“Khát” nhà ở xã hội
Chị Võ Thị Minh Châu (xã Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi) bắt đầu làm công nhân ở Khu công nghiệp VSIP (xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh) từ tháng 6/2022. Nếu tăng ca và phụ cấp thêm, mỗi tháng thu nhập của chị vào khoảng 7 triệu đồng.
“Vì nhà xa nên phải thuê trọ để ở lại. Phòng trọ chật chội, nóng bức vào mùa hè, ẩm thấp vào mùa mưa. Riêng tiền trọ, điện, nước mỗi tháng đã “ngốn” hơn 1 triệu đồng, nên không có tiền tích lũy. Đi chợ mua bó rau cũng tính toán chi li từng tí, vậy mà vẫn thiếu trước hụt sau”, chị Anh cho hay.
Không lựa chọn thuê nhà như chị Châu, chị Nguyễn Thị Vân Anh (xã Bình An, huyện Bình Sơn) hàng ngày mất khoảng 1 giờ đồng hồ mới đến được công ty.
“Quãng đường từ nhà tôi tới Khu công nghiệp VSIP dài 35km, xa và nguy hiểm vì phải qua quốc lộ có rất nhiều xe tải trọng lớn. Đặc biệt vào mùa mưa lại càng khó khăn, nguy hiểm hơn”, chị Anh chia sẻ.
Hiện tại, Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tại tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 240 dự án đang hoạt động sản xuất, kinh doanh với khoảng 69 nghìn lao động.
Với sự hình thành các khu công nghiệp như Khu công nghiệp VSIP, Khu công nghiệp Tịnh Phong, Khu kinh tế Dung Quất..., Quảng Ngãi đã trở thành một trong những địa phương phát triển công nghiệp nhanh của miền Trung.
Đặc biệt, tại Khu kinh tế Dung Quất có hàng vạn công nhân làm việc ở các dự án lớn nhưng số nhà ở để bố trí, cho thuê còn quá khiêm tốn. Công nhân rất khó khăn, đi lại xa, thuê nhà trọ không đảm bảo.
Ngoài một số doanh nghiệp lớn đầu tư nhà ở cho công nhân, còn lại, hầu hết công nhân ở các doanh nghiệp khác phải tự thuê nhà, phòng trọ với điều kiện sống chật chội, ẩm thấp. Họ tha thiết muốn được đầu tư nhà ở xã hội để họ có điều kiện thuê, mua, ổn định cuộc sống.
Theo thống kê của ngành chức năng, giai đoạn 2015 – 2023, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi chưa có dự án nhà ở xã hội nào được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước cũng như nguồn vốn ngoài Nhà nước.
Hiện tại, có 6 dự án nhà ở cho công nhân là do các doanh nghiệp có quy mô lớn tại Khu kinh tế Dung Quất đầu tư, phục vụ cho chính công nhân mình với tổng số lượng 1.198 căn đáp ứng cho 4.482 người, cụ thể: Vinashin Dung Quất 96 căn, Công ty TNHH MTV Đầu tư, Xây dựng và kinh doanh dịch vụ Quảng Ngãi 52 căn, Thép Hòa Phát Dung Quất 456 căn, Nhà máy lọc dầu Dung Quất 503 và Doosan Vina Dung Quất 53 căn.
Đối với quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, có 34/84 dự án đã bố trí quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội với diện tích 27,06 ha. Tuy nhiên, các dự án nhà ở thương mại này, nhà đầu tư chỉ đề xuất bàn giao quỹ đất hoặc nộp tiền bằng tương đương quỹ đất nhà ở xã hội theo quy định.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến khó khăn khi phát triển nhà ở xã hội
Theo Sở Xây dựng Quảng Ngãi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua gặp khó khăn.
Trong đó, về khách quan, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội không mang đến lợi nhuận như các hình thức đầu tư nhà ở thương mại, đất nền thương mại (quy định pháp luật khống chế tiêu chuẩn thiết kế, loại nhà ở, mức trần giá bán, cho thuê, cho thuê mua, lợi nhuận định mức, đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội).
Chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội hiện nay chủ yếu tập trung vào việc giảm giá thành nên đối tượng thụ hưởng chính là người mua, thuê, thuê mua. Vì vậy, theo quy luật kinh doanh, việc thu hút các nhà đầu tư tự nguyện bỏ vốn đầu tư nhà ở xã hội là rất khó khăn.
Về nguyên nhân chủ quan, quy định về quy trình, thủ tục đầu tư,... đối với dự án nhà ở xã hội giữa pháp luật về đầu tư và pháp luật nhà ở chưa có sự đồng nhất, dẫn đến lúng túng trong quá trình thực hiện.
Về mặt pháp lý, tồn tại nghịch lý là nhà ở xã hội nhưng thực hiện chính sách pháp lý tương tự như nhà ở thương mại, điều này khiến tiến độ thực hiện các dự án kéo dài, thủ tục pháp lý phức tạp hơn, không thu hút các nhà đầu tư và nhất là nguồn vốn vay hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện những dự án nhà ở xã hội này chưa triển khai được.
Do đó, cần thiết phải nghiên cứu cơ chế, ban hành chính sách riêng về việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp theo hướng ưu tiên, bố trí quỹ đất và các thiết chế ở khu công nghiệp, coi nhà ở công nhân là hạ tầng thiết yếu tại khu công nghiệp. Chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp phải có trách nhiệm đầu tư nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp.
Đồng thời kiến nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh Điều 6 của Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 nhằm tạo điều kiện cho các Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được dành quỹ đất trong phạm vi dự án để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại nhằm bù đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội
Quảng Ngãi đã đề ra chỉ tiêu đến năm 2030 hoàn thành 6.300 căn (nhà ở thu nhập thấp và nhà ở công nhân), trong đó: giai đoạn 2021-2025 hoàn thành 1.500 căn, giai đoạn 2026- 2030 hoàn thành 4.800 căn.
Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn tỉnh, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh công bố công khai danh mục vị trí các dự án nhà ở xã hội cần thu hút đầu tư trong năm 2023 và các năm tiếp theo để các doanh nghiệp quan tâm, tham gia nghiên cứu; đề xuất đầu tư dự án với 20 vị trí, với diện tích khoảng hơn 330ha để kêu gọi nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Đơn vị này cũng cho rằng, trong số 3 hình thức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hiện nay, hình thức doanh nghiệp, Hợp tác xã bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội là phù hợp nhất với tỉnh Quảng Ngãi.