Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phụ nữ Thủ đô lan tỏa hành động bảo vệ môi trường

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phụ nữ ngày nay luôn khẳng định bản lĩnh phái đẹp, nỗ lực tạo ra bản sắc riêng từ vẻ đẹp trí tuệ đến nét dịu dàng bên ngoài. Họ luôn vừa là người giữ lửa trong gia đình, đồng thời vừa có những đóng góp tích cực trong mọi lĩnh vực.

Ý thức được vai trò quan trọng của môi trường ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, nhiều mô hình, lối sống xanh của phụ nữ Thủ đô đã và đang ngày càng lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường trong cộng đồng.

Biến “điểm đen” rác thành khuôn viên xanh

Ngay trên địa bàn phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, cán bộ, hội viên tại các chi hội phụ nữ nơi có điểm chân rác đã tích cực vận động mọi người cùng tham gia dọn rác, luân phiên nhau trực tại điểm đen chân rác để nhắc nhở các hộ dân không vứt rác. Đồng thời chung tay biến chân rác thành khuôn viên xanh, rực rỡ sắc màu của cây, của hoa. Đến nay, phường Vĩnh Tuy đã giải phóng được 11 chân rác tồn đọng lâu năm thành những điểm trồng hoa, cây xanh.

Tuyến đường nở hoa trở nên quen thuộc ở nhiều nơi trên địa bàn Thành phố.
Tuyến đường nở hoa trở nên quen thuộc ở nhiều nơi trên địa bàn Thành phố.

Đáng nói, năm 2023, cùng với sự vào cuộc tích cực của cán bộ, hội viên phụ nữ sở tại, phường Vĩnh Tuy đã giải tỏa 1 điểm rác lớn tại phố Dương Văn Bé, tồn đọng trên 20 năm xây dựng thành tuyến phố bích họa nở hoa với tổng kinh phí 120 triệu đồng. Trong đó vận động từ cán bộ, hội viên phụ nữ là 58 triệu đồng, còn lại trên 60 triệu đồng là từ các nguồn xã hội hóa khác.

“Tuyến đường bích họa nở hoa Dương Văn Bé là một trong những điểm nhấn quan trọng của mô hình “màu xanh phụ nữ” của chúng tôi. Tuyến đường hoa không chỉ giải quyết được một thực trạng ô nhiễm của điểm rác thải tồn lại lâu năm, gây bức xúc trong Nhân dân đồng thời còn mang lại cảnh quan, vẻ đẹp cho tuyến phố” – chị Hạnh, một hội viên phụ nữ phường Vĩnh Tuy chia sẻ.

Hay như khuôn viên hồ Vĩnh Hoàng, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, sau 15 năm đưa vào sử dụng đã bị xuống cấp, vỉa hè sụt lún, mấp mô, các tuyến đường hoa bị cỏ dại mọc hoang nhiều, um tùm, không được chăm sóc, cải tạo. Tình trạng này dẫn đến mất vệ sinh môi trường, rác thải tồn đọng trên khu đất và là nơi trú ngụ của muỗi…, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của người dân sinh sống tại đây.

Người dân nơi đây đã tự quyên góp để thuê người làm sạch cỏ dại, dọn dẹp vệ sinh nhưng chỉ một thời gian cỏ dại lại mọc lên như cũ. Thế nhưng, với sự vào cuộc tích cực của các cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn và sự hỗ trợ của các đoàn thể, chính quyền, bà con khu phố, trong hai tuần, tuyến đường hoa đã hoàn thành vào ngày 17/8/2023. Tuyến đường hoa hoàn thành đã làm thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề vệ sinh môi trường, ý thức làm đẹp cảnh quan đường, ngõ, ngách được nâng lên rõ nét góp phần tạo cảnh quan “xanh – sạch – đẹp”.

Tương tự, có rất nhiều điểm đen chân rác hay là tuyến đường trông mất mỹ quan đô thị, đã được các chị em phụ nữ sở tại cùng nhau chung sức chung lòng, phối hợp với các đoàn thể, chính quyền, đơn vị trên địa bàn để tạo nên những khuôn viên xanh, những tuyến đường bích họa khang trang văn minh.

Có thể kể đến tuyến đường hoa từ đường Dương Đức Hiền đến Nhà văn hóa thôn Tô Khê, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm; đoạn đường nở hoa của các Chi hội phụ nữ xã Tự Lập, huyện Mê Linh; đoạn đường bích họa, nở hoa tại ngõ 198 phố Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân; đoạn đường nở hoa tại trục đường liên thôn thuộc địa phận thôn Trung, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên…

Những con đường hoa hình thành đã làm thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề vệ sinh môi trường. Ở những nơi đã trồng hoa, không còn tình trạng vứt rác thải bừa bãi như trước. Đây là một việc làm thiết thực trong phong trào phụ nữ, phát huy được vai trò tích cực của tổ chức Hội phụ nữ trong việc tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và Nhân dân cùng chung tay xây dựng, giữ gìn và bảo vệ môi trường.

