Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ninh: vẫn dự kiến làm hầm đường bộ qua cửa vịnh Cửa Lục

Vĩnh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Quy hoạch chung TP Hạ Long, Quảng Ninh đến năm 2040 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vẫn sẽ có phương án xây dựng hầm đường bộ qua cửa vịnh Cửa Lục để kết nối giao thông cơ giới giữa 2 bờ vịnh.

Trước đó, Dự án hầm đường bộ xuyên vịnh Cửa Lục, TP Hạ Long từng được Quảng Ninh dự kiến khởi công năm 2019 và hoàn thành năm 2025, nhưng sau tạm dừng để tập trung triển khai các dự án khác. Dự án này từng được ví là công trình thế kỷ của Quảng Ninh với số vốn rất lớn, đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật rất cao.

Dự án hầm đường bộ xuyên vịnh Cửa Lục sau khi được làm xong sẽ góp phần giảm tải cho cầu Bãi Cháy, kết nối thông suốt giữa hai khu vực phía Đông và Tây của TP Hạ Long.

Vịnh Cửa Lục.
Vịnh Cửa Lục.

Với tốc độ phát triển nhanh của Quảng Ninh, cầu Bãi Cháy - cây cầu huyết mạch kết nối hai khu vực phía Đông và Tây của TP Hạ Long - có dấu hiệu quá tải và tắc nghẽn dù chỉ là một tai nạn nhỏ.

Đặc biệt, việc lưu thông qua cầu gặp rất nhiều khó khăn trong mùa mưa bão.

Dự án hầm đường bộ xuyên vịnh Cửa Lục khi đó có tổng số vốn đầu tư trên 9.780 tỷ đồng, được bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, kế hoạch vốn giai đoạn 2018-2020 là trên 3.000 tỷ đồng, giai đoạn 2021- 2025 là trên 6.766 tỷ đồng.

Để có nguồn vốn cho công trình thế kỷ trên, mỗi năm Quảng Ninh dự kiến cân đối từ nguồn ngân sách tỉnh khoảng 2.000 tỷ đồng.

Đây là công trình cấp đặc biệt, nhưng không nằm trong công trình quốc gia, nên Quảng Ninh xin chủ trương tự cân đối ngân sách để xây dựng và được Chính phủ đồng ý.

Theo thiết kế, hầm đường bộ xuyên vịnh Cửa Lục có quy mô 6 làn xe, tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 2.750 m, trong đó, chiều dài hầm khoảng 2.140 m (gồm 1.000 m hầm dìm và 1.140 m hầm dẫn).

Hầm nằm dưới đáy biển cách mặt nước không quá 17 m (hầm Thủ Thiêm là 24 m). Tốc độ xe lưu thông trong hầm có thể đạt 60 km/giờ, hầm có thể chịu được động đất 6 độ Richter.

Để chuẩn bị cho dự án này, Quảng Ninh đã mời rất nhiều đoàn chuyên gia trong và ngoài nước có uy tín cùng tham gia nghiên cứu, khảo sát địa chất, địa hình khu vực làm đường hầm, bởi vị trí được lựa chọn mở đường hầm cực kỳ phức tạp về địa chất, lại nằm sâu dưới đáy biển và lượng tàu bè qua lại quá lớn.

Đến nay, dù đã có thêm một số cây cầu bắc qua vịnh Cửa Lục nhưng cầu Bãi Cháy vẫn đang phải chịu áp lực giao thông rất lớn, khi là tuyến đường huyết mạch gần nhất kết nối khu vực Bãi Cháy với Hòn Gai.