Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phú Túc đi lên nhờ nghề truyền thống

Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghề đan cỏ tế ở xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên đã có lịch sử hàng trăm năm nay.

Nhờ phát triển nghề truyền thống mà đời sống người dân nơi đây ngày được nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Nghề phụ thu nhập chính
Chỉ từ những cây cỏ dại, nhưng với bàn tay khéo léo và sự sáng tạo, người dân Phú Túc đã tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày. Những sản phẩm truyền thống của làng nghề làm ra gồm làn, rổ, rá, bàn, ghế… Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, người thợ Phú Túc đã kết hợp cỏ tế với các loại nguyên liệu khác như cói, bẹ ngô, mây, tre… để tạo ra hàng ngàn sản phẩm với mẫu mã khác nhau như khung tranh, con giống, đèn trang trí, khay, tủ quần áo… Sản phẩm của làng nghề được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng, đánh giá cao.

Chị Nguyễn Thị Ngọt, thôn Lưu Thượng, xã Phú Túc đang đan guột tại cơ sở của gia đình. Ảnh: Nguyễn Nga

Hiện nay, sản phẩm của Phú Túc chủ yếu được xuất khẩu sang Nhật, Đài Loan (Trung Quốc) và các nước Đông Âu… Để đáp ứng yêu cầu cao của hàng xuất khẩu, việc sản xuất của làng được chuyên môn hóa đến từng công đoạn. Nhờ kỹ thuật đan điêu luyện và sự chuyên nghiệp trong sản xuất, sản phẩm của làng đã đạt đến độ tinh xảo và ngày càng có uy tín trên thị trường. Phú Túc có 8 thôn thì cả 8 thôn đều tham gia làm nghề. Trên địa bàn xã có 9 DN lớn, 20 tổ hợp sản xuất và hàng trăm hộ sản xuất cá thể thu hút trên 70% lao động trong làng. Ngoài ra, làng nghề còn thu hút hàng trăm lao động ở các xã lân cận, giúp giải quyết bài toán lao động ở nông thôn hiện nay. Bà Nguyễn Thị Ngọt chia sẻ: “Tôi gắn bó với nghề đan guột này gần 40 năm nay. Cũng nhờ nghề này mà gia đình tôi xây dựng được nhà cửa khang trang và nuôi 2 con ăn học đến nơi đến chốn”. Theo bà Ngọt, đối với lao động có tay nghề cao có thể thu nhập từ 5 – 6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, người già và trẻ em ở đây cũng có thể tham gia làm nghề để có thêm thu nhập.
Phát triển gắn với du lịch
Những năm gần đây, Phú Túc hướng tới phát triển làng nghề gắn với du lịch. Từ cuối năm 2016, TP đã đầu tư tuyến xe buýt 06E chạy từ Bến xe Giáp Bát về xã Phú Túc. Về Phú Túc, ngoài chiêm ngưỡng những sản phẩm độc đáo, du khách còn được trực tiếp tham gia vào những công đoạn để hoàn thiện 1 sản phẩm. Theo thống kê của xã, mỗi năm làng nghề đón hàng ngàn lượt khách trong nước và quốc tế .
Để phát triển nghề truyền thống, chính quyền địa phương đã và đang có nhiều giải pháp đầu tư cho làng nghề như hỗ trợ vay vốn sản xuất kinh doanh, mở lớp dạy nghề, đưa sản phẩm làng nghề tham dự hội chợ trong nước và quốc tế. Xã cũng xây dựng đề án quy hoạch khu sản xuất công nghiệp tập trung cho làng nghề rộng 17ha. Tuy nhiên vì nhiều lý do, đến nay đề án vẫn chưa được triển khai.
Hiện tại, các cơ sở sản xuất ở Phú Túc chủ yếu nằm xen kẽ trong khu dân cư nên hoạt động tẩy, nhuộm màu trong sản xuất đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống sinh hoạt của người dân. Vì vậy, để cải thiện môi trường làng nghề, tạo điều kiện cho các hộ sản xuất phát triển kinh doanh thì việc có điểm công nghiệp làng nghề tập trung là việc làm cấp thiết hiện nay ở Phú Túc.
Nhờ có nghề đan cỏ tế mà đời sống của người dân được nâng cao, thu nhập bình quân của xã đạt 37 triệu/người/năm. Hiện nay, ngành tiểu thủ công nghiệp chiếm trên 60% tổng cơ cấu ngành của xã, mỗi năm đóng góp trên 30 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND xã Phú Túc  Trần Văn Khiêm