Quảng Ngãi phục hồi khá sau đại dịch Covid-19

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Tăng trưởng và phát triển kinh tế của Quảng Ngãi có bước phục hồi khá sau đại dịch Covid-19. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng đạt và vượt kế hoạch.

Đây là đánh giá của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân tại hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX (nhiệm kỳ 2020- 2025) được tổ chức vào ngày 7/7.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân.

Cụ thể, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết Đại hội XX.

Nổi bật là tăng trưởng và phát triển kinh tế có bước phục hồi khá sau đại dịch Covid-19. Năm 2021, có 16/24 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ưóc đạt 53.501 tỷ đồng, tăng 6,0%, so với một số địa phương lân cận thì tỉnh Quảng Ngãi có tốc độ tăng trưởng GRDP khá cao. 

Năm 2022, Quảng Ngãi thực hiện đạt và vượt 25/25 chỉ tiêu kinh tế - xã hội (có 14 chỉ tiêu vượt). Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,08%; quy mô GRDP (theo giá trị hiện hành) đạt 121.668 tỷ đồng, xếp thứ 4 so với 14 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ và thứ 2 so với 5 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

6 tháng đầu năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 2,65% so với cùng kỳ năm 2022. 

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng; nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng đạt và vượt kế hoạch. Dự kiến đến hết năm 2023 có 11/24 chỉ tiêu đạt và vượt, 1/24 chỉ tiêu đạt một phần so với chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu theo Nghị quyết Đại Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra.

Đến năm 2025 có khả năng hoàn thành đạt và vượt 22 chỉ tiêu; 2 chỉ tiêu dự kiến không đạt là tăng trưởng GRDP và tăng năng suất lao động.

Hoạt động xuất, nhập khẩu có chuyển biến tích cực, kim ngạch xuất khẩu bình quân tăng 14,2%/năm, kim ngạch nhập khẩu bình quân tăng 25,6%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thu ngân sách Nhà nước, giải ngân hằng năm đạt tỷ lệ cao.

Về thực hiện nhiệm vụ về phát triển công nghiệp, thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm; quan tâm cân đối, bố trí hợp lý vốn để đầu tư, hỗ trợ đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án lớn tại Khu kinh tế Dung Quất, như: Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất; dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1 và 2; Dự án Khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ VSIP 2.

Chỉ đạo khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng Quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất.

Giá trị sản xuất công nghiệp bình quân của Quảng Ngãi giai đoạn 2021 - 2023 tăng 8,0%/năm.
Giá trị sản xuất công nghiệp bình quân của Quảng Ngãi giai đoạn 2021 - 2023 tăng 8,0%/năm.

Tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 7,94%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2021 - 2023 tăng 8,0%/năm; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò chủ lực, chiếm tỷ trọng rất cao (98%) trong cơ cấu giá trị sản xuất nội bộ ngành công nghiệp.

Tham gia thảo luận về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu giữa nhiệm kỳ, nhiều ý kiến đánh giá nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Các đại biểu tham dự hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Tuy nhiên, sau nửa nhiệm kỳ vẫn còn tồn tại nhiều mặt hạn chế. Đó là thu ngân sách vượt tiến độ thu so với mục tiêu đề ra nhưng đời sống người dân vẫn còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhiều cán bộ còn tâm lý e ngại trong công việc. Việc phát triển các đô thị còn manh mún, chắp vá.

Đối với phát triển du lịch, dịch vụ, một số ý kiến đề nghị tỉnh cần tạo điều kiện mời gọi nhà đầu tư đúng tầm vóc, để phát triển Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển, đảo quốc gia. Cần chú ý đến việc đầu tư các công trình văn hóa làm thay đổi diện mạo du lịch. Sự đầu tư cần tập trung, không nên dàn trải.