Tuổi trẻ xung kích
Những ngày tháng 7, ngôi nhà của Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Đủ (xã Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi) trở nên rộn ràng, ấm cúng hơn hẳn bởi tiếng nói cười, thăm hỏi của cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy quân sự TP Quảng Ngãi, lực lượng dân quân và đoàn viên thanh niên địa phương đến tu sửa, dọn dẹp.
Sống trên mảnh đất anh hùng, tuổi trẻ của Mẹ Đủ là những tháng ngày gian khổ dưới mưa bom, bão đạn chiến tranh. Chồng và 2 con trai của Mẹ đều sinh nơi chiến trường. Sau những mất mát, đau thương, giờ đây, ở tuổi 94, sự quan tâm của cộng đồng, nhất là của lớp thế hệ trẻ đã an ủi Mẹ rất nhiều.
“Mẹ già yếu, không đi đâu được và cũng không làm gì được, hôm nay nhờ các con giúp đỡ, sửa lại nhà cửa cho nắng đỡ dọi vào, lo lắng cho Mẹ chuyện lớn đến chuyện nhỏ. Mẹ cảm ơn và rất vui” - Mẹ Võ Thị Đủ xúc động.
Cũng tại xã Tịnh Hòa, ngôi nhà và tường rào của Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Tròn được sửa sang cho vững chãi, gọn ghẽ.
Một ngày của năm 1968, khi Mẹ đang ốm nặng thì hay tin chồng hy sinh ngoài mặt trận. Nghĩ đến 5 người con (3 trai, 2 gái) còn nhỏ dại, Mẹ không cho phép mình suy sụp mà phải mạnh mẽ đứng lên. Để có thể lo cho các con, Mẹ làm đủ các nghề, gánh gồng bán buôn, chỉ mong các con nhanh lớn, góp sức giải phóng quê nhà.
Năm 1972, người con trai thứ của Mẹ nhập ngũ và hy sinh sau ít tháng. 2 người con trai còn lại tiếp tục ra mặt trận, may mắn các anh đã trở về cùng Mẹ, hân hoan mừng ngày giải phóng quê hương.
“Lúc chồng hy sinh Mẹ mới 31 tuổi, hồi đó Mẹ khóc cả tháng chưa nguôi ngoai. Rồi tiếp tục mấy năm sau, con trai hy sinh nữa, mất mát đó không sao nói hết được. Bây giờ được quan tâm, động viên, Mẹ cảm thấy vui lắm. Mẹ sống một ngày cũng như được sống thêm 5 ngày nữa” - Mẹ Trần Thị Tròn xúc động.
Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Tịnh Hòa Lê Công Văn chia sẻ: “Các hoạt động này giúp cho lớp trẻ chúng tôi phát huy tinh thần xung kích, thể hiện lòng tri ân đối với sự hy sinh, mất mát của các Mẹ cũng như là các anh, các chú đã ngã xuống, giành độc lập cho đất nước. Đồng thời cũng là lời nhắc nhở thế hệ trẻ chúng tôi có hành động và có ý nghĩa trách nhiệm hơn”.
Quan tâm, chăm lo người có công cách mạng
Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi, đến nay, toàn tỉnh có trên 181.000 người được xác nhận là người có công với cách mạng, chiếm 14,6% dân số toàn tỉnh. Trong đó, có hơn 37.400 liệt sĩ, 55.087 thương binh, 5.170 bệnh binh, 10.235 người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị bắt tù đày, 5.868 người tham gia kháng chiến có con đẻ bị nhiễm chất độc màu da cam. Đặc biệt, toàn tỉnh có 6.817 Mẹ Việt Nam anh hùng được công nhận. Hiện 208 Mẹ còn sống đều được các tổ chức, cá nhân phụng dưỡng đến cuối đời.
Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), UBND tỉnh Quảng Ngãi thành lập 13 đoàn công tác, do đại diện lãnh đạo tỉnh làm trưởng đoàn trực tiếp đến thăm hỏi, tặng quà cho 52 đối tượng là người có công với cách mạng tiêu biểu ở các huyện, thị xã, TP; thăm hỏi, động viên, tặng quà 18 đối tượng người có công neo đơn đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm điều dưỡng người có công, Trung tâm công tác xã hội tỉnh...
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân khẳng định, Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền, Nhân dân luôn ghi nhớ công lao, sự hy sinh và luôn quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người có công với cách mạng thông qua nhiều chính sách, chế độ, được hiện thực hóa, cụ thể hóa bằng những phong trào có sức lan tỏa, đi vào đời sống như “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng… để đời sống người có công trên địa bàn tỉnh ngày càng tốt hơn.
“Thế hệ hôm nay sẽ luôn ghi nhớ và trân trọng những đóng góp của các cô, chú và thế hệ đi trước đối với sự phát triển của đất nước, quê hương trong giai đoạn hiện nay. Thể hiện tấm lòng tri ân đó, thế hệ hôm nay sẽ luôn cố gắng, nỗ lực phấn đấu để tiếp tục kế tục sự nghiệp cách mạng mà các cô chú đã dày công xây dựng và đóng góp” - Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân bày tỏ.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cũng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân địa phương tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” chăm lo cho các đối tượng chính sách cả về vật chất, tinh thần, tô thắm truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.