Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp các chị em phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn quận.
Kịp thời hỗ trợ những hộ kinh doanh do nữ làm chủ
Thực hiện chỉ đạo của Hội LHPN TP, đầu mỗi năm, Hội LHPN Quận Hai Bà Trưng đều quan tâm xây dựng chương trình công tác năm có nội dung, biện pháp cụ thể thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Ban Thường vụ Quận Hội chỉ đạo Hội phụ nữ phường tập trung thực hiện các nội dung ủy thác đã ký với NHCSXH, tích cực khai thác các nguồn vốn để giúp hội viên và phụ nữ phát triển kinh tế; chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác vay vốn, tổ chức kiểm tra hoạt động vay vốn tại 18 phường.
Bên cạnh kịp thời hỗ trợ những hộ kinh doanh do nữ làm chủ chuyển đổi mục đích kinh doanh, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, Hội LHPN quận cũng chỉ đạo Hội phụ nữ các phường tăng kiểm tra, nắm tình hình hộ vay sử dụng vốn vay, đôn đốc về nợ đến hạn, không để phát sinh nợ quá hạn; phối hợp UBND phường rà soát nắm chắc hội viên phụ nữ mới có hoàn cảnh khó khăn, hộ kinh tế khó khăn để có biện pháp giúp đỡ, giữ vững kết quả giảm nghèo, không để phát sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo. Định kỳ, Hội LHPN quận và Hội phụ nữ các phường sơ kết công tác vay vốn để đánh giá ưu điểm, thiếu sót và đề ra biện pháp thực hiện công tác vay vốn thời gian tiếp theo.
Dư nợ đến ngày 5/8/2024, các cấp Hội phụ nữ quận đang quản lý 176 tỷ 350 triệu đồng thuộc 109 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), với 3.215 hộ vay, chiếm 89% dư nợ ủy thác của các Hội đoàn thể. Trong đó, chương trình cho vay chấp hành án phạt tù là 110 triệu đồng với 2 hộ, cho vay nhà ở xã hội 6,4 tỷ đồng, cho vay vốn giải quyết việc làm 169,8 tỷ đồng với 3.199 hộ vay. Huy động tiết kiệm thông qua các tổ TK&VV đạt 27,3 tỷ đồng với 109 tổ thực hiện huy động tiền gửi tiết kiệm (tỷ lệ 100%).
Hội LHPN quận và cơ sở rất tích cực phối hợp NHCSXH và UBND các phường đôn đốc thu hồi nợ. Công tác thu hồi nợ quá hạn được UBND- Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH quận quan tâm chỉ đạo, phấn đấu bảo đảm chỉ tiêu thu hồi nợ quá hạn (phường Trương Định, Minh Khai, Đống Mác) từ các hộ vay.
Chủ tịch Hội LHPN Quận Hai Bà Trưng Tạ Thị Thanh Huyền đánh giá, các hộ gia đình vay vốn chủ yếu có hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm, thu nhập thiếu ổn định; từ nguồn vốn ưu đãi giúp họ mạnh dạn tổ chức và mở rộng sản xuất kinh doanh nhỏ để tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống.
Các cấp Hội luôn bám sát mục tiêu, chương trình, nhiệm vụ công tác năm và những văn bản đã ký kết, đặc biệt giải pháp tăng trưởng nguồn vốn, triển khai cho vay kịp thời, hiệu quả tín dụng chính sách trên địa bàn; chất lượng tín dụng ngày càng được nâng lên. Cùng đó, tích cực tuyên truyền chủ trương chính sách, tham gia những chương trình tín dụng; thực hiện nghiêm, đầy đủ nội dung hợp đồng ủy thác; kiểm tra, giám sát và tổng hợp biên bản lưu giữ tại NHCSXH đúng quy định; kịp thời kiện toàn các tổ TK&VV…
“Nhờ nỗ lực của các cấp hội phụ nữ quận, ngày càng nhiều phụ nữ khó khăn được tiếp cận, sử dụng nguồn vốn ưu đãi. Thông qua đó, nhiều chị em mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, tạo thêm việc làm cho người lao động. Từ những buổi sinh hoạt tổ TK&VV, hội viên có điều kiện kinh tế khó khăn cũng được tiếp cận kiến thức, kinh nghiệm về quản lý và sử dụng hiệu quả vốn vay, qua đó tăng chất lượng nguồn vốn”- bà Tạ Thị Thanh Huyền nhấn mạnh.
