Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý phổ biến phim trên mạng: chặn nguy cơ “xâm lăng” văn hóa

Phương Anh
Chia sẻ Zalo

Những xâm lấn theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” bằng con đường phim ảnh, văn hóa đang đe dọa trực tiếp đến nhận thức của công chúng, đặc biệt là giới trẻ.

Một thực tế nhức nhối thời gian qua là sự xuất hiện ngày càng nhiều nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ, sai lệch về lịch sử, phim không bản quyền...

Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến hữu ích của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà phát hành và phổ biến phim…
Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến hữu ích của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà phát hành và phổ biến phim…

Sau gần một thập kỷ phát triển mạnh mẽ, hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng đã và đang đặt ra cho công tác quản lý nhà nước nhiều khó khăn, thách thức. Hội thảo khoa học Quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp do Cục Điện ảnh tổ chức chiều qua 16.7 tại Hà Nội đã ghi nhận nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà phát hành và phổ biến phim… để cùng bàn thảo, nhìn nhận thẳng thắn về những nội dung này.

Ngàn lẻ kiểu thách thức

Theo Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Đỗ Quốc Việt, trong bối cảnh gia tăng như vũ bão các yếu tố công nghệ, phim ảnh trên không gian mạng, quản lý nhà nước đang gặp phải vô vàn khó khăn, thách thức. Việc tích lũy kinh nghiệm còn hạn chế, thiết bị hỗ trợ chưa hiệu quả, trong khi đó, công tác phối hợp liên ngành còn nhiều bất cập… Quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng hiện nay không chỉ là việc kiểm soát nội dung, mà còn là quản lý thực thi pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ, những chi phí người xem phải chi trả. Nhức nhối hơn cả là sự xuất hiện ngày càng nhiều bộ phim có nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ, vi phạm về văn hóa, sai lệch lịch sử, vi phạm bản quyền…

“Trước thực trạng này, đề tài Công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng do Bộ VHTTDL đặt hàng Cục Điện ảnh xây dựng là công trình nghiên cứu khoa học chuyên sâu, trên cơ sở thực tế, khảo sát, phân tích, nhận định, đánh giá, tìm ra những vướng mắc, hạn chế, đề ra giải pháp khắc phục nhằm góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý phổ biến phim trên không gian mạng…”, ông Việt cho biết.

Lãnh đạo Cục Điện ảnh cũng nhấn mạnh việc chuyển đổi thói quen và phương thức xem phim của người dân từ xem phim ở rạp sang các ứng dụng, thiết bị di động, ti vi thông minh có kết nối Internet. Một khảo sát do Cục Điện ảnh thực hiện tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy, phương thức xem phim trên mạng được người dân lựa chọn lên tới 39,3%, trong khi xem phim trên truyền hình giảm xuống chỉ còn 35,6%, thấp nhất là xem phim tại rạp với 24,8%. Xu hướng này dần tăng lên khi hệ thống mạng Internet tốc độ cao ngày càng phát triển. Trước những thay đổi đó, các đơn vị, doanh nghiệp phát hành phim trong và ngoài nước đã đẩy mạnh đầu tư, phát triển các ứng dụng phổ biến phim trên không gian mạng như VTVgo, FPT Play, Galaxy Play, DA.NET, Apple TV, Disney Plus, WeTV… Năm 2016, Netflix có mặt ở thị trường Việt Nam, tạo nên thay đổi đáng kể trong hoạt động phổ biến phim. Tổng số thuê bao trả phí cho Netflix ở Việt Nam hiện đã đạt con số hơn 300.000.

Nhiều bộ phim cài cắm “đường lưỡi bò” đã bị gỡ bỏ, cấm chiếu tại Việt Nam
Nhiều bộ phim cài cắm “đường lưỡi bò” đã bị gỡ bỏ, cấm chiếu tại Việt Nam

Bà Ngô Minh Nguyệt, Phó TBT Tạp chí VHNT đề cập, trong một thế giới phẳng, các bộ phim trên không gian mạng ngày càng dễ tiếp cận. Dù ở bất cứ đâu, chỉ cần một cú nhấp chuột, mọi thông tin đều có thể tiếp cận. Tuy nhiên, trong xu thế này, bên cạnh những thuận tiện cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ. Theo bà Nguyệt, thực tế nhiều năm qua đã cho thấy có những cài cắm tinh vi về chủ quyền, tranh chấp trên đất liền, biển đảo… được lồng ghép trong những câu chuyện, hành động, lời thoại của nhân vật. Nhiều bộ phim lồng ghép đường lưỡi bò, đường chín đoạn trong một số chi tiết, phân cảnh đã bị cơ quan chức năng của Việt Nam yêu cầu gỡ bỏ các vi phạm hoặc cấm chiếu.

