Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Nam: Người dân sống ven sông Thu Bồn nơm nớp nỗi lo sạt lở

Công Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người dân sống tại 2 thôn Trung Phước 1 và Trung Phước 2, xã Quế Trung, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam đang sống trong cảnh nơm nớp lo sợ khi tình trạng sạt lở bờ sông Thu Bồn diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Nhiều căn nhà của người dân chỉ còn cách bờ sông chừng 3 m.

Thấp thỏm nỗi lo sạt lở
Nhiều năm nay, cứ vào mùa mưa bão là các hộ dân sống tại thôn Trung Phước và Trung Phước 2 xã Quế Trung lại thấp thỏm, nơm nớp lo sợ khi chứng kiến cảnh “hà bá” nuốt chửng hàng chục mét đất vườn của gia đình.
Theo người dân địa phương, họ sống ở khu vực này hàng chục năm qua cũng có hiện tượng sạt lở bờ sông xảy ra nhưng không đáng kể. Mọi người thường trồng các hàng tre sát bờ là có thể hạn chế tình trạng sạt lở. Tuy nhiên, khoảng vài năm trở lại đây bờ sông Thu Bồn bị sạt lở nặng, ăn sâu vào trong nhà dân và không có dấu hiệu dừng lại.

Căn nhà tạm bợ của chị Tăng Thị Tín (thôn Trung Phước 2) đã kề miệng sông.

Chỉ mấy ngọn tre do mình trồng đang vật vờ giữa dòng sông, bà Tăng Thị Tín (60 tuổi, trú thôn Trung Phước 2, xã Quế Trung) cho biết, trước kia đất vườn của gia đình bà ra đến tận hàng tre nhưng do tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra rất nhanh, giờ chỉ còn 3 m nữa là vào sát móng nhà khiến bà cũng như các hộ dân xung quanh hết sức lo lắng.
“Cứ mỗi khi mưa lớn là tôi lại thấp thỏm, đứng ngồi không yên vì sạt lở. Trước đây căn nhà tôi nằm cách bờ sông hơn 30 m, cứ nghĩ là sẽ khó bị ảnh hưởng của sạt lở. Thế nhưng 2 năm gần đây, sạt lở ăn sâu vào tận nhà, chỉ sau một đêm nước dâng cao thì toàn bộ chuồng trại chăn nuôi của gia đình bị kéo sập”, bà Tín chia sẻ.
Không chỉ có hộ bà Tín, ở khu vực này còn có mấy căn nhà cấp 4 tạm bợ của bà Nguyễn Thị Bích Tuyền, ông Tăng Thoại, bà Tăng Thị Kim Yến chỉ cách mép sông chừng 3-5 m. Những hộ dân này đều thuộc diện hộ nghèo, già yếu và hay ốm đau.
“Lo sợ thật đấy nhưng vì cuộc sống còn khó khăn quá phải ở lại đây chứ biết làm sao được. Mong các cấp các ngành quan tâm, hỗ trợ di dời bà con chúng tôi đến nơi ở mới để an tâm, ổn định cuộc sống mới”, ông Tăng Thoại nói.

Một phần móng nhà của bà Nguyễn Thị Huê đã bị sạt lở, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. 

Cùng chung cảnh ngộ, nhiều năm qua, các hộ dân sống ở khu vực bến đò Trung Phước (thôn Trung Phước 1) cũng khổ sở vì nạn sạt lở. Chỉ tay vào ngôi nhà kiên cố có thể bị đổ sập bất cứ lúc nào, bà Nguyễn Thị Huê (60 tuổi, thôn Phước Trung 1, xã Quế Trung) cho biết thêm, hầu như những hộ dân sống hai bên bờ sông này năm nào cũng mất đi cả chục m đất. Gần 2 sào đất trồng hoa màu, 2 lũy tre sát nhà cùng bị nước lớn làm bật gốc, cuốn ra xa.
“Mùa mưa bão đến rồi, không biết tới đây có thêm bao nhiêu m đất bị mất đi nữa. Đã thế, một phần móng của ngôi nhà đã bị sạt lở khiến 2 mẹ con tôi vô cùng bất an. Chỉ cần mưa lớn kéo dài vài ngày là căn nhà có thể bị đổ sập bất cứ lúc nào”, bà Huê than thở.
Theo người dân địa phương, cứ bão lụt là các hộ trong khu vực phải chạy đi tìm chỗ trú ẩn an toàn. Họ mong muốn được di dời đến nơi an toàn sau nhiều năm mòn mỏi trông chờ nhà nước xây bờ kè giữ đất, giữ làng.
Gia đình ông Tăng Thoại dùng bao cát để kè chống sạt lở. 
Nan giải bài toán kinh phí
Ông Đỗ Trường Thương - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Trung cho biết, tình trạng sạt lở ven sông Thu Bồn đoạn chảy qua địa phương có 2 điểm sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 50 hộ dân của 2 thôn Trung Phước 1 và Trung Phước 2. Lo sợ sạt lở, trong thời gian qua, người dân đã trồng tre giữ đất để hạn chế tình trạng trên. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời, còn để giải quyết triệt để thì tại các vị trí sạt lở cần phải kè bê tông cốt thép. Về vấn đề này, chính quyền xã không thể nào đáp ứng được vì kinh phí quá lớn. Hiện xã đã kiến nghị lên UBND huyện Nông Sơn để có biện pháp giải quyết.
Cứ mùa mưa bão đến, người dân sống dọc sông Thu Bồn lại thấp thỏm nỗi lo sạt lở. 
“Về trường hợp của 5 hộ dân ở thôn Trung Phước 2, trước đó địa phương đã có phương án và xác định được một số vị trí để di dời người dân rồi. Thế nhưng, có một số điểm không thuận lợi cho người dân sinh sống nên đến nay vẫn chưa thể di dời được. Sắp tới, địa phương sẽ kiến nghị lên cấp trên để tìm vị trí phù hợp, áp dụng cơ chế mới để hỗ trợ bà con ổn định đời sống”, ông Thương nói.
Ông Trần Thiện Thắng - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn cho hay, đơn vị đã tổ chức kiểm tra, khảo sát và đánh giá mức độ sạt lở trên sông Thu Bồn, đoạn chảy qua xã Quế Trung để tìm hướng khắc phục.
“Hiện tại chúng tôi đã yêu cầu người dân sống dọc bờ sông trồng tre để giữ đất, hạn chế tình trạng sạt lở. Về lâu dài, tôi đã kiến nghị lên UBND huyện Nông Sơn để xin nguồn hỗ trợ của UBND tỉnh Quảng Nam hoặc Trung ương để xây dựng bờ kè cứng dọc khu dân cư này hoặc bố trí khu tái định mới cho bà con”, ông Thắng nói.