Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi tái cơ cấu ngành công thương

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh có công nghiệp theo hướng hiện đại, nhiều sản phẩm công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đây là một trong những nội dung chính của kế hoạch tái cơ cấu ngành Công thương đến năm 2030 do UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ban hành.

Theo kế hoạch trên, mục tiêu cụ thể của việc tái cơ cấu ngành Công thương là đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp của Quảng Ngãi đạt bình quân từ 8,5-9,5%/năm; tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt trên 45%.

Quảng Ngãi đặt ra mục tiêu, đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân từ 8,5-9,5%/năm.
Quảng Ngãi đặt ra mục tiêu, đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân từ 8,5-9,5%/năm.

Đảm bảo cân đối cung cầu về năng lượng với tỷ lệ tiêu hao năng lượng tính trên GRDP giảm từ 1-1,2%/năm; tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt bình quân từ 7-8%/năm; nhập khẩu đạt bình quân từ 6-7%/năm; tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt bình quân từ 8-9%/năm.

UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tái cơ cấu ngành Công thương nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trên cơ sở phát huy vai trò động lực của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để khai thác hiệu quả các lợi thế so sánh của vùng, của tỉnh trong chuỗi giá trị, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành.

Tạo lập các động lực tăng trưởng mới gắn với chuyển biến về chất mô hình tăng trưởng của ngành Công Thương cùng một mô hình quản trị nhà nước năng động, hiệu quả, hiện đại và có tính thích ứng cao để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững.

Chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp từ các ngành thâm dụng tài nguyên, lao động sang các ngành thâm dụng vốn và công nghệ, các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp carbon thấp; từ các công đoạn có giá trị gia tăng thấp lên các công đoạn có giá trị gia tăng vừa và cao trong chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực.

Ngành công nghiệp, thương mại có vai trò là động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh Quảng Ngãi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong giai đoạn 2019-2022, dù gặp nhiều khó khăn nhưng công nghiệp, thương mại của tỉnh vẫn đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Công nghiệp tăng trưởng cả về quy mô và chất lượng. Chỉ số sản xuất công nghiệp của Quảng Ngãi tăng bình quân hơn 9%/năm; giá trị tăng thêm bình quân trên 8%/năm. Tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP từ 32,9% năm 2018 tăng lên 40,8% năm 2022 và là ngành có tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Cơ cấu ngành công nghiệp cũng có chuyển dịch tích cực. Trong 4 phân ngành Cấp I, khai khoáng chiếm tỷ trọng thấp áp chót và giảm từ 0,9% năm 2018 xuống còn 0,6% năm 2022; ngành chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất, tương ứng tăng từ 94,9% năm 2018 lên 96,8% vào năm 2022.

Ngành công nghiệp chế biến chế tạo luôn là điểm sáng trong phát triển công nghiệp, có tốc độ tăng trưởng khá, bình quân trên 7,9%/năm. Đây là ngành đóng góp chính vào xuất khẩu của tỉnh tăng nhanh trong giai đoạn 2019- 2022.

Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu phát triển mạnh là cũng điểm nổi trội trong phát triển kinh tế của Quảng Ngãi. Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 2.230 triệu USD, gấp 3,7 lần năm 2018 và đạt tốc độ tăng trưởng trên 39%/năm.

Sản phẩm hàng hóa tiêu dùng của tỉnh khá đồng dạng với các tỉnh /thành khác trong vùng và cả nước. Nhiều sản phẩm có khả năng cạnh tranh thấp nên khó mở rộng thị trường. Việc tiêu thụ nông sản như dưa hấu, cau, ớt… bị động, còn tình trạng mất mùa được giá và được mùa, mất giá, phải “giải cứu”.