Nguyễn Thị Hoài, trú tại huyện Chương Mỹ cho hay.

Còn anh Vũ Duy Hà, trú tại quận Hà Đông chia sẻ: “Trường con tôi cũng có 1-2 lần rộ lên việc bữa ăn bán trú của trường có sâu trong rau, tóc trong cơm…. Thời điểm đó, nhiều phụ huynh cũng bức xúc, yêu cầu đi giám sát bữa ăn hằng ngày. Nhưng ngay sau đó, hoạt động giám sát lại không diễn ra do không thống nhất được thời gian và cách thức”.

Sẵn sàng đón phụ huynh giám sát

Suất ăn bán trú trong các nhà trường hiện phổ biến qua hai hình thức: Hoặc trường có bộ phận bếp, mua thực phẩm về nấu tại chỗ hoặc đặt suất ăn công nghiệp chế biến sẵn, đến giờ ăn sẽ mang đến trường.

Đảm bảo an toàn bữa ăn bán trú là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của phụ huynh
Đảm bảo an toàn bữa ăn bán trú là vấn đề được phụ huynh rất quan tâm 

Nhận xét về hai hình thức trên, Hiệu trưởng trường Mầm non Ong Việt, quận Hà Đông Ngô Thanh Huyền cho rằng, ngộ độc nếu có thường xảy ra ở trường mua suất ăn công nghiệp chế biến sẵn. Còn ở những trường tự nấu thì hầu như ít có tình trạng bị ngộ độc. 

“Hiện tại, nhà trường có bếp ăn riêng và lấy thực phẩm qua công ty thực phẩm có đầy đủ giấy tờ. Những phụ huynh mới xin học cho con muốn tìm hiểu bếp của trường thì nhà trường luôn sẵn sàng. Luôn đề cao vấn đề ATVSTP, trường chấp nhận mua thực phẩm đắt hơn hẳn ở chợ để đảm bảo an toàn cho học sinh, ví dụ: Mua 1kg thịt qua công ty cung cấp thực phẩm đắt hơn so với ở chợ 40.000 đồng; rau củ đắt hơn gấp 3 lần...”- bà Ngô Thanh Huyền cho biết. 

Trưởng BPH trường tiểu học & THCS Newton 5 Trịnh Công Nhất thông tin, với các đợt giám sát đột xuất, Ban ATTP có mặt ở cổng trường mới gọi điện cho ban giám hiệu thông báo kế hoạch. Mọi nội dung kiểm tra đều do Ban ATTP chủ động yêu cầu và các hình ảnh, nhận xét ghi lại luôn khách quan, trung thực.

“Việc giám sát bếp ăn bán trú hay việc tổ chức đến kiểm tra công tác tổ chức bán trú của BPH là chính đáng. Nhà trường sẵn sàng tạo điều kiện trước những đề nghị của BPH trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, tạo những điều tốt đẹp nhất cho học sinh”- hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Thanh Xuân chia sẻ.

Trước vấn đề mất ATVSTP xảy ra tại trường học và thực tế công tác giám sát bữa ăn bán trú, nhiều phụ huynh mong muốn việc giám sát sớm được xây dựng thành quy định chung để BPH dễ dàng triển khai, áp dụng tại các nhà trường. Việc thường xuyên tham gia giám sát bữa ăn bán trú của BPH sẽ góp phần tích cực vào việc đảm bảo an toàn, chất lượng bữa ăn và hạn chế thấp nhất các sự việc đáng tiếc.

 

Tại Văn bản số 6141/BGDĐT-GDTC của Bộ GD&ĐT về việc tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm VSATTP trong các cơ sở giáo dục nêu rõ 6 yêu cầu cần thực hiện, trong đó nhấn mạnh: “Tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành Giáo dục - Y tế, huy động sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, an toàn thực phẩm, vệ sinh trường học tại các cơ sở giáo dục; phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh trong trường học nhằm bảo đảm sức khỏe cho trẻ em, học sinh.