“Xâm lấn bằng con đường phim ảnh, văn hóa đang đe dọa trực tiếp đến nhận thức của công chúng. Xem quá nhiều những bộ phim như vậy, khán giả sẽ vô tình bị định hướng, dẫn dắt theo tư tưởng sai lạc. Thêm vào đó, môi trường mạng tiện lợi, dễ sử dụng nên mọi lứa tuổi, không phân biệt quốc tịch, nhận thức đều có thể bị tiếp cận, bị “thao túng” bởi những sản phẩm độc hại”, Phó TBT Ngô Minh Nguyệt nhấn mạnh.

Chặn nguy cơ “xâm lăng” văn hóa bằng phim ảnh

Trước các diễn biến phức tạp, đa chiều từ công nghệ, vai trò của quản lý nhà nước đối với hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng càng trở nên cấp thiết. Theo các chuyên gia điện ảnh, việc nhận thức sớm, nhận thức đúng cũng như dự báo nguy cơ, hiểm họa từ một số bộ phim sẽ giúp cơ quan chức năng có biện pháp cảnh báo, phòng ngừa, hạn chế, ngăn chặn kịp thời các tác hại xấu, độc, không cho phát tán rộng rãi.

“Những cảnh báo sẽ giúp công chúng có sự tiếp thu chọn lọc và không bị dẫn dắt theo những chủ ý sai lạc được cài cắm. Không chỉ thế, vai trò quản lý nhà nước còn thể hiện trong việc ngăn chặn những bộ phim có nội dung kích động bạo lực, tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy...”, bà Ngô Minh Nguyệt nhấn mạnh.

Đồng tình với sự cần thiết tăng cường vai trò quản lý Nhà nước đối với hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng, bà Phan Thu Hồng (Cục Thông tin đối ngoại, Bộ TT&TT) nhấn mạnh: “Tính chất nhanh chóng, bất tận, đa chiều, khó lường của không gian mạng hiện nay đòi hỏi công tác quản lý, giám sát phải thường xuyên được cải thiện, đổi mới để phù hợp với thực tiễn. Khái niệm “chủ quyền trên không gian mạng”, “trận địa trên không gian mạng”... ra đời đã làm mờ dần suy nghĩ mạng Internet là không gian ảo, mơ hồ và ít ảnh hưởng tới đời sống xã hội”.

Về các hoạt động ngăn chặn thông tin, phim ảnh có nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam trên các trang không rõ nguồn gốc, có tên miền quốc tế, máy chủ đặt tại nước ngoài, bà Phan Thu Hồng cho biết, với nhóm đối tượng này, giải pháp duy nhất là dùng biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn, gỡ bỏ. Vì vậy, Bộ TT&TT đã triển khai đồng bộ hệ thống kỹ thuật để điều phối và giám sát việc chặn lọc kỹ thuật của 11 nhà mạng với nhóm đối tượng này. Tổng số lượng lệnh được thực hiện chặn là 1.461 website/blog xấu độc, vi phạm pháp luật trên không gian mạng Việt Nam; trong đó có nhiều trang phổ biến phim bất hợp pháp. Bà Hồng cũng cho rằng, một giải pháp luôn thời sự là tuyên truyền, làm cho mọi người hiểu được tác hại của hành vi này đang gặm nhấm, làm sai lệch nhận thức về chủ quyền lãnh thổ biển đảo của Tổ quốc.

“Thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường các giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ “xâm lăng” văn hóa tiềm ẩn trong nhiều bộ phim trên không gian mạng, trong đó, chú trọng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật; sử dụng kỹ thuật công nghệ, xử lý dùng dữ liệu lớn, nâng cao năng lực rà quét, giám sát liên tục 24/7, phát hiện sai phạm, cảnh báo và xử lý kịp thời…”, bà Phan Thu Hồng đề xuất.

Khẳng định hiệu quả công tác phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Bộ TT&TT trong quản lý phim trên không gian mạng, ông Bùi Huy Cường (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ TT&TT) cho biết, qua hoạt động quản lý nhà nước về dịch vụ phát thanh, truyền hình, Bộ TT&TT nhận thấy các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới có nhiều phim vi phạm tiêu chí phổ biến theo quy định pháp luật Việt Nam và đã có văn bản phối hợp, đề nghị Bộ VHTTDL xem xét, xử lý, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài được kinh doanh trên cùng mặt bằng pháp lý.

Để công tác phối hợp giữa hai Bộ đi vào thực chất, hiệu quả, theo ông Cường, cần có thêm những giải pháp mạnh tay và nghiêm khắc. Đồng thời, cần kịp thời ban hành quyết định không cho phép phổ biến đối với những phim vi phạm nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh. “Quyết định không cho phép phổ biến cần ban hành song song với việc yêu cầu các doanh nghiệp gỡ phim khỏi nền tảng dịch vụ. Như vậy, sẽ không xảy ra tình trạng xuất hiện những phim đã vi phạm nội dung bị nghiêm cấm được biên tập và tiếp tục cung cấp…”, ông Cường nhấn mạnh.