Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quan chức châu Âu kêu gọi áp dụng mô hình "kinh tế thời chiến"

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - EU cần đẩy mạnh sản xuất quốc phòng trước mối đe dọa từ Moscow.

Vào hôm thứ Hai, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết EU cần thay đổi chiến lược quân sự và đẩy mạnh sản xuất quốc phòng nhằm hỗ trợ tốt hơn cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh Ukraine đang đối diện với tình trạng thiếu hụt đạn dược trầm trọng.

Trong một bài bình luận được xuất bản bởi tờ La Libre Belgique và trang web Euractiv, ông Michel cho biết Moscow đang là "mối đe dọa quân sự nghiêm trọng đối với toàn châu Âu cũng như an ninh toàn cầu".

EU gia tăng sản xuất quốc phòng nhằm viện trợ cho Ukraine. Ảnh: RT
EU gia tăng sản xuất quốc phòng nhằm viện trợ cho Ukraine. Ảnh: RT

“Nếu EU không cho thấy những điều chỉnh phù hợp và đảm bảo đủ hỗ trợ cần thiết cho Ukraine, chúng ta có thể sẽ là mục tiêu tiếp theo” – quan chức này cảnh báo.

Người đứng đầu Hội đồng EU nhấn mạnh châu Âu cần phải thay đổi triệt để về tư duy an ninh chiến lược sau nhiều thập kỷ không quá chú trọng phát triển nền quốc phòng. Ông yêu cầu các thành viên EU phải tăng cường phòng thủ và ngay lập tức chuyển sang nền kinh tế chiến tranh.

“Đã đến lúc chúng ta phải tự chịu trách nhiệm về an ninh của mình, thay vì trông đợi vào người khác hay chờ đợi kết quả từ cuộc bầu cử tại Mỹ” – ông cho biết.

Ông Michel tiết lộ sản lượng quốc phòng của khối đã tăng 50% kể từ khi xung đột tại Ukraine bắt đầu nổ ra vào tháng 2/2022, đồng thời cho biết khối sẽ tăng gấp đôi sản lượng đạn dược lên hai triệu quả đạn pháo vào cuối năm 2025.

EU hiện đang gặp khó trong việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu đạn dược và vũ khí cho Kiev, trong bối cảnh các chính trị gia, chuyên gia Ukraine và quốc tế, cũng như binh sĩ trên chiến trường cho rằng tình trạng thiếu hụt đạn dược là nguyên nhân chính dẫn đến việc mất lãnh thổ vào tay người Nga. Bên cạnh đó, các khoản viện trợ quân sự của Mỹ khó có thể đến Ukraine trong thời gian sớm, với việc đề xuất viện trợ trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine của Tổng thống Joe Biden đang bị mắc kẹt tại Quốc hội do bất đồng quan điểm chính trị.

Tờ New York Times cho biết phương Tây vẫn chưa thể cung cấp hệ thống phòng không cho Kiev. Nhấn mạnh tính cấp bách của việc viện trợ, tờ báo này dẫn lời của các chuyên gia cho biết hệ thống phòng không tại Ukraine chỉ còn có đủ đạn dược để hoạt động cho đến tháng 3/2024.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky liên tục kêu gọi tăng cường viện trợ vũ khí, cảnh báo rằng Nga đang hưởng lợi lớn từ tình trạng thiếu hụt vũ khí của Ukraine.