Với số lượng lớn đó, công tác quản lý tại cộng đồng đang gặp khá nhiều khó khăn.
Luật khó vào cuộc sốngThực tế giám sát mới đây của Ban Pháp chế HĐND TP về vấn đề này cho thấy, do Cơ quan THAHS mới thành lập, cán bộ đa số trẻ hoặc chưa qua đào tạo THAHS, nên còn lúng túng. Phối hợp quản lý giữa đoàn thể cơ sở và gia đình đối tượng thiếu chặt chẽ, tại nhiều nơi hồ sơ được lập ra nhưng không nắm bắt được tâm tư, địa điểm đối tượng sinh sống. Đáng chú ý, Trung tá Đinh Tuấn Thành - Thủ trưởng Cơ quan THAHS, Công an quận Hai Bà Trưng chia sẻ: Trách nhiệm là cùng quản lý, nhưng không ít chính quyền, đoàn thể cơ sở gần như “khoán trắng” cho công an phường. Do phải mưu sinh, nhiều đối tượng hay thay đổi nơi cư trú, nên càng khó quản lý, dễ tái phạm, trong khi, chế tài xử lý hành chính chưa đủ mạnh. Chung khó khăn này, lãnh đạo UBND xã Tô Hiệu (Thường Tín) cùng nhiều xã, phường khác cho biết, khi giao cán bộ cơ sở, đoàn thể giúp đối tượng đều có quyết định phân công rõ ràng, song hiện vẫn không có cơ chế bố trí được kinh phí bồi dưỡng cho họ.
|
Đoàn giám sát Ban Pháp chế - HĐND TP làm việc với đại diện công an một số xã, thị trấn của huyện Thường Tín. Ảnh: Thùy Linh |
Nguyên nhân tình trạng này, theo Thượng tá Bùi Văn Tiến - Phó trưởng Công an quận Thanh Xuân, một phần do văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) hướng dẫn thực hiện Luật THAHS thiếu đồng bộ, chưa động viên được người dân và gia đình cùng quản lý, giáo dục người chấp hành án. Hơn nữa, lãnh đạo UBND phường Quỳnh Lôi (quận Hai Bà Trưng) cho rằng, Luật quy định người chấp hành án đi khỏi nơi cư trú một ngày trở lên đã phải khai báo tạm vắng là rất khó khả thi.
Các huyện còn khó khăn hơn, như Quốc Oai, có nhiều tuyến đê dài, với các cơ sở kinh doanh nhạy cảm, là điều kiện thuận lợi cho tội phạm lợi dụng. Còn theo Phó trưởng Công an huyện Thường Tín - Thượng tá Nguyễn Xuân Thọ, với nhiều trường hợp chấp hành xong hình phạt, UBND xã chậm bàn giao hồ sơ cho Cơ quan THAHS làm thủ tục cấp giấy chứng nhận, nên từ năm 2016 đến tháng 8/2017, huyện có 48 người chấp hành xong án thì mới 28 người được cấp. Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn Thạch Bảo Khôi cho rằng, cộng đồng chưa hết tâm lý kỳ thị, khiến người đã xong chấp hành án khó vay vốn, tìm việc.
Cần cơ chế, chính sách rõ ràngThực tế khảo sát cho thấy, hiệu quả quản lý các đối tượng THAHS và người chấp hành xong án sẽ khó chuyển biến nếu không tích cực tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội. Đặc biệt, theo Phó trưởng Công an thị trấn Thường Tín Đinh Văn Trinh, cần sớm kiện toàn lực lượng quần chúng nòng cốt ở cơ sở, xây dựng quy chế phối hợp, phân công trách nhiệm giữa cảnh sát khu vực với đoàn thể quần chúng trong công tác này. Đại diện các xã, thị trấn tại Quốc Oai thì mong sớm có chính sách riêng cho người chấp hành xong án tù về nơi cư trú vay vốn, tạo việc làm, cùng cơ chế đặc thù khuyến khích DN, trung tâm đào tạo nghề tiếp nhận họ...
Đoàn giám sát cho biết sẽ tham mưu HĐND TP kiến nghị T.Ư ban hành các VBQPPL liên quan, trong đó có chế độ đãi ngộ cán bộ trực tiếp làm THAHS tại địa phương. Tuy nhiên, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam cho rằng: Các quận, huyện cũng cần tập huấn, “cầm tay chỉ việc” cho cán bộ cấp xã; vận động người có uy tín ở cơ sở tham gia, mới giúp đối tượng dễ hòa nhập. Cơ quan THAHS các quận, huyện phải là đầu mối liên hệ với Công an TP để dần hiện đại hóa việc kết nối các đơn vị trong quản lý, tạo điều kiện cho người đã xong chấp hành án làm thủ tục xóa án tích...