Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quan hệ với Nga phủ bóng thượng đỉnh EU - Trung Quốc?

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến diễn ra vào ngày 1/4 tới, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) được cho là sẽ cảnh báo Bắc Kinh về hậu quả nếu viện trợ Nga trong chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Màn hình hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc ngày 22/6/2020. Ảnh: Tân Hoa Xã
Màn hình hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc ngày 22/6/2020. Ảnh: Tân Hoa Xã

Hội nghị thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Trung Quốc và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Trung Quốc và EU đang trở nên mỏng manh hơn bao giờ hết.

Sự liên kết của Bắc Kinh với Moscow trong cuộc xung đột ở Ukraine đã gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và EU - mối quan hệ vốn đã bị rạn nứt bởi một loạt leo thang thương mại và địa chính trị. 

"Tại hội nghị thượng đỉnh với Trung Quốc, có một sự nhất trí lớn giữa các đại diện EU rằng đây không phải là hoạt động kinh doanh như thường lệ, và Brussels không nên ngây thơ," một nhà ngoại giao cấp cao của châu Âu nói với RFE.

Quan hệ đối tác của Bắc Kinh với Moscow đã trở nên nổi bật kể từ khi ông Tập và Tổng thống Nga Vladimir Putin ký một hiệp ước chiến lược vào đầu tháng 2 năm nay, càng thu hút sự chú ý sau khi chiến dịch quân sự ở Ukraine của Nga nổ ra.

Một báo cáo tình báo phương Tây đã cáo buộc rằng Trung Quốc đã biết về các kế hoạch hành động của Điện Kremlin và thậm chí yêu cầu Moscow trì hoãn chúng cho đến sau Thế vận hội Mùa đông 2022, trong khi các quan chức Mỹ cho biết Nga đã yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ thiết bị quân sự và kinh tế sau khi bị phương Tây trừng phạt.

Trung Quốc đã phủ nhận cả 2 báo cáo trên, và cho đến nay vẫn âm thầm tuân thủ các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Nhưng Bắc Kinh cũng không có dấu hiệu cho thấy sẽ từ bỏ mối quan hệ chiến lược đã tạo dựng với Điện Kremlin.

Tại hội nghị thượng đỉnh, Brussels đang tìm cách nhấn mạnh với Bắc Kinh rằng sự liên kết của Trung Quốc với Nga có thể gây hại cho mối quan hệ của nước này với EU - một trong những mối quan hệ kinh tế lớn nhất thế giới, với tổng giá trị thương mại song phương đạt 828 tỷ USD vào năm 2021.

Trung Quốc cũng trở thành tâm điểm trong các cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo NATO và châu Âu với Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 24-25/3 vừa qua tại Brussels, trong đó liên minh phương Tây thúc giục Bắc Kinh vì lo ngại Trung Quốc hỗ trợ quân sự và thông tin sai lệch của Nga xung quanh cuộc xung đột ở Ukraine.

Tại hội nghị thượng đỉnh ngày 1/4 tới, chiến lược của châu Âu là nêu rõ cái giá của việc hỗ trợ toàn diện hơn cho Nga, đồng thời nhấn mạnh rằng điều đó có thể đánh đổi bằng mối quan hệ sâu rộng hơn với EU - thường được Trung Quốc sử dụng như một vùng đệm trong bối cảnh nước này đang cạnh tranh với Mỹ ngày càng gay gắt.

Hai mối quan hệ thương mại lớn nhất của Trung Quốc là EU và Mỹ, và Bắc Kinh có thể không muốn gây nguy hiểm cho mối quan hệ với châu Âu trong khi đối mặt với hàng loạt sóng gió: Từ cuộc chiến Ukraine; bùng phát Covid-19 ngày càng tăng ở quốc nội; cuộc khủng hoảng tài chính trong lĩnh vực bất động sản của quốc gia...

Noah Barkin, một thành viên cấp cao tại Quỹ Marshall của Đức, nhận định rằng bối cảnh này đang mang lại cho EU thêm đòn bẩy: "Brussels đang đánh cược rằng ông Tập sẽ không muốn xa lánh EU, đặc biệt là vào thời điểm nhạy cảm này," ông Barkin nói với RFE.

Các quan chức EU không kỳ vọng Bắc Kinh phá vỡ quan hệ đối tác với Moscow, và cũng không cho rằng khối này nên đưa ra những lời đe dọa. Tuy nhiên, họ đã cân nhắc các biện pháp đáp trả, chẳng hạn như hạn chế Trung Quốc tiếp cận thị trường EU nếu Bắc Kinh công khai đứng về phía Điện Kremlin, hoặc vũ trang cho các binh sĩ Nga - theo nguồn tin từ 4 nhà ngoại giao cấp cao của châu Âu.

Ngoài mối quan hệ giữa Trung Quốc - Nga và cuộc xung đột ở Ukraine, chương trình nghị sự tại hội nghị thượng đỉnh Trung - EU cũng bao gồm tranh chấp thương mại với Litva, cáo buộc của phương Tây về vấn đề "lạm dụng" của Trung Quốc ở Tân Cương và Đài Loan.

Thorsten Benner, Giám đốc Viện Chính sách Công Toàn cầu có trụ sở tại Berlin, nói: “Châu Âu sẽ không thay đổi mạnh mẽ các mối quan hệ kinh tế của mình với Trung Quốc trong một sớm một chiều, nhưng họ cần phải đẩy nhanh quá trình điều chỉnh".