Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi tính chuyện xuất khẩu thủy sản nuôi trong lòng hồ thủy điện, thủy lợi

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Thông qua các hội chợ, triển lãm, Quảng Ngãi sẽ tìm kiếm doanh nghiệp thu mua thủy sản để cung cấp sản phẩm ra thị trường ngoại tỉnh, hướng tới xuất khẩu những loại cá có giá trị kinh tế cao.

Ngày 18/8, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh ký ban hành quyết định kế hoạch hỗ trợ phát triển nuôi thủy sản quảng canh trong lòng hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Nuôi thủy sản trên lòng hồ chứa Nước Trong.
Nuôi thủy sản trên lòng hồ chứa Nước Trong.

Địa điểm thả nuôi là trên các đập, lòng hồ chứa thủy lợi, thủy điện theo quy hoạch phát triển thủy sản của địa phương hoặc đã được cho chủ trương đầu tư nuôi trồng thuỷ sản. 

Đối tượng thủy sản thả nuôi là cá trắm, cá trôi, cá mè, cá chép, cá diếc... và đối tượng có giá trị kinh tế như: cá thát lát, cá lăng nha, cá bống tượng, cá chình, cá trắm đen,...

Theo tính toán, tổng nhu cầu vốn để phục vụ phát trển nuôi thủy sản quảng canh trong lòng hồ chứa thủy lợi, thủy điện đến 2030 là 16,8 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ 6,3 tỷ đồng, chiếm 32,5%, còn lại là vốn của người dân).

Dự kiến hàng năm ngân sách nhà nước hỗ trợ từ 5 - 10 hồ, đập (tùy thuộc vào số lượng hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ chức cộng đồng được cộng nhận, giao quyền quản lý nguồn lợi thuỷ sản hoặc được cấp phép nuôi trồng thủy sản), với kinh phí từ 700 – 800 triệu đồng.

Sản phẩm thủy sản đạt kích cỡ thương phẩm sẽ tiến hành thu hoạch theo hình thức thu dần hoặc thu một lần tùy diện tích lớn, nhỏ của hồ; khuyến khích người nuôi nên thu hoạch trước mùa mưa lũ hàng năm theo hướng dẫn của cơ quan chức năng để tránh thất thoát sản phẩm. 

Sản phẩm thủy sản thu hoạch tiêu thụ qua các hình thức, như sản xuất theo đơn đặt hàng, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ nuôi; tiêu thụ cho thị trường nội tỉnh qua các chợ ở nông thôn, cơ sở dịch vụ thu mua cung cấp thủy sản.

Theo kế hoạch này, Quảng Ngãi sẽ tích cực quảng bá sản phẩm ra ngoài tỉnh thông qua việc tham gia hội chợ, triển lãm, tìm cách tiếp cận các doanh nghiệp thu mua thuỷ sản để cung cấp sản phẩm ra thị trường ngoại tỉnh, hướng tới xuất khẩu, nhất là các đối tượng có giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá chình, cá thát lát,.. 

Quảng Ngãi có tiềm năng diện tích mặt nước hồ chứa thủy lợi, thủy điện, hồ chứa tự nhiên khá lớn, rải rác ở các huyện, thị xã và thành phố. Trên địa bàn tỉnh hiện có 124 hồ chứa thủy lợi được phân bố ở 11/13 huyện, thị xã; theo phân loại hồ chứa có 25 hồ chứa nước lớn, 36 hồ chứa nước vừa và 63 hồ chứa nước nhỏ.

Hàng năm, có khoảng 940ha nuôi thuỷ sản nước ngọt, trong đó khoảng 800ha nuôi thuỷ sản hồ chứa, còn lại là nuôi ao hồ nhỏ, sản lượng thủy sản nuôi từ các hồ chứa với số liệu thống kê từ các địa phương là khoảng 1.700 tấn/năm.

Cá lăng nuôi ở lòng hồ thủy điện.
Cá lăng nuôi ở lòng hồ thủy điện.

Sở hữu tiềm năng khá lớn về mặt nước, phong phú về môi trường thủy hóa và sinh trưởng tốt nên trong những năm gần đây, phong trào nuôi cá nước ngọt trên sông và các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, các hồ chứa tự nhiên ở Quảng Ngãi dần được lan rộng, từ đó góp phần xoá đói giảm nghèo, nhất là người dân khu vực trung du, miền núi, vùng nông thôn khó khăn. 

Mặc dù vậy, việc nuôi thủy sản trên hồ chứa vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: nuôi manh mún, nhỏ lẻ, việc quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong hồ chưa hợp lý.

Người dân địa phương đa phần là các vùng núi, kinh tế khó khăn nên khả năng đầu tư sản xuất thấp, chưa có sự đầu tư đồng loạt, chưa tận dụng, khai thác hết tiềm năng, lợi thế mặt nước và diện tích hiện có một cách hiệu quả, bền vững.