Nâng chất lượng quản lý vốn vay tại cơ sở
Dù đã đạt kết quả tích cực, song theo Ban Thường vụ Hội LHPN Quận Hai Bà Trưng, các hội phụ nữ phường, tổ TK&VV tại các địa bàn dân cư còn gặp không ít khó khăn, hạn chế trong quản lý nguồn vốn. Cụ thể, việc lưu giữ hồ sơ sổ sách tại một số tổ chưa khoa học, đầy đủ theo quy định; việc viết bài tuyên truyền về hoạt động tín dụng chính sách và gương người tốt việc tốt trong công tác triển khai tại địa phương chưa thu hút cán bộ, hội viên, tổ TK&VV tham gia. Một số hộ vay vốn còn chậm trả vốn, trả lãi do chuyển nơi cư trú, bị bệnh hiểm nghèo, phát bệnh tâm thần, nên ảnh hưởng đến kinh doanh; việc thu gốc, lãi tại một số đơn vị vẫn tiềm ẩn rủi ro.
Thực trạng đó xuất phát từ nhiều yếu tố, như các tổ trưởng tổ TK&VV đa số tuổi cao nên cập nhật, sắp xếp văn bản đôi lúc chưa kịp thời, trong khi tổ trưởng trẻ còn kiêm nhiệm nhiều công việc. Việc viết bài tuyên truyền gương người tốt việc tốt chưa được chú trọng trong các cấp Hội; một số hộ dân do kinh doanh thua lỗ, không trả được nợ nên có ý định trốn nợ…
Để tìm được giải pháp hiệu quả hỗ trợ khắc phục những khó khăn hạn chế đó, chiều 5/8, Hội LHPN quận đã tổ chức Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả hoạt động nhận ủy thác nguồn vốn tín dụng chính sách trong các cấp Hội phụ nữ Quận Hai Bà Trưng”, nhận được ý kiến sôi nổi của chủ tịch hội phụ nữ các phường cũng như tổ trưởng tổ TK&VV từ thực tế triển khai tại địa bàn.
Các ý kiến đã nêu thực trạng và kiến nghị giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của tổ TK&VV; chia sẻ kinh nghiệm, thuận lợi, khó khăn và kiến nghị những giải pháp tới cấp ủy, chính quyền địa phương, NHCSXH và Hội LHPN cấp trên để nâng cao chất lượng quản lý nguồn vốn vay, chất lượng hoạt động vay vốn tại cơ sở; thực hiện quy trình bình xét cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH... Các cấp hội cũng mong muốn có bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ thực hiện quản lý vốn để nâng cao hiệu quả quản lý nguồn vốn vay NHCSXH.
Qua 20 năm thành lập luôn đạt dư nợ cao mà không để xảy ra nợ xấu, nợ quá hạn, bà Lê Thị Quyên- phụ trách công tác TK&VV Tổ 11 phường Thanh Lương cho hay: nhận thức rõ tổ trưởng tổ TK&VV là “cánh tay nối dài” từ NHCSXH đến với người có nhu cầu vay vốn, ngay khi thành lập, Tổ đã đề ra quy chế rõ ràng, được cấp ủy chi bộ, tổ dân phố và các đoàn thể thông qua; các hội viên nhất trí và thực hiện nghiêm túc.
“Chúng tôi quy định rõ, tham gia tổ TK&VV phải là người có hộ khẩu thường trú tại địa bàn, hội viên phụ nữ phường từ 2 năm trở lên, có kinh doanh buôn bán mà Tổ nắm được, tham gia các phong trào của Hội phụ nữ phường và tổ dân phố; được xét duyệt vay vốn thì người vay phải ký cam kết trả nợ, đóng lãi và tiết kiệm đúng hạn… Nhờ chấp hành tốt quy chế này, nên từ chỗ chỉ có 10-15 hội viên với dư nợ 150-250 triệu đồng thời kỳ đầu, đến nay Tổ đã có dư nợ gần 4 tỷ đồng, 60 hội viên...”- bà Lê Thị Quyên bộc bạch.
Đạt dư nợ vốn tín dụng chính sách cao nhất trong các hội phụ nữ phường thuộc quận với gần 42 tỷ đồng, quản lý 10 tổ TK&VV, không có nợ xấu, nợ quá hạn, đại diện Hội phụ nữ phường Thanh Lương chia sẻ, Hội cùng NHCSXH quận luôn chú trọng đưa nguồn vốn vay ưu đãi đến đúng đối tượng, ưu tiên hộ có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chấp hành sau án phạt tù…, để đạt hiệu quả vốn vay. Khi giải ngân xong các nguồn vốn vay, Hội thường xuyên kiểm tra giám sát việc sử dụng vốn của các hộ vay, chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng cũng như chất lượng hoạt động các tổ TK&VV.