Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

PVN khẳng định bản lĩnh trong gian khó

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù bị ảnh hưởng lớn do tác động của cuộc "khủng hoảng kép" từ giá dầu suy giảm và dịch bệnh Covid-19, song Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn để đạt được kết quả sản xuất, kinh doanh khả quan, tiếp tục khẳng định bản lĩnh là Tập đoàn kinh tế chủ lực của đất nước.

Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng.
Giải pháp đồng bộ
Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng chia sẻ, đây là giai đoạn khó khăn nhất của PVN nhưng tập đoàn đã huy động tối đa mọi nguồn lực để vừa tập trung ứng phó với dịch bệnh, vừa phải ứng phó với giảm giá đột biến của giá dầu thô tác động mạnh mẽ đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đơn cử, trung bình nếu giá dầu giảm 1 USD thì doanh thu toàn Tập đoàn giảm 4.600 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước giảm 1.000 tỷ đồng so với kế hoạch.
Khắc phục khó khăn, PVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên theo từng lĩnh vực, khối và theo chuỗi giá trị triển khai ngay các giải pháp ứng phó cũng như nhận diện các cơ hội kinh doanh ngay từ đầu tháng 2/2020, đặc biệt khi giá dầu giảm sâu vào đầu tháng 3/2020. Trên cơ sở đưa ra các kịch bản dự báo về dịch Covid-19 và các phương án giá dầu từ 20 – 55 USD/thùng, PVN đã chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ gói giải pháp cấp bách để ứng phó với tác động kép của dịch bệnh Covid-19 và giá dầu giảm. Trong đó, tập trung vào 5 nhóm giải pháp tổng thể về: Quản trị, tài chính, đầu tư, thị trường, cơ chế chính sách và chi tiết cụ thể hóa các giải pháp cho 5 lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn. 3 lĩnh vực trọng tâm được xác định là chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất do tác động kép là: Tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí; Chế biến dầu khí và phân phối sản phẩm dầu khí; Dịch vụ dầu khí...
Kết quả khích lệ
Theo Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, sau thời gian quyết liệt triển khai và thực hiện đồng bộ kịp thời, hợp lý, cùng sự đồng thuận, chia sẻ cao của người lao động, Tập đoàn đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Thứ nhất, tất cả các hoạt động của PVN đều được bảo đảm an toàn, không có trường hợp nào nhiễm Covid-19, các đơn vị, nhà máy đều hoạt động ổn định, giữ vững được nhịp độ sản xuất, kinh doanh. Thứ hai, dòng tiền của PVN và các đơn vị thành viên bảo đảm tính thanh khoản thông suốt, ổn định, góp phần quan trọng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh giữ được nhịp độ phát triển, công tác đầu tư kiểm soát được tiến độ, kế hoạch đề ra. Thứ ba, tiết giảm tối ưu theo chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (chủ yếu là chi phí quản lý, sản xuất) là 8.721 tỷ đồng (trong đó, thu nhập của lãnh đạo Tập đoàn, đơn vị giảm 20%, lãnh đạo cấp phòng, ban, đơn vị giảm 15%, cán bộ công nhân viên giảm 10%).
Thứ tư, tổng sản lượng khai thác quy dầu 5 tháng đạt 8,99 triệu tấn, vượt 4,4% kế hoạch 5 tháng. Sản lượng khai thác dầu thô đạt 5,01 triệu tấn, vượt 8,6% kế hoạch 5 tháng. Sản xuất điện 5 tháng đạt 9,05 tỷ kWh, đạt 42% kế hoạch năm. Sản xuất đạm 5 tháng đạt 757.200 tấn, vượt 8% kế hoạch 5 tháng. Sản xuất xăng dầu 5 tháng đạt 5,55 triệu tấn, vượt 0,2% kế hoạch 5 tháng, với tín hiệu tích cực là mức tồn kho sản phẩm cuối tháng 5/2020 có xu hướng cải thiện so với tháng trước (sản phẩm xăng dầu tồn kho tại BSR và PVNDB giảm khoảng từ 23 - 65%). Tổng doanh thu toàn Tập đoàn 5 tháng đạt 237.800 tỷ đồng. Nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn 5 tháng đạt 28.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 7.100 tỷ đồng.
 Kiểm tra thiết bị trên giàn khoan. Ảnh: Hoàng Anh
Quyết tâm đạt “mục tiêu kép”
“Nếu không thực hiện quyết liệt, hiệu quả Gói giải pháp thì khả năng PVN sẽ thua lỗ giống như nhiều tập đoàn, công ty dầu khí khác trên thế giới. Đơn cử ENI lỗ 3,22 tỷ USD; Rosneft lỗ 1,1 tỷ USD; ExxonMobil lỗ 610 triệu USD; BP lỗ 4,36 tỷ USD; Schlumberger lỗ 7,3 tỷ USD” – Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng dẫn dụ. Đồng thời cho biết, thời gian tới, dựa trên việc phân tích, đánh giá những diễn biến gần đây của thị trường và nền kinh tế thế giới, PVN nhận định, mặc dù nhu cầu dầu thô và các mặt hàng xăng dầu tiếp tục có xu hướng gia tăng, tỷ lệ thuận cùng với mức phục hồi kinh tế thế giới và trong nước nhưng vẫn tiềm ẩn muôn vàn khó khăn.
Vì vậy, PVN và các đơn vị thành viên sẽ tiếp tục trao đổi thông tin, thường xuyên cập nhật gói giải pháp, sẵn sàng ứng phó với các biến động của thị trường. Đồng thời bám sát mục tiêu sản xuất kinh doanh, quyết liệt tiết giảm chi phí, chủ động, bình tĩnh vượt qua thách thức, tiếp tục đóng góp vai trò quan trọng cho nền kinh tế đất nước.
Với quyết tâm đạt được “mục tiêu kép” trong “khủng hoảng kép”, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng khẳng định, PVN vừa phòng chống dịch hiệu quả nhưng vẫn phải bảo đảm sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất theo phương châm: Quản trị các biến động, tối ưu giá trị, đẩy mạnh tiêu thụ, nỗ lực vượt khó, nắm bắt cơ hội, an toàn về đích.

PVN luôn coi trọng công tác tuyên truyền cho ngành dầu khí Việt Nam, nhất là giai đoạn khủng hoảng kép do dịch bệnh Covid-19 và giá dầu giảm sâu. Trong đó, các cơ quan thông tấn báo chí đồng hành, chia sẻ, kịp thời tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực dầu khí, phản ánh về hoạt động sản xuất, kinh doanh và các mặt công tác khác của PVN, cổ vũ những tấm gương tiêu biểu, những đóng góp hy sinh của những người lao động dầu khí đến độc giả. 

Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng

Để phát huy cao nhất nguồn lực con người, PVN đặc biệt quan tâm kiến tạo giá trị văn hóa DN, nhằm lĩnh hội, kế thừa những nền tảng và truyền thống quý báu của ngành dầu khí, xây dựng môi trường công tác lành mạnh, chuyên nghiệp, uy tín để mỗi cá nhân có thêm động lực cống hiến, chinh phục những tầm cao mới, tạo nên sức mạnh tổng hợp đóng góp cho sự phát triển bền vững của PVN.