Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quận Hai Bà Trưng: Chính quyền đô thị hứa hẹn những đột phá trong phát triển, nhiều lợi ích hơn cho người dân

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Chuẩn bị cho mô hình chính quyền đô thị sẽ chính thức được thí điểm thực hiện từ ngày mai (1/7), đến thời điểm này, cả 18/18 phường thuộc quận Hai Bà Trưng đã sẵn sàng các điều kiện về con người, cơ sở vật chất... để triển khai mô hình quản lý hứa hẹn mang tới động lực phát triển mới.

Sẵn sàng trước "giờ G"
Đến thời điểm sáng nay (30/6), trụ sở phường Bách Khoa đã được trang trí lại, thay mới những biển bảng có liên quan đến HĐND phường, trong đó biển hiệu trụ sở phường đã không còn chữ “HĐND” mà chỉ ghi “Trụ sở Đảng ủy - UBND phường Bách Khoa”. Từ trước đó, bộ máy cán bộ đã được rà soát sắp xếp kiện toàn theo đúng mô hình chính quyền đô thị, trong đó đồng chí Chủ tịch HĐND đã được luân chuyển sang làm Chủ tịch UBND phường khác, Phó Chủ tịch HĐND phường sang làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường.
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Bách Khoa Nguyễn Văn Khang chia sẻ: Trong sáng mai (1/7), lãnh đạo quận Hai Bà Trưng sẽ về UBND phường công bố, trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch và 2 phó Chủ tịch UBND phường, công bố quyết định toàn bộ 15 cán bộ công chức phường thành công chức quận (công chức hành chính). Từ nay, một số quyết định ở phường không phải thông qua HĐND phường nữa mà do quận quyết định. Như quyết định về tài chính, ngân sách, trước do phường ký nhưng giờ dự toán ngân sách phải thực hiện như ở các phòng ban thuộc quận. Tất nhiên việc này với cấp phường vẫn có đặc thù riêng, cách chi có khác, như phải thực hiện chi lương cho tổ trưởng dân phố và các đoàn thể xã hội…
Công chức Bộ phận Một cửa UBND phường Bách Khoa tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính cho người dân 
Ông Nguyễn Văn Khang cũng cho rằng, thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại các phường, thực tế không có gì thay đổi nhiều về công việc, bởi dù bỏ HĐND phường nhưng hoạt động của phường vẫn dưới sự giám sát của HĐND quận. Song, từ chính quyền 3 cấp thành chính quyền 2 cấp thôi, nên sau này các khâu công việc giải quyết cho người dân sẽ triển khai nhanh hơn, trong đó có việc lãnh đạo UBND phường ủy quyền cho cán bộ tư pháp được ký các hồ sơ chứng thực nên sẽ thường xuyên và trực tiếp luôn, không phải chờ lãnh đạo ký nữa mà cán bộ đó được ký ngay và trả hồ sơ cho dân nhanh hơn. 3 lãnh đạo UBND phường và có thêm 1 cán bộ tư pháp thực hiện việc này, nên lãnh đạo UBND phường sẽ có thời gian tập trung làm những công việc khác sâu hơn, phân quyền phân cấp rõ ràng hơn, đồng thời người dân được giải quyết hồ sơ nhanh hơn.
"Nhìn chung, ý nghĩa lớn nhất là các công việc sẽ nhanh hơn, quy trách nhiệm chặt chẽ hơn, theo đúng Nghị định 32 của Chính phủ, rõ trách nhiệm của chủ tịch và phó chủ tịch UBND, cán bộ công chức phường được giao nhiệm vụ ra sao, nhất là về kỷ cương hành chính, vi phạm hay làm không tốt, 2 lần trong năm không hoàn thành tốt nhiệm vụ thì bị kiểm điểm…" - Chủ tịch UBND phường Bách Khoa nói.
Còn tại phường Đồng Tâm, ghi nhận cho thấy, để sẵn sang triển khai vận hành chính quyền theo mô hình chính quyền đô thị, các công việc tại phường đã hoàn tất, với không khí phấn khởi, hân hoan chào đón một mô hình mới.
Trong đó, từ biển bảng trụ sở phường được thay đổi thành “Trụ sở Đảng ủy - Ủy ban Nhân dân phường Đồng Tâm” bắt đầu từ sáng 30/6, cho tới việc rà soát xong để ngày 1/7 ban hành quy chế làm việc, cán bộ công chức ở các vị trí đã sẵn sàng. Với định biên 15 công chức/phường (loại 1) nhưng do điều tiết của quận nên phường được bố trí 16 cán bộ công chức, đủ đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới. Chiều mai (1/7), lãnh đạo quận Hai Bà Trưng sẽ đến phường trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường và công bố các quyết định công chức hành chính (công chức quận) cho toàn bộ 16 công chức phường hiện nay.
 Biển hiệu tại trụ sở phường Đồng Tâm đã được thay mới
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm Lê Khánh Giang khẳng định, vận hành theo chính quyền đô thị, bộ máy hành chính, bộ máy tại bộ phận một cửa… không có gì thay đổi. Song, chính quyền sẽ đạt được mục tiêu giải quyết công việc cho người dân nhanh hơn, thông suốt hơn; đồng thời trở thành công chức hành chính (công chức quận) thì các cán bộ công chức sẽ yên tâm, có động lực phấn đấu hơn trong công tác, bởi được ở một vị trí nào đó tại cấp phường hoặc có cơ hội được luân chuyển lên làm việc ở cấp quận. “Về các điều kiện cơ sở vật chất, ngay từ trước khi thực hiện chính quyền đô thị, với nguồn ngân sách tự chủ, phường đã tự trang bị đầy đủ đảm bảo điều kiện làm việc tốt nhất, tới nay không có gì phải trăn trở, cùng với đội ngũ 16 cán bộ công chức đã được đào tạo bồi dưỡng qua cả một quá trình đã đảm bảo trình độ kỹ năng, chúng tôi đã sẵn sàng vận hành mô hình chính quyền mới, chỉ đợi “bấm nút”. Chúng tôi cũng đã quán triệt mọi cán bộ công chức để nhận nhiệm vụ mới với khí thế mới, cần nâng tầm chuyên nghiệp hơn, chuyên môn hóa hơn, giải quyết thủ tục cho người dân nhanh gọn hơn, đảm bảo chính xác, để người dân đến trụ sở phường cảm nhận được rõ sự thay đổi.
Ghi nhận tại phường Quỳnh Mai, thực hiện sự chỉ đạo sát sao của các đồng chí Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận cho tới các phòng, ban chuyên môn của quận về công tác này, nên đến giờ phút này, có thể khẳng định từ việc chuẩn bị nhân sự chủ chốt (Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường) cho đến sắp xếp cán bộ chuyên môn, kể cả việc chuẩn bị về con người để sẵn sàng thực hiện việc lãnh đạo UBND phường ủy quyền cán bộ tư pháp ký hồ sơ chứng thực đều đang được thực hiện đảm bảo đúng theo Nghị quyết 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về “Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội” và Nghị định của Chính phủ, Kế hoạch của TP và của quận Hai Bà Trưng. “UBND phường cũng đã ban hành kế hoạch cụ thể để thực hiện công tác này, hiện các bước theo kế hoạch đang được thực hiện đúng tiến độ, thời gian, quy trình” - Chủ tịch UBND phường Bùi Thanh Hải cho biết.
Tương tự tại phường Vĩnh Tuy công tác rà soát cán bộ công chức theo Nghị định 32 của Chính phủ đã được triển khai thừ rất lâu theo đúng các văn bản chỉ đạo, đều đạt tiến độ kế hoạch đề ra. Phường cũng đã thực hiện xong Đề án 21 của Thành ủy (để chuẩn bị cho chính quyền đô thị), trong đó bố trí 3 chức danh cán bộ không chuyên trách ở tổ dân phố (tổ trưởng dân phố, trưởng ban CTMT, bí thư chi bộ) do chỉ 2 người đảm nhiệm . Đặc biệt, đối với công tác cán bộ ở UBND phường chuẩn bị cho chính quyền đô thị thực hiện theo Kế hoạch 100/KH-UBND của TP, liên quan đến bổ nhiệm chủ tịch và các phó chủ tịch UBND phường đã hoàn thành; việc chuẩn bị để thực hiện lãnh đạo UBND phường ủy quyền cán bộ tư pháp được ký hồ sơ chứng thực cũng đã sẵn sàng… Ngoài ra, về tài chính ngân sách, UBND phường đã thực hiện các quy trình thanh quyết toán để khóa sổ đảm bảo đúng tiến độ, chuyển giao chính quyền địa phương sang hoạt động theo chính quyền đô thị, là một cấp ngân sách ngang với một phòng ban của quận. 
Công chức UBND phường Vĩnh Tuy giải quyết hồ sơ hành chính cho công dân
Còn những băn khoăn
Mặc dù đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để vận hành mô hình mới, nhưng theo Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm Lê Khánh Giang, tới đây phường sẽ là một cấp dự toán, do quận quyết định (trước là một cấp ngân sách) trong khi đến thời điểm này chưa có hướng dẫn thực hiện cụ thể, nên chưa chủ động trong thực hiện các nhiệm vụ chi. Do đó, phường mong sớm có hướng dẫn cụ thể ngay trong đầu tháng 7 để chủ động thực hiện các nhiệm vụ chi, vì từ cấp ngân sách sang thành cấp thực hiện dự toán thì cũng có những khó khăn hơn. Tạm thời trong tháng 7, phường vẫn được tạm ứng tại kho bạc để thực hiện về lương và một số nhiệm vụ cần thiết.
Bên cạnh đó, "dù chính quyền phường đã trang trí trụ sở đẹp hơn, tự tuyên truyền trong hệ thống cán bộ cơ sở và thông báo cho người dân từ ngày 1/7 sẽ vận hành mô hình chính quyền mới, nhưng mong từ Thành phố có nhiều hình thức tuyên truyền hơn đến người dân, văn bản hướng dẫn cụ thể về công tác tuyên truyền cho chính quyền cơ sở… Như vậy, nhiều người dân mới thấy được ý nghĩa của việc thay đổi này trong mô hình quản lý của chính quyền, hiểu được chính quyền đô thị là một chính quyền sẽ hướng về người dân nhiều hơn, tạo điều kiện tốt nhất trong giải quyết thủ tục hành chính" - bà Lê Kháng Giang bày tỏ.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy Trần Thị Minh Vân cho hay, về việc ủy quyền cán bộ tư pháp được ký hồ sơ chứng thực, đến thời điểm này UBND phường chưa được tập huấn cụ thể để triển khai. Hiện công chức này được ký hồ sơ với vai trò là thay mặt UBND, và văn bản chỉ đạo hiện nay cho thấy việc ủy quyền này chưa ảnh hưởng gì đến quyền của chủ tịch và các phó chủ tịch UBND (vẫn ký được), nên việc ủy quyền cho công chức này sẽ là “thừa ủy quyền”, cấp phường cần được tập huấn sớm và cụ thể về mẫu dấu và cách triển khai…

Đồng quan điểm này, Chủ tịch UBND phường Quỳnh Mai Bùi Thanh Hải cho rằng, cần cơ chế rõ ràng cho công tác thực hiện chính quyền đô thị tại các phường, nhất là về quy định ủy quyền cho cán bộ tư pháp ký hồ sơ chứng thực. Hiện theo hướng dẫn của Sở Tư pháp thì vai trò của chủ tịch và phó Chủ tịch UBND phường vẫn giữ nguyên, nhưng có nghĩa cả chủ tịch, phó chủ tịch và cán bộ tư pháp đều có thể ký được, nên cần có quy định rõ ràng về trách nhiệm hơn nữa, để tránh trường hợp khi xảy ra vấn đề phát sinh thì ai là người trực tiếp chịu trách nhiệm.