Tích cực thay đổi thói quen tiêu dùng

Không chỉ góp phần biến những điểm chân rác hay những tuyến phố nhếch nhác vì rác thải, ô nhiễm thành khuôn viên xanh - sạch - đẹp, những cán bộ, hội viên, chị em phụ nữ còn đang dần thay đổi thói quen tiêu dùng. Ví như xu hướng “ăn sạch – sống xanh” trong nhiều năm qua cũng được nhiều hội viên phụ nữ quận Đống Đa triển khai, thực hiện bằng nhiều mô hình khác nhau để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình. Đơn cử, mô hình “Vườn rau sạch tại nhà”, đang được phụ nữ các phường triển khai thực hiện. Đất vườn không có, các bà, các chị em tận dụng sân thượng để trồng cây, rau, tạo nên những vườn rau mini tại nhà.

Hay là phong trào hạn chế sử dụng túi ni lông một lần đã được chị em phụ nữ quận Hà Đông triển khai bằng việc xách làn đi chợ. Các bà, các chị đã không còn thói quen dùng túi ni lông để đựng thực phẩm, thay vào đó khi mua xong đựng vào làn hoặc túi thân thiện môi trường. Đáng nói, số lượng chị em hưởng ứng ngày càng tăng…

Được biết tính đến nay, quận Hà Đông đã phát hơn 3.000 làn nhựa nhằm hạn chế sử dụng túi ni lông. Ngoài việc sử dụng làn nhựa, nhiều chị em còn chủ động chuyển sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường như: túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, túi ni lông tự phân hủy đi chợ, siêu thị, tất cả đều nhằm mục đích bảo vệ môi trường sống.

Có thể nói, tại Thủ đô, ni lông và các sản phẩm bằng nhựa trở thành vật dụng khó có thể thiếu trong cuộc sống thường ngày, gắn với thói quen cố hữu của không ít người dân. Hàng triệu túi ni lông và hơn hàng chục tấn rác nhựa thải ra hàng ngày để lại gánh nặng đối với môi trường, sức khỏe cộng đồng. Chính vì thế, chị em phụ nữ đã không đứng ngoài cuộc, hăng hái tham gia hầu hết các phong trào để nâng cao chất lượng sống.

Được biết, 5 năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội đã phát động, thực hiện hiệu quả phong trào “Chống rác thải nhựa” trong các cấp hội. Từ mỗi cơ sở hội đã có nhiều hoạt động thiết thực, công trình, phần việc có ý nghĩa. Cơ quan chuyên trách các cấp Hội gương mẫu không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong hội họp và tổ chức sự kiện, hoạt động hội. Xuất hiện ngày càng nhiều điển hình tập thể, cá nhân phụ nữ tiêu biểu trong phong trào “Chống rác thải nhựa”.

Giai đoạn 2018 - 2023, các cấp Hội Phụ nữ Thủ đô đã tổ chức 3.069 buổi truyền thông, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa, gắn với tuyên truyền văn hóa ứng; tuyên truyền, thông tin về quy định pháp luật mới liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, phân loại rác thải tại nguồn và giảm thiểu rác thải nhựa tới hơn 1 triệu lượt hội viên, phụ nữ Thủ đô.

Các cấp hội thực hiện, nhân rộng và duy trì nhiều mô hình hiệu quả, thiết thực như: “Đổi phế liệu giữ màu xanh, gây quỹ từ thiện”, “Tái chế rác thải nhựa”, “Tổ ngành hàng nói không với túi ni lông”, “Chi hội phụ nữ sử dụng làn khi đi chợ”, “Biến điểm chân rác thành vườn hoa phụ nữ tự quản”, “Sạch đồng ruộng”… tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ, cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Với tâm thế của người phụ nữ trong thời kỳ mới, những phụ nữ Thủ đô không chỉ “giỏi việc nước, đảm việc nhà” mà còn chung tay góp phần lan tỏa hành động thiết thực vì một cuộc sống “xanh - sạch - đẹp” và an toàn tại địa phương.

 

Để thay đổi thói quen tiêu dùng tại Hà Nội sẽ phải mất nhiều thời gian, nhưng với sự sẵn sàng của người tiêu dùng, sự vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước và sự cam kết chung tay của các DN, chắc chắn xu hướng tiêu dùng xanh tại Thủ đô sẽ ngày càng lan tỏa và phát triển mạnh mẽ hơn.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan