Sáng tạo trong thiết kế
Những ngày qua, khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, phố đi bộ Hồ Gươm liên tục diễn ra các hoạt động trình diễn văn hóa phi vật thể trong đời sống đương đại. Trong không gian làng quê cổ kính được tái hiện tại khu vực nhà Bát Giác, công chúng không chỉ được lắng nghe những làn điệu Chèo tàu, hát Dô, hát Xẩm hay hát Ví mà còn được hòa mình vào văn hóa dân gian của các làng nghề truyền thống; tham quan những mô hình, tác phẩm tinh xảo.
Hà Nội có rất nhiều lợi thế khác nhau như: Ẩm thực, nghề thủ công truyền thống... Tôi nghĩ rằng, lựa chọn lĩnh vực thiết kế sáng tạo là thông minh và phù hợp. Lĩnh vực thiết kế sáng tạo có thể bao trùm nhiều nội dung như: Ẩm thực, thời trang, điện ảnh, nghề thủ công truyền thống khi mà các nghề thủ công truyền thống cũng có thể được sáng tạo mới, thêm những yếu tố thiết kế vào trong đó. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia |
Cùng với đó, lễ hội còn tổ chức không gian giới thiệu ứng dụng của nghề thủ công truyền thống đáp ứng nhu cầu phát triển đời sống như: Nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức), nghề đồ gỗ mỹ nghệ Thiết Úng (huyện Đông Anh), nghề may áo dài làng Trạch Xá (huyện Ứng Hòa) với bảo tồn, phát triển áo dài nam ngũ thân của nhóm Đình làng Việt. Hoặc nghề thêu truyền thống làng Đông Cứu (huyện Thường Tín) với việc phục chế các hiện vật chất liệu vải cho các bảo tàng, trang phục trong thực hành lễ hội ở cộng đồng và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.
Sáng tạo từ giá trị truyền thống
Tham gia lễ hội “Văn hóa dân gian trong đời sống đương đại”, nghệ nhân của các làng nghề đã đem tới những tác phẩm giàu tính sáng tạo. Theo nghệ nhân Nguyễn Vũ Vinh (thôn Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội) chia sẻ: “Trong thời đại phát triển của khoa học kỹ thuật, công việc của người thợ mộc Chàng Sơn đã phần nào bớt nặng nhọc hơn, nhưng không làm mất đi giá trị sản phẩm. Mộc Chàng Sơn vẫn còn đó những hoa văn, những đường nét đục đẽo tinh xảo".
Ngoài việc sáng tạo trong mẫu mã, thiết kế, người thợ tại các làng nghề truyền thống còn tìm tòi những nguyên liệu mới nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Chị Vũ Thị Nhung (huyện Chương Mỹ) cho biết: “Trước đây, thợ chủ yếu làm hoành phi, câu đối trong nhà thờ, đình đền, trang trí họa tiết trên sập gụ, tủ chè hay chế tác ra những bức tranh treo tường phỏng theo tích truyện Tam Quốc. Nhưng ngày nay, theo thời gian và xu thế hội nhập, thợ nghề còn khảm cả tranh truyền thần về nhân vật nổi tiếng, phong cảnh mang tính mỹ thuật, tinh xảo”.
Với sự tham gia nhiều địa phương, nghệ nhân của các làng nghề trong việc sáng tạo sản phẩm truyền thống cho thấy, một trong những hướng đi của TP Hà Nội hiện nay đang là khai thác và gia tăng yếu tố về sáng tạo, giảm thiểu các yếu tố tiêu cực về môi trường, kết nối được cộng đồng phát triển bền vững. Đây cũng chính là một trong những mục đích của UNESCO khi đề nghị các TP tham gia vào mạng lưới các Thành phố sáng tạo để thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.