Ngày 12/1/2023, UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai chương trình công tác PCCC&CNCH năm 2023; Tổng kết thực hiện Kế hoạch số 513/KH-BCA-C07 ngày 07/10/2022 của Bộ Công an; Triển khai Kế hoạch số 234/KH-UBND ngày 11/11/2022 của UBND quận về thực hiện Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND ngày 06/7/2022 của HĐND Thành phố trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, thời gian qua, UBND quận Hoàn Kiếm đã triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Hà Nội và Công an thành phố Hà Nội về công tác PCCC&CNCH. Đồng thời, chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo xây dựng nhiều mô hình điểm về PCCC&CNCH được lãnh đạo Bộ Công an đánh giá cao và nhân rộng trên phạm vi toàn quốc, điển hình là mô hình “Hộ gia đình an toàn PCCC theo phương châm bốn tại chỗ”.
Về công tác xã hội hóa về PCCC: Vận động được 100% hộ gia đình tạo lối thoát nạn, cửa dự phòng tại ban công, lồng sắt, chuồng cọp và hướng dẫn lập phương án chữa cháy; 22.778/ 34.351 hộ dân trên địa bàn phường đã tự trang bị bình chữa cháy (đạt tỷ lệ 66,31%).
UBND quận chỉ đạo Công an quận, UBND 18 phường làm tốt công tác điều tra cơ bản và Tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC&CNCH đối với 100% cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC trên địa bàn quận theo Kế hoạch số 273 của Công an Thành phố Hà Nội.
Bên cạnh đó, công tác PCCC & CNCH còn một số khó khăn như việc trang cấp phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng thuộc nguồn vốn ngân sách khó do kinh phí lớn (Khoảng 50 tỷ đồng). Với nguồn lực ngân sách Quận còn hạn chế do tỷ lệ điều tiết ngân sách quận được hưởng trong năm 2022 giảm mạnh, quận Hoàn Kiếm chưa đủ nguồn lực để mua sắm, trang cấp phương tiện PCCC và CNCH theo quy định, phải thực hiện phân kỳ đầu tư trong giai đoạn 2022-2025.
Trụ sở của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH quận Hoàn Kiếm đến nay vẫn chật hẹp, không có sân bãi cho CBCS tập luyện để nâng cao thể lực và nghiệp vụ chữa cháy, CNCH; Phương tiện chữa cháy và cứu nạn cứu hộ còn thiếu so với thực tế công tác, nhiều phương tiện thường xuyên hư hỏng...
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân nhấn mạnh, năm 2022, bên cạnh những thuận lợi khó khăn; UBND quận tập trung lãnh đạo chỉ đạo hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ công tác PCCC&CNCH đã đề ra, trong đó, đã có nhiều cách làm hay, mô hình hoạt động hiệu quả được Lãnh đạo các cấp ghi nhận và biểu dương, điển hình là Mô hình “Hộ gia đình an toàn PCCC theo phương châm Bốn tại chỗ” - đã được Bộ Công an, Công an thành phố Hà Nội ghi nhận, đánh giá cao và nhận rộng, triển khai trên phạm vi toàn quốc.
Có thể nói, công tác PCCC&CNCH năm 2022 trên địa bàn quận đã thu được kết quả đáng ghi nhận, thể hiện rõ rệt qua các thống kê và đánh giá về tình hình cháy, nổ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm: địa bàn quận không có cháy lớn xảy ra, không có cháy chết người, không có vụ cháy gây thiệt hại nghiệm trọng về tài sản, số vụ cháy do lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận cứu chữa là 9 vụ, người dân, lực lượng dân phòng và Công an phường tổ chức dập tắt lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH không phải tổ chức cứu chữa là 45 sự cố cháy (chiếm 83,3%).
Đặc biệt trong thực hiện đợt tổng rà soát, kiểm tra PCCC&CNCH theo KH 513 của Bộ Công An, Quận Hoàn Kiếm đã hoàn thành trước thời hạn quy định 100% chỉ tiêu rà soát, kiểm tra đối với cơ sở, địa bàn; quyết liệt, mạnh mẽ trong việc xử lý đối với các cơ sở không đảm bảo về PCCC đúng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công an.
Để có được kết quả trên, tôi biểu dương sự đồng lòng vào cuộc của các phòng, ban chức năng, quyết tâm thực hiện của Đảng uỷ - UBND 18 phường, nổi bật là Công an quận Hoàn Kiếm với vai trò là cơ quan tham mưu trực tiếp đã chủ động nắm bắt thực tiễn, kịp thời báo cáo, đề xuất Quận uỷ, UBND quận lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả Công tác PCCC&CNCH trên địa bàn quản lý.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân yêu cầu các đơn vị, phòng chức năng thuộc UBND quận, Công an quận và UBND 18 phường tiếp tục bám sát chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ Công an; các Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, UBND quận về công tác PCCC&CNCH và triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân về PCCC; nhân rộng các mô hình về PCCC đã thí điểm triển khai có hiệu quả trong năm qua; tập trung xây dựng lực lượng dân phòng cả về lực lượng và trang bị phương tiện để đáp ứng với yêu cầu “bốn tại chỗ”; công tác tuyên truyền cần hướng đến mục tiêu từng hộ gia đình đều được trang bị phương tiện PCCC, từng thành viên được tập huấn về PCCC&CNCH.
Phòng Giáo dục và đào tạo khẩn trương triển khai lồng ghép vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa về PCCC và CNCH đối với học sinh các cấp bậc học trên địa bàn quận theo quy định tại thông tư số 06/2022/TT-BGD của Bộ giáo dục và đào tạo.
Phòng văn hóa và thông tin quận Hoàn Kiếm tăng cường phối hợp với Công an quận trong công tác tuyên truyền về PCCC đến người dân trên địa bàn thông qua mạng xã hội zalo, tin nhắn sms, hệ thống loa phát thanh tại các phường...
Đội Quản lý trật tự xây dựng quận Hoàn Kiếm tham mưu UBND quận có biện pháp xử lý đối với các công trình xây dựng không phép, trái phép theo lĩnh vực xây dựng không đảm bảo an toàn PCCC.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm yêu cầu UBND các phường xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác PCCC năm 2023, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC bằng nhiều nội dung và hình thức phong phú, nâng cao ý thức, nhân thức của nhân dân trong công tác PCCC.
Chịu trách nhiệm toàn diện về công tác PCCC trên địa bàn phường theo quy định tại khoản 2, Điều 52, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP. Định kỳ tổ chức rà soát, điều tra cơ bản về số lượng, danh sách cơ sở thuộc UBND cấp phường quản lý. Địa bàn nào để sót, lọt cơ sở mà không đưa vào diện quản lý thuộc thẩm quyền UBND phường quản lý theo Phụ lục IV của Nghị định 136 sẽ xem xét trách nhiệm của Chủ tịch UBND phường.
Duy trì hoạt động của đội dân phòng tại tổ dân phố đáp ứng với yêu cầu và phương châm “4 tại chỗ”, đồng thời phải rà soát và trang bị đầy đủ phương tiện cho lực lượng này theo đúng quy định của Bộ Công an, có hình thức kiểm điểm đối với Chủ tịch UBND phường không chỉ đạo thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước tại địa phương; không tổ chức chữa cháy, CNCH giai đoạn ban đầu khi xảy ra cháy, nổ trên địa bàn; đặc biệt xem xét xử lý trách nhiệm đối với các vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại về người...