Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quan trọng là ý thức người dân

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu tuần qua, sau gần 4 ngày chặn không cho xe chở rác lưu thông, người dân các xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ đã mở đường cho xe vào bãi rác Nam Sơn.

Như vậy, một lần nữa, nhờ sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo TP, sự vào cuộc tích cực của các đơn vị hữu quan, sự cố về rác thải ở Hà Nội đã được giải quyết. Nói vậy là bởi đây không phải lần đầu tiên Hà Nội xảy ra tình trạng này.

Theo số liệu từ Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, hiện mỗi ngày Hà Nội phát sinh gần 5.400 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó tại khu vực các quận, thị xã là 3.200 tấn. Tuy nhiên, năng lực thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đến các khu xử lý tập trung chỉ đạt 72% (gần 3.900 tấn). TP hiện có 2 khu xử lý chất thải quy mô lớn là Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) và Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây), cùng một số bãi rác nhỏ như Núi Thoong (huyện Chương Mỹ), Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì), Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm)… 95% lượng rác thải sinh hoạt tại Hà Nội vẫn được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, tốn kém và gây ô nhiễm môi trường. Với lượng rác thải như vậy, không ai có thể nói chắc sẽ không có sự cố tương tự nảy sinh, nếu việc xử lý rác thải ở Hà Nội vẫn tiếp tục trông cậy chủ yếu vào việc chôn lấp.

Thực trạng trên cho thấy, áp dụng công nghệ tiên tiến vào xử lý rác thải, biến rác thải thành nguồn nguyên, nhiên liệu có ích là một nhu cầu cấp bách với Hà Nội cũng như các TP lớn trong cả nước. Thực tế thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc xử lý và chuyển hóa rác thải sinh hoạt thành năng lượng, sản phẩm có ích. Điển hình là Dự án xây dựng hệ thống xử lý chất thải công nghiệp để phát điện do Tổ chức Phát triển công nghệ công nghiệp và năng lượng Nhật Bản (NEDO) tài trợ, áp dụng công nghệ tiên tiến của Nhật Bản để biến chất thải công nghiệp thành điện năng là ví dụ. Được biết, dự án đã cơ bản hoàn thành, đang hiệu chỉnh hệ thống trang thiết bị trước khi vận hành. Tuy nhiên, đây là nhà máy có công xuất nhỏ, chỉ xử lý được 75 tấn rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại mỗi ngày, tạo ra 1.930kW điện, hầu như không đáng kể so với lượng rác phát sinh. Hai nhà máy chế biến rác thải là Cầu Diễn và Seraphin Sơn Tây cũng đã được xây dựng và đưa vào hoạt động. Có điều là hai nhà máy này chủ yếu tái chế chất thải rắn nên lượng rác xử lý chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với tổng lượng chất thải hàng ngày.

Chôn lấp là phương pháp xử lý rác thải đơn giản nhưng tốn kém và gây lãng phí tài nguyên đất đai. Chưa kể không khí, nguồn nước ngầm có thể bị ô nhiễm trong quá trình rác phân hủy nếu không được xử lý tốt. Như vậy, rõ ràng về lâu về dài việc thay đổi phương pháp xử lý rác thải là điều cần thiết và Hà Nội đang tích cực thay đổi theo định hướng này. Tuy nhiên, có một điều cần quan tâm. Đó là thực tế các nước áp dụng công nghệ xử lý rác thải tiên tiến như Thụy Điển, Nhật Bản… cho thấy, một trong những điều kiện quan trọng để xử lý rác thải theo công nghệ tiên tiến là thực hiện phân loại rác tại nguồn. Điển hình là so với các nước châu Âu, Nhật Bản không phải là quốc gia đi đầu về tái chế rác thải nhưng họ làm việc này rất hiệu quả. Nguyên nhân là do Nhật Bản làm rất tốt việc phân loại rác và xử lý rác hiệu quả. Rác thải của Nhật Bản được quản lý có chiều sâu với ý thức phân loại rác và đổ rác đúng nơi quy định của người dân.

Cũng cần thấy rằng, không phải đợi đến khi có thể áp dụng rộng rãi việc xử lý rác thải bằng công nghệ tiên tiến mà ngay từ bây giờ chúng ta cũng đã có thể hạn chế nguồn rác thải bằng một cách làm không mấy tốn kém. Đó là phân loại rác thành rác thải hữu cơ, rác thải tái chế… ngay tại nguồn. Cách làm này nếu thực hiện tốt sẽ đưa một lượng không nhỏ rác có thể tái chế trở thành nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, một lượng lớn rác hữu cơ có thể chế biến thành phân bón thay vì tất cả đều chôn lấp như hiện tại.

Như vậy, có thể nói việc nâng cao ý thức người dân trong việc phân loại xử lý rác thải tại nguồn là yếu tố quan trọng để giải quyết tận gốc vấn đề rác thải của Hà Nội cũng như các TP trong cả nước. Nói cách khác, mỗi người dân TP đều có thể và có trách nhiệm góp phần giải quyết nạn rác thải tồn đọng.

Cũng cần nói thêm là TP Hồ Chí Minh đã đi trước một bước trong vấn đề này. Sau nhiều lần thí điểm, mới đây UBND TP ban hành quy định về việc phân loại rác thải tại nguồn. Theo Quy định mới ban hành, từ ngày 24/11/2018, người dân TP phải thực hiện phân loại rác tại nguồn. Nếu vi phạm có thể bị phạt số tiền lên tới 15 - 20 triệu đồng. Tất nhiên để người dân nhận thức đúng và tự giác thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn không thể chỉ trông vào việc xử phạt. Cần có sự vận động, tuyên truyền và đặc biệt là hướng dẫn, tạo điều kiện cho mỗi người, mỗi nhà thực hiện. Và việc này nên chăng đầu tiên phải được thực hiện một cách thật nghiêm túc ở các cơ quan, công sở, các đơn vị của TP như một sự nêu gương, làm mẫu?